Giáo viên mầm non hết cơ hội được giảm tuổi nghỉ hưu?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan soạn thảo luật nêu quan điểm không bổ sung về tuổi nghỉ hưu thấp hơn cho giáo viên mầm non theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì không phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về tuổi nghỉ hưu và chế độ hưu trí.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không đồng thuận giảm tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non
Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất bổ sung giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định.
Bộ Giáo dục vào Đào tạo đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung trường hợp người lao động là giáo viên mầm non có tuổi nghỉ hưu thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định.
Mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã không đồng thuận với đề xuất của Bộ Giáo dục và cho rằng có thể xem xét đưa vào diện ngành nghề nặng nhọc để được nghỉ hưu trước tuổi.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đánh giá đặc thù nghề nghiệp của giáo viên mầm non để xem xét, bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm làm cơ sở để giáo viên mầm non được phép nghỉ hưu trước tuổi so với quy định chung.
Cụ thể, bổ sung điểm đ vào khoản 1 Điều 71 Dự thảo Luật như 2 sau:
đ) Người lao động là giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục có tuổi thấp hơn tối đa 05 năm so với tuổi quy định tại điểm a khoản này và có ít nhất 15 năm công tác đúng vị trí việc làm.
Lý giải điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 6 tuổi, đây là độ tuổi đòi hỏi người chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn cho trẻ em. Do vậy, trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, gây ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nghề dạy trẻ mầm non có được xem là công việc nặng nhọc hay không?
Bất cứ ai trải nghiệm một ngày làm giáo viên mầm non sẽ có ngay câu trả lời, đó là công việc không chỉ nặng nhọc mà vô cùng áp lực.
Giáo viên mầm non thường phải có mặt ở trường từ sáng sớm để đón trẻ và kết thúc thời gian làm việc muộn. Trong suốt thời gian của buổi học, giáo viên mầm non phải tổ chức, thực hiện các hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa, hát, thể dục, chăm sóc trẻ em hiếu động... cần sức khỏe tốt, phản xạ nhanh.
Đối với giáo viên mầm non khi tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm, không còn nhanh nhẹn để bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy việc quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 05 năm so với tuổi quy định là rất phù hợp.
6 giờ 30 phút hằng ngày, giáo viên mầm non đã phải có mặt tại lớp để dọn vệ sinh và đón trẻ. Một lớp hơn 30 em nhưng chỉ có 2 giáo viên. Có những trẻ không chịu ngồi yên mà luôn quấy khóc. Những ngày trẻ bị bệnh luôn la khóc cả ngày. Có bé đi vệ sinh ngay tại lớp. Các cô dọn dẹp xong chỗ trẻ này lại tới chỗ trẻ khác.
Có những trẻ hay cấu nhéo, xô bạn, đánh bạn. Giáo viên luôn trong tư thế tập trung cao độ bởi bất thình lình sẽ dẫn đến việc trẻ đánh nhau hoặc tai nạn bất ngờ khi em bé nào đó quá nghịch ngợm.
Có những trẻ đến lớp đã thấy thiếu sự chăm sóc của gia đình, thiếu đồ dùng cơ bản, quần áo, giày dép lem luốc. Giáo viên phải tắm rửa, thay đồ. Các cô phải đút cho trẻ ăn hoặc cho ăn giùm vì cha mẹ vội đi làm không kịp cho ăn ở nhà.
Nhiều trẻ khó ăn, vừa ăn vừa khóc rồi nôn, ói ra cả lớp học, lên cả người các cô. Trẻ ăn xong, các cô phải hướng dẫn vệ sinh cá nhân, phải lau dọn vệ sinh phòng ốc để trẻ học và ngủ nghỉ. Giờ các bé ngủ trưa, các cô dỗ trẻ ngủ rồi mới được ăn trưa và ngồi canh các bé ngủ, còn tranh thủ làm đồ dùng dạy học.
Mỗi giờ học của trẻ mầm non cần rất nhiều đồ dùng trực quan để thu hút trẻ vào bài học. Vì thế, thời gian để giáo viên lo làm đồ dùng dạy học không phải là ít. Nhiều giáo viên cho biết, làm buổi trưa ở lớp, buổi tối ở nhà và vào những ngày lễ, tết tranh thủ làm thêm.
Sau buổi ngủ trưa, khoảng 1 giờ 45 phút, trẻ ngủ dậy, giáo viên cho làm vệ sinh cá nhân và ăn xế rồi bắt đầu đến hoạt động buổi chiều như học tập, vui chơi. Ngoài ra, các cô còn phải chà nhà vệ sinh mỗi buổi, lau dọn phòng học, vệ sinh đồ dùng.
Nội dung học chủ yếu ôn lại kiến thức buổi sáng. Chiều đến tiếp tục cho trẻ làm vệ sinh để trả trẻ vào lúc 4 giờ 30 phút. Thời gian quy định là vậy nhưng có phụ huynh bận công việc thường đón trẻ khá trễ thì các cô cũng phải đợi hoặc trực tiếp chở các bé về nhà.
Công việc nặng nhọc như thế cũng không thấm gì với áp lực từ phụ huynh. Một số giáo viên chia sẻ, trẻ mầm non hay hiếu động, chỉ cần chạy nhảy vấp té bầm chân hoặc bị bạn cào cấu bất ngờ thì cô giáo cũng phải năn nỉ phụ huynh thông cảm. Gặp gia đình dễ không sao, có những gia đình xỉa xói lại các cô, đòi kiện lên trên, rêu rao lên mạng hạ uy tín.
Một ngày vất vả ở trường như tối về cũng không được nghỉ ngơi. Có cô về đến nhà đã giờ lên đèn, ăn vội chén cơm lại chuẩn bị giáo án, đồ dùng dạy học cho buổi học sau. Có giáo viên cho biết, gia đình nhiều khi bất hoà vì chồng cho rằng cô không còn thời gian dành cho gia đình.
Điểm qua vài nét như trên cũng đủ thấy được giáo viên mầm non vất vả, cực nhọc cỡ nào. Vì thế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đánh giá đặc thù nghề nghiệp của giáo viên mầm non để xem xét, bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc cũng là điều hợp lý.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google