Chùa Vĩnh Nghiêm - trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta

Giáo sư Trịnh Sinh
23:33 - 09/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chùa Vĩnh Nghiêm đã đi vào ca dao mà người dân Bắc Giang nào cũng thuộc: "Thứ nhất là chùa Đức La, thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng". Chùa Đức La chính là tên gọi dân gian của chùa Vĩnh Nghiêm.

Vì trước đây, chùa thuộc xã Đức La, tổng Trí Yên, phủ Lạng Giang. Nay thì chùa thuộc thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa Vĩnh Nghiêm được coi là trường Đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta. 

Chùa Vĩnh Nghiêm - trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta - Ảnh 1.

Tiền đường chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Trịnh Sinh

Chùa Vĩnh Nghiêm - trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta - Ảnh 2.

Một góc chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Trịnh Sinh

Chùa Vĩnh Nghiêm - trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta - Ảnh 3.

Tượng Quan Thế Âm trong Chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Trịnh Sinh

Chùa Vĩnh Nghiêm - trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta - Ảnh 4.

Tượng Quan Âm Thị Kính. Ảnh: Trịnh Sinh

Chùa Vĩnh Nghiêm - trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta - Ảnh 5.

Mộc bản "Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh". Ảnh: Trịnh Sinh


Chùa Vĩnh Nghiêm - trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta - Ảnh 6.

Mộc bản "Thiền Tông Bản Hạnh". Ảnh: Trịnh Sinh

Chùa rộng, nhiều cây xanh, kiến trúc gần như còn lưu giữ những vẻ đẹp truyền thống, nhiều cổ vật quý. Có lẽ vì thế mà chùa Vĩnh Nghiêm đã được nhà nước xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Từ năm 1998, nhiều phế tích và di tích chùa cũ được nhân dân phát hiện dọc con đường từ chùa Vĩnh Nghiêm mạn Bắc Giang lên đỉnh núi Yên Tử. Các thư tịch cổ cũng nói đến các chùa nổi tiếng này. Con đường tâm linh có nhiều chùa cổ ven đường đã dần dần hiện ra. 

Nhiều cuộc khai quật khảo cổ học đã cho thấy quy mô bề thế của chúng. Đó là các chùa Sơn Tháp, Mã Yên, Bình Long, Hồ Bấc, Am Vãi, Hàm Long, Đồng Vành, Đám Trì, Lê Ngạc, Khám Lạng, chùa Cao… Những chùa này đều nằm trên con đường Tây Yên Tử và nằm trong số 135 điểm di tích tâm linh và danh thắng mà tỉnh đã thống kê ở Tây Yên Tử.

Tỉnh Bắc Giang đã có quy hoạch bảo tồn các di tích và đã xây dựng con đường 293 là con đường tâm linh xuyên các di tích Tây Yên Tử trên địa bàn Bắc Giang để kết nối với vùng Đông Yên Tử, tạo ra một khu du lịch tâm linh hoàn chỉnh quanh đỉnh cao núi Yên Tử. Với những vùng đồng bằng thấp, chân núi: ven sông Lục Nam, Bắc Giang (nơi có chùa Vĩnh Nghiêm) thung lũng Chí Linh, Hải Dương (nơi có chùa Côn Sơn) và đồng bằng Uông Bí, Quảng Ninh (nơi có chùa Trình Yên Tử). 

Một mạng lưới liên kết các di tích tâm linh đã giúp cho một vùng đông bắc nước ta khởi sắc khí thế phát triển du lịch mà ít nơi có được. Đồng thời cũng giúp cho chúng ta hiểu thêm về Phật giáo thời Trần và thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ.

Chùa Vĩnh Nghiêm đóng vai trò quan trọng ở buổi đầu phát triển Phật giáo ở núi Yên Tử: Là điểm đầu tiên của con đường hành hương lên đỉnh Yên Tử, cũng còn là một nơi đào tạo tăng ni sớm nhất cho thiền phái Trúc Lâm.

Để hiểu thêm về ngôi chùa này, chúng ta cần đặt vị thế của chùa trong sự hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam trong thời Trần, cách đây khoảng hơn 7 thế kỷ.

Vua Trần đi tu, Trúc Lâm Tam Tổ và chùa Vĩnh Nghiêm

Trần Nhân Tông là ông vua có công dẫn dắt quân dân Đại Việt chiến thắng quân Nguyên Mông trong chiến trận sông Bạch Đằng năm 1288, sau đó ông nhường ngôi cho con để đi tu. Đại Việt Sử ký toàn thư còn chép lại: Năm Giáp Ngọ, 1294, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã đến Vũ Lâm (thuộc huyện Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An) vào chơi hang đá và quyết định xuất gia, đi tu ở đây. 

Đến năm Kỷ Hợi, 1299, Thượng hoàng lại vào núi Yên Tử tu khổ hạnh. Từ đấy, núi Yên Tử đã mọc lên nhiều chùa chiền và là nơi hình thành một thiền phái Phật giáo nước ta là: Trúc Lâm. Thiền Phái phát triển cho đến tận ngày nay, chính là do vị vua có công đầu đánh giặc, cũng là vị Tổ thứ nhất lập ra.

Có thể con đường mà Trần Nhân Tông xuất gia vào núi Yên Tử buổi đầu là con đường từ chùa Vĩnh Nghiêm đi dọc sườn núi Tây Yên Tử. 

Chùa Vĩnh Nghiêm (khi đó còn là ngôi chùa làng mang tên chùa Chúc Thánh), có từ thời Lý. Tuy nhiên, tên gọi ngôi chùa Chúc Thánh tiền thân của chùa Vĩnh Nghiêm cũng như vấn đề Trần Nhân Tông lần đầu lên Yên Tử bằng con đường Tây Yên Tử qua ngả chùa Vĩnh Nghiêm mới chỉ là giả định mà không thấy thư tịch hay văn bia ghi lại.

Cho đến vị tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa thì chùa Vĩnh Nghiêm mới được xây dựng lại khang trang như thư tịch còn chép. Ngài có công biên soạn sách Phật để giảng dạy trong Thiền phái, như các bộ Đại Tạng Kinh, Truyền Đăng Lục và nhiều kinh sách khác. Pháp Loa trụ trì và giảng Phật pháp ở chùa Vĩnh Nghiêm. 

Khi đó, Vĩnh Nghiêm là một trung tâm đào tạo Phật giáo lớn, đã đào tạo khoảng hơn 1.000 vị tăng, trở thành một Thiền viện lớn nhất, có nhiều nhà sư nhất, có nhiều "giáo trình" Phật học được biên soạn và in ấn nhất.

Vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm là Huyền Quang, vốn là một Tiến sĩ làm quan thời Trần, một lần đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe giảng kinh mà xin xuất gia thụ giáo, sau khi vị tổ thứ hai là Pháp Loa mất, ông đã kế tục sự nghiệp. Huyền Quang cũng đã từng trụ trì ở chùa Vĩnh Nghiêm.

Chùa Vĩnh Nghiêm với du lịch

Chùa Vĩnh Nghiêm là một chùa có cảnh quan đẹp nhất xứ Kinh Bắc xưa, đắc địa, hợp phong thuỷ "đầu gối sơn, chân đạp thuỷ". Trước mặt là ngã ba sông Thương và sông Lục Nam, nơi có tên gọi là ngã ba Phượng Nhãn (nhiều sách gọi là Thượng Nhãn là không chính xác). Sau lưng là các núi: Cô Tiên, Con Voi, Con Lân.

Đến thăm chùa ngày nay, du khách cảm nhận được ngay cái vẻ bề thế, còn giữ được cái khuôn viên cổ xưa, hầu như chưa bị lấn chiếm như nhiều chùa khác, vào chùa như lạc vào chốn bồng lai Phật pháp cách đây nhiều thế kỷ.

Bước qua cổng tam quan có kiến trúc hai tầng tám mái có đôi rồng đá ở cửa bậc là con đường chính đạo. Đường dài khoảng 100m dẫn tới khu Tam bảo là kiến trúc chính của chùa gồm Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện có các kiến trúc mái mũi hài, tường gạch, cột gỗ lim, cửa gỗ. Một hệ thống tượng được thờ trên thượng điện và các vách tường bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Tiếp đến là các kiến trúc nhà Tổ đệ nhất, đệ nhị. Trong khuôn viên còn có khu vườn tháp.

Tượng Trúc Lâm tam tổ gồm 3 vị Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang được thờ trong chùa ở vị trí trang trọng. Bên cạnh đó còn có ban thờ Mẫu Thượng Thiên, tượng Quan Âm, tượng thần Độc Cước… 

Trong chùa còn có một số di vật quý như quả chuông niên đại thế kỷ XIX, tấm bia đá 6 cạnh thời Hoằng Định (1606), các mảng chạm khắc gỗ thời Lê, chiếc mõ sơn đen có dòng chữ Phạn và dài khoảng nửa mét.

Đặc biệt, trong chùa còn có nhà in Kinh Phật còn lưu giữ 3.050 mộc bản quý đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Hàng năm, lễ hội chùa được tổ chức vào ngày 14 tháng Hai (Âm lịch) cuốn hút du khách khắp nước. Đây cũng là lễ hội được xếp hạng là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Vậy là ngôi chùa ở vùng ngã ba sông này đã hội tụ được cả ba di sản cấp thế giới, cấp quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia. Đúng là hiếm có những ngôi chùa nào đạt được cả 3 tiêu chí như vậy.

Vậy là ngôi chùa ở vùng ngã ba sông này đã hội tụ được cả ba di sản cấp thế giới, cấp quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia. Đúng là hiếm có những ngôi chùa nào đạt được cả 3 tiêu chí như vậy.

Con đường 293 đã được tỉnh Bắc Giang xây dựng mới, khang trang nối một vệt chùa cổ từ điểm đầu là chùa Vĩnh Nghiêm lên đỉnh Yên Tử đã bắt đầu trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng, đây chính là con đường Tây Yên Tử nhộn nhịp thời Trần, Lê thu hút nhiều Phật tử hành hương thăm chốn tu hành của Tam Tổ Trúc Lâm. Một thời con đường này bị lãng quên, nay đang từng bước được khôi phục, ngày càng thu hút du khách.

Vĩnh Nghiêm là một danh lam cổ tự nổi tiếng và còn là một điểm son trong lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam. Từ hơn 1.000 vị tăng ni được đào tạo bài bản ở Thiền viện Trúc Lâm này đã toả ra khắp đất nước, xây chùa mới, phát triển thiền phái cho đến tận hôm nay. 

Có thể kể đến các chùa lớn thuộc thiền phái này ở Yên Tử, Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), Vũ Lâm (Ninh Bình), Côn Sơn (Hải Dương), Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà (Bắc Giang), Vĩnh Nghiêm (thành phố Hồ Chí Minh)… Các Trúc Lâm thiền viện như Bạch Mã, Giác Tâm, Phượng Hoàng, Hậu Giang, Tây Thiên Vĩnh Phúc, Đà Lạt, Sùng Phúc, Hàm Rồng Thanh Hoá, Trà Vinh, Cà Mau…

Từ một ngôi chùa làng, Vĩnh Nghiêm đã từng bước trở thành một ngôi chùa "Quốc tự", đáng để con dân nước Việt một lần đến thăm, để lãng du vào một cõi Phật thanh cao mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã từng du ngoạn và đi tu nơi đây.