Cần công nhận giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, độc hại

Phan Anh
14:27 - 30/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong Diễn đàn người lao động năm 2023 (28/7/2023), đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ thông tin, dự kiến sẽ đề xuất đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Cần công nhận giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, độc hại  - Ảnh 1.

Giáo viên mầm non cần chính sách ưu đãi hơn để nâng cao loại hình giáo dục đặc biệt này. Ảnh: Trường Mầm non Nà Hẩu, Văn Yên, Yên Bái

Vì sao giáo viên mầm non chưa được công nhận là ngành nghề nặng nhọc, độc hại?

Khoản 1 Điều 10 Nghị định 113/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo dạy thực hành như sau:

1. Nhà giáo dạy thực hành, dạy tích hợp (sau đây gọi chung là nhà giáo dạy thực hành) tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau:

a) Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc; dạy thực hành ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định;

b) Dạy thực hành trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép;

c) Dạy thực hành những ngành, nghề học phát sinh tiếng ồn lớn hoặc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép;

d) Dạy thực hành ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Tại Nghị định này, không có khoản nào quy định giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cả nước có khoảng hơn 2.000 giáo viên mầm non, trên tổng khoảng 1,6 triệu giáo viên. Do đặc thù giáo viên mầm non thường dạy trẻ nhỏ, vừa dạy vừa phải dỗ, chăm bẵm... môi trường làm việc nhiều tiếng ồn nên công việc khá căng thẳng, áp lực. Đó cũng là lí do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị công nhận giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Nặng nhọc và độc hại trong nghề giáo viên mầm non được hiểu như thế nào?

Thứ nhất, về thời lượng công việc, giáo viên mầm non làm việc hơn 10 tiếng một ngày, thậm chí họ không được nghỉ khi có dịch bệnh. Sáng sớm họ đến trường trước trẻ em cả tiếng để dọn dẹp, trang bị phòng ốc, không nghỉ trưa (vì phải canh các cháu ngủ). Họ về nhà sau trẻ em cả tiếng để dọn dẹp. Cùng với đó, họ phải thức khuya dậy sớm để soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học và các công việc khác có liên quan đến giảng dạy.

Thứ hai, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, giáo viên mầm non đang làm thêm nhiệm vụ của lao công. Chẳng hạn, dọn dẹp phòng ốc, vệ sinh đồ chơi, vệ sinh cho các cháu. Mỗi giáo viên phải phụ trách 20-35 cháu khiến công việc quá tải. Chưa kể, mỗi khi có cháu nào bị bệnh, phụ huynh chưa đón kịp thì họ càng thêm khổ.

Thứ ba, mức lương của giáo viên mầm non hiện rất thấp, chỉ khoảng vài ba triệu đồng một tháng. Một giáo viên mầm non hạng III (thâm niên 9 năm) có hệ số lương như sau: Lương cơ bản 1,490×2.72-10.5% bảo hiểm +35% phụ cấp +thâm niên. Sau khi cộng trừ các khoản theo công thức này mỗi tháng giáo viên chỉ nhận được khoảng 5,3 triệu đồng.

Thứ tư, về áp lực công việc, giáo viên mầm non bị đè nén từ trên xuống, từ dưới lên. Đó là những quy định nghiệt ngã, chẳng hạn thời gian cho các cháu ăn phải đúng bữa; về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hoặc chỉ cần trẻ bị trầy xước cô giáo đã bị phụ huynh tấn công. Đã có nhiều trường hợp giáo viên bị trầm cảm vì họ phải chịu áp lực quá nặng nề.

Một số vấn đề cần tháo gỡ đối với chính sách dành cho giáo viên mầm non

Trên diễn đàn của mình, nhà giáo C.M.H, giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn nêu quan điểm, lương, phụ cấp nghề nghiệp mới chỉ là một vấn đề trong nhiều vấn đề ở giáo dục mầm non cần tháo gỡ trước. Cùng với cải cách lương, phụ cấp cho loại giáo dục đặc biệt này cần:

Thứ nhất, phân chia đào tạo giáo viên và cô nuôi hay cấp dưỡng ra thành hai chuyên ngành. Giáo viên chỉ dạy, không làm những việc khác.

Thứ hai, không được phép bắt giáo viên phải làm lao công và những việc ngoài chuyên môn như một hình thức bóc lột, vắt kiệt sức lao động của giáo viên.

Thứ ba, đồ chơi, học liệu do nhà trường chi trả, không phải lấy từ lương giáo viên.

Thứ tư, gỡ bỏ những quy định (khắt khe) về giờ giấc, từ giờ đến trường đến giờ ăn giờ ngủ. Bởi trẻ em không phải là cái máy, chúng cần được điều chỉnh từng bước.

Thứ năm, cần giảm số lượng trẻ em xuống mức mỗi giáo viên chăm không quá 4 em bé.

Thứ sáu, ưu đãi đất đai, mở rộng nhà trường thành vườn trẻ để từng bước dẹp bỏ những nhà trẻ ổ chuột.

"Đó là 6 vấn đề căn bản cùng với cải cách lương, phụ cấp. Nên nhớ, giáo dục như trồng cây, vạn thử thách đè lên đầu người trồng, không phải trồng cây cổ thụ như lãnh đạo vẫn trồng mà chăm ở giai đoạn ươm mầm", thầy giáo C.M.L bày tỏ.