Hiệu trưởng Đại học Harvard từ chức sau vụ việc vi phạm liêm chính học thuật

Lam Linh
11:55 - 03/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Hiệu trưởng Đại học Harvard - bà Claudine Gay đã tuyên bố từ chức giữa nghi vấn đạo văn và phản ứng chủ nghĩa bài Do Thái tại các trường đại học Mỹ.

Hiệu trưởng Đại học Harvard từ chức sau vụ việc vi phạm liêm chính học thuật- Ảnh 1.

Claudine Gay, Hiệu trưởng Đại học Harvard điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 5/12/2023. Ảnh: Will Oliver/EPA-EFE

Hiệu trưởng Đại học Harvard từ chức sau 6 tháng nhận chức vụ

Claudine Gay, Hiệu trưởng Đại học Harvard, đã từ chức sau khi bị chỉ trích dữ dội vì cáo buộc đạo văn và phản ứng trước các câu hỏi về chủ nghĩa bài Do Thái tại các trường đại học Mỹ trong bối cảnh xung đột Hamas - Israel. 

Theo Wikipedia, chủ nghĩa bài Do Thái là sự thù địch, thành kiến hoặc phân biệt đối xử đối với người Do Thái. Quan điểm này là một hình thức phân biệt chủng tộc và những cá nhân chấp nhận nó được gọi là người bài Do Thái.

Tại Mỹ, cuộc tranh cãi về chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường học diễn ra trong bối cảnh các cuộc tấn công và luận điệu bạo lực nhắm vào người Do Thái và người Hồi giáo gia tăng, kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra.

"Với trái tim nặng trĩu cùng tình yêu sâu sắc dành cho Harvard, tôi viết thư để chia sẻ rằng tôi sẽ từ chức hiệu trưởng", bà Gay chia sẻ trong lá thư.

Trong thư từ chức, bà Gay tuyên bố sẽ trở lại vị trí giảng viên của Đại học Harvard.

"Khi trở lại làm cán bộ giảng dạy vốn là tâm huyết của tôi, tôi cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng cộng đồng mà tất cả chúng ta đều xứng đáng có được", Hiệu trưởng Gay viết.

Bà Gay từ chức chỉ 6 tháng sau khi bắt đầu nhận chức vụ này và trở thành hiệu trưởng có nhiệm kỳ công tác ngắn nhất trong lịch sử của Đại học Harvard. 

Là con gái của gia đình người nhập cư từ Haiti, bà Gay là người da màu đầu tiên và là người phụ nữ thứ hai lãnh đạo Harvard - một trong những trường đại học thuộc Liên đoàn Ivy (nhóm 8 trường đại học nghiên cứu tư nhân danh giá nhất ở Đông Bắc nước Mỹ).

Bà Claudine Gay đứng trước cáo buộc vi phạm liêm chính học thuật, đạo văn và bài Do Thái

Tranh cãi phát sinh từ ngày 5/12/2023, thời điểm bà Gay cùng hiệu trưởng của 2 trường khác là Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Pennsylvania ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về cách họ xử lý các cáo buộc chống chủ nghĩa bài Do Thái tại trường học sau khi chiến sự Israel-Gaza bùng nổ.

Cả 3 vị hiệu trưởng đều không trả lời trực diện mà đưa ra các phát biểu quanh co, mang tính chất pháp lý.

Sau buổi điều trần, hơn 70 nhà lập pháp Mỹ đã ký một lá thư phản hồi nhằm yêu cầu cách chức 3 vị hiệu trưởng. Hiệu trưởng Đại học Pennsylvania đã từ chức vào ngày 9/12/2023, trong khi bà Gay xin lỗi vì cách trả lời câu hỏi của mình.

Chiến dịch phản đối Hiệu trưởng Gay phần lớn được thúc đẩy bởi các nhà hoạt động theo tư tưởng bảo thủ, bao gồm cả những người phản đối các sáng kiến đa dạng, công bằng và hòa nhập.

Họ lập luận rằng, bà Gay được bổ nhiệm không phải vì thành tích học thuật hàng chục năm qua mà vì bà là người da màu.

Bà Gay cũng bị cáo buộc đạo văn trong hàng chục bài viết học thuật trước đây vì "trích dẫn không đầy đủ". Phản hồi cáo buộc, nữ hiệu trưởng khẳng định luôn đảm bảo tính liêm chính học thuật của những công trình nghiên cứu của mình. Đồng thời bà đã bổ sung các trích dẫn vào các bài báo khoa học.

Nói thêm về các cáo buộc trong thư từ chức, bà Gay viết: "Thật đau buồn khi xuất hiện nghi ngờ về cam kết của tôi trong việc đối đầu sự thù hận và duy trì sự liêm chính trong học thuật - 2 giá trị nền tảng là nền tảng cho con người tôi. Và thật đáng sợ khi tôi phải chịu những lời đe dọa cá nhân và sự thù hận sắc tộc". 

Bất chấp cáo buộc đạo văn, Hiệu trưởng Gay nhận được sự tín nhiệm từ Harvard Corporation - cơ quan quản trị của Đại học Harvard. Ngoài ra, các đồng nghiệp cũng ủng hộ bà, bao gồm hàng trăm giáo sư ký thư phản đối lời kêu gọi Hiệu trưởng Gay từ chức.

Việc từ chức của Hiệu trưởng Trường Đại học Harvard Claudine Gay có hiệu lực từ ngày 2/1

Hiệu trưởng Gay viết trong lá thư: "Với nhiệm kỳ làm hiệu trưởng ngắn ngủi đáng nhớ, tôi hy vọng nó sẽ được coi là thời điểm đánh thức lại tầm quan trọng của việc phấn đấu tìm kiếm lòng nhân đạo chung của chúng ta và không cho phép sự hận thù, chỉ trích làm suy yếu quá trình quan trọng của giáo dục.

Trong thời điểm đầy thách thức và tranh cãi gay gắt này, tôi tin chúng ta sẽ tìm ra cách để Harvard vẫn là một cơ sở giáo dục xuất sắc, cởi mở, có tính độc lập với khả năng phục vụ thế giới như đã cam kết". 

Bê bối nối bê bối của nữ hiệu trưởng Đại học Harvard

Hiệu trưởng Đại học Harvard - bà Claudine Gay đã bị chỉ trích trong những tháng gần đây sau khi xuất hiện các báo cáo cáo buộc rằng bà sử dụng "ngôn ngữ trùng lặp mà không ghi nguồn" trong luận án tiến sĩ năm 1997 và 6 công trình nghiên cứu khác của mình.

Sau đó, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục và Lực lượng Lao động Hạ viện Mỹ - bà Virginia Foxx yêu cầu Đại học Harvard công khai các tài liệu liên quan đến cáo buộc đạo văn của bà Claudine Gay; công khai các biện pháp kỷ luật được thực hiện đối với sinh viên, giảng viên Đại học Harvard khi vi phạm liêm chính học thuật và các thông tin khác về các hướng dẫn áp dụng cho trường hợp này trước ngày 29/12.

Đồng thời cho biết cơ quan này sẽ mở rộng cuộc điều tra việc Hiệu trưởng Claudine Gay bị tố đạo văn để đảm bảo cán bộ, giảng viên và sinh viên Harvard đều được đối xử như nhau.

Vụ lùm xùm khác liên quan đến phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ của bà Gay cùng với những người đứng đầu Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Pennsylvania vào tháng trước. Khi đó, bà Gay từ chối nói rõ ràng liệu việc kêu gọi diệt chủng người Do Thái có vi phạm quy tắc ứng xử của Đại học Harvard hay không. Việc trả lời mơ hồ này đã gây ra làn sóng phản ứng nhắm vào bà Gay.

Nguồn: The Guardian, Reuters