Cần Thơ: Độc đáo "ngôi chùa khuyến học", chắp cánh ước mơ của hàng nghìn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn

PV
12:45 - 27/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ngôi chùa Pitu Khôsa Răngsây - chùa Viễn Quang (An Cư, Ninh Kiều, Cần Thơ) không chỉ nổi tiếng với kiến trúc tôn giáo độc đáo của bà con Khmer, mà còn bởi hoạt động cưu mang cả nghìn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngôi chùa cũng được biết đến với cái tên "ngôi chùa cử nhân" hay "ngôi chùa khuyến học".

Cần Thơ: Độc đáo "ngôi chùa khuyến học", chắp cánh ước mơ của hàng nghìn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn- Ảnh 1.

Chùa Pitu Khôsa Răngsây nhìn từ trên cao.

Chốn ở miễn phí và yên tâm của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn

Cầm trên tay giáo trình vừa đọc, Danh Trung Chánh (18 tuổi, quê Kiên Giang), sinh viên ngành Kỹ thuật cơ điện tử - Đại học Cần Thơ, vừa vào sống chùa Pitu Khôsa Răngsây, chia sẻ: “Cha mẹ tôi ở quê làm nông, kinh tế không ổn định. Bởi vậy, lúc biết tin tôi đỗ đại học, bố mẹ cũng lo lắng vì chi phí sinh hoạt của tôi ở Cần Thơ. May mắn, tôi được giới thiệu đến chùa Pitu Khôsa Răngsây và được Thượng tọa Lý Hùng nhận cưu mang mọi chi phí từ chỗ ăn, ở đều được miễn phí. Sống trong chùa rất yên tĩnh nên phù hợp cho việc học tập. Ngoài ra, tôi còn được các sư dạy nghi lễ, sinh hoạt của đồng bào mình".

Danh Trung Chánh chỉ là một trong hàng nghìn sinh viên đã và đang được chùa Pitu Khôsa Răngsây cưu mang. Mỗi người người một hoàn cảnh, song, điểm chung của các sinh viên là tinh thần hiếu học và nỗ lực không ngừng.

Được biết, từ năm 1996, Thượng tọa Lý Hùng - trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây đã giúp đỡ, tạo điều kiện chỗ ăn ở miễn phí cho sinh viên. Trong khuôn viên chùa, ông cho xây dựng 2 khu vực ký túc - nơi sẵn sàng đón nhận các sinh viên hiếu học tại Cần Thơ.

Cần Thơ: Độc đáo "ngôi chùa khuyến học", chắp cánh ước mơ của hàng nghìn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn- Ảnh 2.

Thượng tọa Lý Hùng – trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây đã cưu mang hàng nghìn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ngay tại chùa.

Tại đây, các sinh viên được miễn phí từ điện, nước, ăn uống, sinh hoạt... Người nào khó khăn thì thông qua các dịp lễ hội, nhà chùa trao tặng học bổng; không có xe thì tặng xe đạp để đi học.

Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ, lúc đầu do điều kiện khó khăn nên chùa chỉ hỗ trợ vài sinh viên. Sau đó, ông vận động được nguồn kinh phí nên cưu mang hàng chục sinh viên, có thời điểm lên đến 60 sinh viên.

"Các sinh viên đến đây như một thành viên trong chùa, cha mẹ các em cũng rất mừng khi thấy con mình có nơi nương tựa, vơi được nỗi lo trong cuộc sống. Khi sinh hoạt tại chùa, sinh viên còn được dạy lễ nghi, phong tục tập quán, nếp sống, văn hóa của dân tộc", Thượng tọa Lý Hùng cho biết.

Sinh ra trong nghèo khó, Thượng tọa Lý Hùng có tuổi thơ vất vả mò cua, bắt ốc, có khi phải lượm ve chai để có tiền mua sách vở. Năm 14 tuổi, ông xuất gia tại chùa Sanvor Pôthinhen (quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ).

Nhờ chuyên tâm tu học nên hiện ông là Tiến sĩ Tôn giáo học, thông thạo giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ như Khmer, Anh, Bali, Trung Quốc… Trải qua năm tháng vất vả, Thượng tọa Lý Hùng trân quý sự học, sẵn lòng giúp đời, giúp người, đặc biệt là sinh viên khó khăn, hiếu học.

Từ "ngôi chùa khuyến học" đến những kỹ sư, cử nhân, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ đóng góp cho đất nước

Thượng tọa Lý Hùng, chùa Pitu Khôsa Răngsây đã "tiếp sức" nuôi dạy hàng nghìn sinh viên hiếu học khắp các tỉnh miền Tây học thành tài, trở thành kỹ sư, cử nhân, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ.

Trong số đó có Đại đức Danh Út - trụ trì chùa Khmer Thôn Dôn (Thành phố Rạch Giá, Kiên Giang). Ông cho biết, từ năm 2005, trong quá trình theo học cử nhân ngành Xã hội học tại thành phố Cần Thơ, bản thân có thời gian dài được Thượng tọa Lý Hùng hỗ trợ chỗ ở để theo đuổi việc học.

Với tinh thần không ngừng học tập, Đại đức Danh Út đã lấy bằng cử nhân (năm 2010), tiếp đó là học thạc sĩ. Đến năm 2023, ông chinh phục tấm bằng tiến sĩ ngành Văn hóa học, chuyên ngành Văn hóa Khmer Nam Bộ tại Trường Đại học Trà Vinh. Đại đức Danh Út còn là gương sáng trong việc vận động thực hiện các hoạt động công tác an sinh xã hội tại tỉnh Kiên Giang.

Cần Thơ: Độc đáo "ngôi chùa khuyến học", chắp cánh ước mơ của hàng nghìn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn- Ảnh 3.

Sinh viên đang sinh hoạt tại ký túc xá của chùa Pitu Khôsa Răngsây. Ảnh: Thành Thật (GD&TĐ)

"Các sinh viên gắn bó với chùa lắm, dẫu đi đâu, làm gì luôn nhớ quãng thời gian sống trong chùa nên quay về đây. Có trường hợp sinh viên được chùa cưu mang từ 20 năm trước, dẫn cả gia đình đến chùa cảm ơn. Tôi rất trân trọng khi các em nhớ về nơi đã gắn bó và có lòng phụ chùa chăm lo cho thế hệ sau ăn học thành tài để giúp ích cho đời, phụng sự đất nước", Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.

Trong các hoạt động từ thiện xã hội, Thượng tọa Lý Hùng cho rằng, giáo dục là nền tảng để nâng cao nhận thức. Khi nhận thức tốt thì làm việc tốt, sống có ích cho xã hội. 

"Tôi chỉ mong sau khi các em hoàn thành chương trình học thì quay về địa phương cống hiến, hiếu nghĩa với cha mẹ", Thượng tọa Lý Hùng kỳ vọng.

Ngoài việc bảo trợ miễn phí cho sinh viên, nhiều năm qua, chùa Pitu Khôsa Răngsây còn tổ chức lớp học Khmer ngữ miễn phí cho cán bộ, viên chức và thanh niên Khmer. Với vốn kiến thức của mình, Thượng tọa Lý Hùng tích cực hỗ trợ giảng dạy văn hóa cho các lớp Khmer ngữ tại các địa phương và các lưu học sinh Campuchia tại Cần Thơ.

Ông còn tiên phong trong việc "đỡ đầu" các du học sinh Campuchia trong phong trào "Ươm mầm hữu nghị" và trao học bổng cho các em trong các ngày, lễ, Tết truyền thống của đồng bào Khmer từ năm 2018 đến nay.

Với những đóng góp tích cực tham gia công tác thiện nguyện, vận động khuyến học, hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội, năm 2021, Thượng tọa Lý Hùng được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng Bằng khen.

Từ ngày khởi lập đến nay (năm 1948), chùa Pitu Khôsa Răngsây đã đồng hành cùng với đất nước qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong những năm 1960-1975, nhà chùa là nơi cưu mang hàng trăm thanh niên trốn quân dịch, là nơi tập hợp các sư sãi yêu nước đấu tranh chính trị với chính quyền Sài Gòn, đòi tự do tôn giáo, chống phân biệt sắc tộc... Ngôi chùa còn là cơ sở nuôi chứa và bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng bám trụ.

Từ năm 1975 đến nay, chùa vẫn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo Nam tông Khmer của các vị sư và bà con phật tử người dân tộc, tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho bà con trong khu vực.

Bình luận của bạn

Bình luận