Các trường dạy nghề Trung Quốc không được coi trọng

Lam Linh
17:58 - 08/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Việc thiếu giáo viên có trình độ, sự tôn trọng xã hội và sự hợp tác của các doanh nghiệp đang cản trở sự phát triển của các trường dạy nghề Trung Quốc.

Các trường dạy nghề ở Trung Quốc không có đủ giáo viên do địa vị xã hội thấp và lương thấp. Ảnh: Henry Wong

Các trường dạy nghề ở Trung Quốc không có đủ giáo viên do địa vị xã hội thấp và lương thấp. Ảnh: Henry Wong

Các trường dạy nghề "chật vật" tuyển sinh và thiếu giáo viên

Sau khi làm bác sĩ tại một bệnh viện công hơn 15 năm, ông Yin Jichao đã được chính quyền thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc điều động về làm hiệu trưởng Trường Y tế Tây An - một trường dạy nghề có truyền thống đào tạo y tá cách đây 4 năm.

Tại ngôi trường này, ông Jichao được giao sứ mệnh là tạo ra nhiều cơ hội học thực hành và trải nghiệm thực tế hơn cho sinh viên. Ông tự gọi mình là "một ví dụ về sự hợp tác giữa ngành công nghiệp và học viện" vào thời điểm Trung Quốc đang thúc đẩy cải cách giáo dục nghề nghiệp để cải thiện năng lực kỹ thuật của lực lượng lao động, khi nền kinh tế chuyển đổi sang phụ thuộc nhiều hơn vào dịch vụ và sản xuất phức tạp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, việc thiếu giáo viên chuyên môn, sự tôn trọng của xã hội và sự tham gia của doanh nghiệp đã kìm hãm sự phát triển của các trường dạy nghề. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt công nhân kỹ thuật lành nghề, thừa sinh viên tốt nghiệp đại học muốn làm công việc văn phòng.

Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Kể từ năm 2022, các nhà chức trách Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp để hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp - vốn từ lâu bị coi là kém chất lượng nhằm thu hẹp khoảng cách ngày càng tăng về kỹ năng nghề trong bối cảnh phát triển công nghiệp của Trung Quốc.

Trong đó bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định giáo dục nghề nghiệp cũng quan trọng như giáo dục phổ thông, đồng thời yêu cầu chi tiết đối với các trường dạy nghề để đào tạo thêm những cố vấn có tay nghề cao và cung cấp nhiều chương trình đào tạo tại chỗ hơn.

Các trường dạy nghề Trung Quốc không được coi trọng- Ảnh 3.

Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động lành nghề do các trường dạy nghề phải chật vật với việc tuyển sinh. Ảnh: Sixth Tone

Trung Quốc là quốc gia đã có hệ thống giáo dục nghề nghiệp lớn nhất thế giới. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, có hơn 8.700 trường học tuyển sinh khoảng 10 triệu học sinh vào năm 2022.

Nhưng nước này vẫn thiếu công nhân lành nghề sau khi dành vài thập kỷ qua để tập trung vào việc mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học - một hệ thống hiện tạo ra hơn 5,5 triệu sinh viên tốt nghiệp mỗi năm có bằng cấp học thuật. Song hầu hết cử nhân đang phải vật lộn để tìm việc làm trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm.

Kết quả là, quốc gia này dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu 30 triệu công nhân lành nghề trong lĩnh vực sản xuất vào năm 2025, theo dữ liệu từ Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc.

Theo một kế hoạch cùng ban hành của 8 bộ do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc lãnh đạo vào tháng 6 năm ngoái, cải cách giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung vào việc xây dựng một "xã hội dựa trên kỹ năng", đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược như công nghệ thông tin và sản xuất thông minh, cũng như các ngành dịch vụ như chăm sóc người già và chăm sóc trẻ em.

Lý do các trường dạy nghề thiếu giáo viên

Năm 2021, Trường Y tế Tây An bắt đầu đào tạo y tá chuyên chăm sóc người già - một lĩnh vực đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chuyên gia trầm trọng trong bối cảnh dân số già đi nhanh chóng.

"Khi làm việc trong bệnh viện, tôi luôn cảm thấy đào tạo nhân tài để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thay đổi của ngành là một nhu cầu cấp thiết", Hiệu trưởng Jichao nói.

Cựu bác sĩ chỉnh hình của y học cổ truyền Trung Quốc cho biết tại bệnh viện, hơn 60% dịch vụ nội trú được dùng để điều trị cho người già trong khi các nhân viên mới thì chưa có kỹ năng phù hợp.

Các trường dạy nghề Trung Quốc không được coi trọng- Ảnh 5.

Ông Yin Jichao đang nỗ lực cải cách Trường Y tế Tây An nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những giáo viên có trình độ phù hợp. Ảnh: Trường Y tế Tây An

Mặc dù Trường Y tế Tây An hiện là một trường có danh tiếng không tệ, việc tuyển sinh và thuê giáo viên cũng dễ dàng hơn, nhưng chỉ có khoảng một nửa số giáo viên là cố vấn kép, nghĩa là họ có cả giấy phép làm giáo viên và cả bằng cấp cho lĩnh vực đó, họ giảng dạy theo yêu cầu của chính phủ.

Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng Thành phố Quảng Châu, ngoài chất lượng và chuyên môn, các trường dạy nghề không có đủ giáo viên do địa vị xã hội thấp và lương thấp.

"Thực tế, ngay từ năm 2020, Chính phủ đã quy định các trường dạy nghề cần tuyển dụng những giáo viên đã có kinh nghiệm làm việc ít nhất là 3 năm trong công ty. Nhưng chúng tôi vẫn chưa tuyển được những nhân sự như vậy", Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng Thành phố Quảng Châu nói tại một hội thảo do tạp chí nhà nước Educator tổ chức vào tháng trước.

Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi của Trung Quốc, có hiệu lực từ tháng 5/2022, đã nâng tầm vị thế của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, luật quy định giáo dục nghề nghiệp cũng quan trọng không kém giáo dục phổ thông, do đó sinh viên tốt nghiệp trường dạy nghề phải được hưởng cơ hội giáo dục và nghề nghiệp bình đẳng.

Một số trường dạy nghề đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất

Viện Kỹ thuật Hàng Châu ở tỉnh Chiết Giang đã chi 15 triệu nhân dân tệ (2,1 triệu USD) mua một chiếc máy bay Airbus A320 đã ngừng hoạt động từ một hãng hàng không Canada để hỗ trợ giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Bảo trì máy bay và Dịch vụ hàng không.

Động thái này nhằm mang lại cho sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế. Nhưng đối với nhiều người đã đi làm, giáo dục nghề nghiệp sẽ chỉ phát triển mạnh khi sinh viên tốt nghiệp được trả lương xứng đáng.

Lương của sinh viên tốt nghiệp trường dạy nghề thấp

Han Qifang, kỹ thuật viên cao cấp của một nhà sản xuất điện ở tỉnh Chiết Giang, cho biết công nhân ở Trung Quốc được trả lương thấp so với các nước khác khi nói rằng: "Vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa thu nhập của công đã có những nỗ lực nhằm cải thiện thu nhập và địa vị chính trị của chúng tôi, nhưng chúng không thực sự thay đổi được nhiều thứ đối với chúng tôi" .

Theo một cuộc khảo sát của công ty tư vấn giáo dục MyCos có trụ sở tại Bắc Kinh, vào năm 2022, thu nhập trung bình hàng tháng của sinh viên mới tốt nghiệp có bằng giáo dục nghề ở Trung Quốc là 4.595 nhân dân tệ (643 USD), so với 5.990 nhân dân tệ đối với những người có bằng cử nhân.

Theo một đại biểu Quốc hội Trung Quốc, vì lương công nhân thấp nên những học sinh có thành tích kém thường vào học các trường dạy nghề, dẫn đến nhận thức xã hội tiêu cực về giáo dục nghề nghiệp.

Tại trung Quốc, tất cả học sinh đều phải trải qua hai kỳ thi lớn để vào cấp 3 và đại học, được gọi là trung khảo và cao khảo. Những người có điểm không đủ cao sẽ phải vào trường dạy nghề hoặc gia nhập vào thị trường việc làm, từ đó đó khiến giáo dục nghề nghiệp rơi vào khuôn mẫu tiêu cực.

Bên cạnh đó, danh tiếng kém của giáo dục dạy nghề cũng khiến sức hấp dẫn của nó đối với học sinh và giáo viên bị ảnh hưởng.

Đã có tin tức về việc một số trường dạy nghề cung cấp các chuyên ngành giả để thu hút sinh viên muốn vào ngành nghề mới. Nhiều công ty bị cáo buộc bóc lột sinh viên bằng cách thỏa thuận với các trường dạy nghề để tuyển dụng "thực tập sinh" và trả lương cho họ dưới mức lương tối thiểu.

Các doanh nghiệp không hào hứng hợp tác với trường dạy nghề

Các trường dạy nghề Trung Quốc không được coi trọng- Ảnh 6.

Tính đến tháng 6/2023, Trung Quốc chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 21,3%. Ảnh: Getty Images

Là một phần của cải cách giáo dục nghề nghiệp, các nhà chức trách đã khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp để cải thiện đào tạo nghề và cam kết sẽ xây dựng hơn 10.000 công ty có chức năng như các trung tâm đào tạo hợp tác với các trường dạy nghề.

Nhưng theo giám đốc nhân sự tại một nhà sản xuất vật liệu ở tỉnh Quảng Đông, hầu hết các công ty đều tỏ ra ít quan tâm do chi phí đào tạo cao. "Phải mất ít nhất nửa năm để đào tạo một người mới bắt đầu đi học, trong khi rất dễ dàng tìm được những người lao động có kinh nghiệm trực tiếp trên thị trường việc làm. Vì vậy, các công ty vừa và nhỏ sẽ không muốn hợp tác với các trường nghề", Giám đốc Liang cho biết.

Ye Senlin, người sở hữu một công ty công nghệ sinh học ở tỉnh Chiết Giang, cũng không hào hứng với việc hợp tác với các trường dạy nghề, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế suy thoái khi có nhiều lựa chọn trên thị trường lao động.

Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của Trung Quốc đạt mức 5,6% vào tháng 2/2023 và đứng ở mức 5% tính đến tháng 11. Đến tháng 6/2023, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 21,3%.

Ngoài ra, ông Ye cũng cho rằng, đa số các công ty không hợp tác với các trường dạy nghề là do thế hệ trẻ "không có khả năng chịu đựng gian khổ", thậm chí họ được cha mẹ chiều chuộng và chấp nhận ở nhà không đi làm.

"Sinh viên mới tốt nghiệp có thể đảm nhận một số công việc văn phòng nhưng không phải lao động chân tay. Thành thật mà nói, rất ít sinh viên tốt nghiệp trường dạy nghề đáp ứng được mong đợi của chúng tôi khi họ được thuê làm công nhân tuyến đầu", ông Ye nói thêm.

Nguồn: SCMP