Giáo viên mầm non cần được nhìn nhận công bằng hơn

Ly Hương
06:15 - 12/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng chưa thể xếp giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại, nên không có căn cứ cho nghỉ hưu sớm.

Chưa xếp giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc là ý kiến của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Giáo viên mầm non không phải nghề nặng nhọc?

Trước đó, cử tri các tỉnh Bình Định, Lào Cai nêu kiến nghị: "Theo tính chất công việc, yêu cầu giáo viên mầm non phải năng động, nhanh nhẹn và phải có sức khỏe để đảm bảo thực hiện tốt việc chăm sóc, dạy trẻ múa, hát và phải tự làm các mô hình, công cụ để phục vụ việc dạy học cho các cháu nên việc tăng tuổi về hưu đối với giáo viên mầm non lên 60 tuổi là chưa phù hợp".

Cử tri kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát, sớm xây dựng thông tư hướng dẫn xác định danh mục nghề, công việc đặc biệt để quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm lao động. Quan tâm xem xét bổ sung giáo viên mầm non vào đối tượng các ngành nghề đặc biệt và quy định tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng này là 55 tuổi để phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non.

Giáo viên mầm non cần được nhìn nhận công bằng hơn - Ảnh 2.

Giáo viên mầm non là nghề nghiệp đặc biệt. Ảnh: Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 62 vào năm 2028, còn nữ là 60 vào năm 2035. Những người làm nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm được nghỉ hưu sớm tối đa 5 năm so với mức trên.

Tuy nhiên, để xác định đâu là nghề đặc biệt, hàng năm, các bộ ngành và địa phương sẽ đánh giá điều kiện làm việc của từng nghề cũng như dựa vào đề xuất của cơ quan chuyên môn. Năm 2019, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị giữ bốn nghề thuộc nhóm đặc biệt, gồm thí nghiệm vật lý hạt nhân; thí nghiệm hóa phóng xạ; thí nghiệm hóa, sinh, điện cao áp; thủ kho hóa chất. Đến nay, danh mục này chưa thay đổi.

"Vì vậy, nghề giáo viên mầm non chưa đủ các điều kiện để xếp vào nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm", Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho hay. Do đó, giáo viên mầm non cũng không được nghỉ hưu sớm.

60 tuổi-giáo viên mầm non sẽ dạy dỗ thế nào?

Bàn về việc giáo viên mầm non nghỉ hưu vào năm 60 tuổi, thầy giáo Phan Anh, giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng sau hơn 3 năm kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho họ xuống 55 vẫn chưa thể thực hiện được là điều rất đáng tiếc. Việc này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.

Vào thời điểm tháng 6/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất giáo viên mầm non phải được xem là nghề nặng nhọc, được nghỉ hưu sớm bởi công việc "không những dạy mà còn phải dỗ trẻ". Ý kiến này đã được nhiều người ủng hộ vì cho rằng, giáo viên mầm non đang chịu quá nhiều áp lực. 

Trung bình giờ làm việc của nhiều giáo viên mầm non hiện nay thường từ 8 đến 12 giờ/ngày. Đó là chưa kể đến việc định mức giờ làm của giáo viên mầm non là 60 phút, còn tiết học ở các bậc học khác chỉ có 45 phút. Năm 2020, đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam khảo sát nhanh trên gần 10.700 giáo viên mầm non trong một tuần, 96% giáo viên đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi.

Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quan điểm, lao động của giáo viên mầm non có tính đặc thù. Vì vậy, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ xem xét bổ sung giáo viên mầm non vào diện nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 

Thực tế, Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể nhóm giáo viên mầm non, giáo viên thể chất vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Thông báo số 01/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 1/1/2021) nhưng vẫn chưa được Bộ này chấp thuận là điều rất đáng tiếc.

"Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, khi không đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe, chuyên môn của nghề mà chưa đến tuổi nghỉ hưu, giáo viên mầm non có thể được hỗ trợ đào tạo để chuyển sang nghề khác, hoặc xin nghỉ hưu sớm theo nguyện vọng cá nhân.

Tôi nhận thấy ý kiến này thiếu khả thi cả về lí thuyết lẫn thực tiễn – đặc thù nghề nghiệp của giáo viên mầm non. Giáo viên "không đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe" chỉ là trường hợp bất khả kháng, không ai mong muốn"-thầy giáo Phan Anh nêu ý kiến. 

Hơn nữa, điều này đã được quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 (trích): Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Giáo viên mầm non có thể được hỗ trợ đào tạo để chuyển sang nghề khác liệu có khả thi?

Giáo viên mầm non ở đội tuổi từ 50 không mấy ai có nhu cầu chuyển sang nghề khác. Hơn nữa, công việc của giáo viên mầm non là giảng dạy và giáo dục học sinh. Bước từ môi trường sư phạm ra ngoài, họ biết làm nghề gì cho phù hợp?

Hiện tại bậc mầm non cả nước đang thiếu giáo viên trầm trọng, nhiều nhất trong các bậc học. Vào cuối tháng 10/2022, tại hội thảo "Bố trí giáo viên và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018" tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin bậc mầm non thiếu 44.000 giáo viên.

"Nguyên nhân thiếu giáo viên mầm non là do đồng lương người lao động còn thấp, thời gian làm việc dài và công việc nặng nhọc, áp lực. Nếu vẫn quy định giáo viên mầm non nghỉ hưu ở tuổi 60 thì bài toán nhân sự sẽ nan giải vào thời gian tới", thầy giáo Phan Anh bình luận.

Hãy công bằng hơn khi bàn tới chính sách cho giáo dục mầm non, xét đến những đặc thù riêng và thực tiễn để có những chỉnh sửa phù hợp.