Quảng Nam khởi công dự án tu bổ di tích chùa Cầu 400 năm tuổi

N.Cường
16:38 - 28/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trải qua khoảng 400 năm tồn tại, di tích chùa Cầu ở Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở Việt Nam mà còn hiếm thấy trên thế giới.

Quảng Nam khởi công dự án tu bổ di tích chùa Cầu 400 năm tuổi - Ảnh 1.

Chùa Cầu là công trình kiến trúc nghệ thuật hiếm thấy trên thế giới, biểu tượng của Thành phố Hội An. Ảnh: CNN

Đầu tư hơn 20 tỷ đồng tu bổ di tích chùa Cầu

Sáng 28/12, Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã khởi công Dự án tu bổ di tích chùa Cầu. 

Chùa Cầu sẽ được trùng tu các hạng mục như: Gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, khung gỗ, mái; cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình; số hóa di tích bằng công nghệ 3D phục vụ lưu trữ và công tác tu bổ, tổ chức hội thảo, tọa đàm, lập hồ sơ khoa học; tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật; mạng internet, hệ thống camera an ninh và nhà bao che phục vụ thi công tu bổ và bảo quản di tích.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư 20,2 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách tỉnh Quảng Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố Hội An.

Theo Trung tâm Quản Lý Bảo tồn Di Sản Văn hóa Hội An, chùa Cầu là công trình có giá trị đặc biệt nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật… là hạt nhân tạo nên giá trị nổi bật của di tích Quốc gia đặc biệt, Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An; là biểu trưng cho truyền thống lịch sử, văn hóa của mảnh đất và con người Hội An - Quảng Nam.

Dưới tác động của nhiều yếu tố về thời gian, thiên tai bão lụt, côn trùng gây hại và tác động của con người dẫn đến sự xuống cấp của chùa Cầu, trở thành mối quan tâm và cần có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế về lĩnh vực bảo tồn di sản.

Việc tổ chức lễ khởi công tu bổ di tích nhằm kịp thời tu bổ, gìn giữ, bảo tồn giá trị đặc biệt của di tích này, đồng thời góp phần thông tin sâu rộng về Dự án Tu bổ di tích chùa Cầu đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao lòng tự hào, ý thức trách nhiệm chung tay bảo tồn, phát huy di sản cũng như tạo sự đồng thuận và ủng hộ cao của cộng đồng trong quá trình triển khai công trình.

Tất cả các khâu chuẩn bị để tiến hành trùng tu chùa Cầu đều được thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam theo quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP. Ngoài ra còn có ý kiến góp ý của Văn phòng Ủy ban UNESCO tại Hà Nội, Văn phòng JICA tại Việt Nam, Tổng Cục Văn hoá Nhật Bản.

Quảng Nam khởi công dự án tu bổ di tích chùa Cầu 400 năm tuổi - Ảnh 3.

Ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XV, đến nay chùa Cầu đã trải qua khoảng 400 năm tồn tại. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Nam

Đôi nét về chùa Cầu

Ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XV, trải qua khoảng 400 năm tồn tại, chùa Cầu là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà còn hiếm thấy trên thế giới, trở thành biểu tượng của Thành phố Hội An.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Quảng Nam, chùa Cầu là ngôi chùa nằm trên chiếc cầu bắc ngang qua con lạch nhỏ trong khu đô thị cổ Hội An, nằm ở đoạn tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú.

Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật xây dựng nên người dân nơi đây vẫn thường gọi là cầu Nhật Bản. Đây là công trình kiến trúc duy nhất được coi là có gốc tích Nhật Bản còn lại tại đây.

Theo truyền thuyết, ngôi chùa được xem như một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất.

Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu nên từ đó người dân địa phương gọi là chùa Cầu. Chùa Cầu có kiến trúc đặc biệt mang đậm nét Việt, mái ngói âm dương phủ kín cây cầu bằng gỗ dài khoảng 18m.

Trên cửa chính của ngôi chùa cổ kính này có một tấm biển lớn chạm nổi ba chữ Hán là Lai Viễn Kiều. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu khi thăm Hội An thấy chùa Cầu đặc biệt nên đặt tên chiếc cầu là Lai Viễn, với ý nghĩa "bạn phương xa đến".

Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là trong chùa không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm mong cầu mọi điều tốt đẹp.

Cầu có mái che khá độc đáo, ở giữa là lối qua lại kiểu cầu vòng, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi nghỉ mát với bảy gian bằng gỗ. Mặt chính của chùa hướng ra bờ sông Hoài thơ mộng.

Chùa và cầu đều làm bằng gỗ, sơn son và chạm trổ nhiều họa tiết công phu, hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái, thờ tự từ xa xưa (cũng có thể xuất phát từ ý nghĩ cây cầu xây từ năm Thân đến năm Tuất mới hoàn thành).

Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Cùng với chức năng điều tiết giao thông, thuận tiện cho việc đi lại của người dân trong khu phố cổ, chùa Cầu còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng có liên quan đến truyền thuyết về việc trấn yểm thủy quái, thủy tai.

Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 6 lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó. Hình ảnh chùa Cầu có trên tờ tiền 20.000 đồng bằng polymer của Việt Nam.

Bình luận của bạn

Bình luận