Các nước châu Á chọn sách giáo khoa như thế nào?

Thiên Ân
08:08 - 18/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ở Nhật Bản, hội đồng trường sẽ tham gia chọn sách giáo khoa, trong khi đó, tại Trung Quốc, sở giáo dục hoặc chính quyền thành phố nắm quyền quyết định vấn đề này.

Các nước châu Á chọn sách giáo khoa như thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh Nhật Bản. Ảnh: Ferrantraite

Sách giáo khoa không đại diện cho nội dung của các bài kiểm tra

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố vào tháng 12/2018 về chính sách sách giáo khoa ở châu Á, tại các nước sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa, người dùng có quyền lựa chọn sách giáo khoa. Người dùng có thể là các trường hoặc đại diện chính quyền địa phương của các trường.

Việc dùng nhiều bộ sách giáo khoa được cho là sẽ phá vỡ mối liên hệ giữa sách giáo khoa và các kỳ thi, khiến giáo viên phải quan tâm đến chương trình giảng dạy nhiều hơn thay vì chỉ lo dạy hết nội dung trong sách giáo khoa để phục vụ cho việc thi cử của học sinh.

Đối với chính sách sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa, phụ huynh và các trường cần nhận thức được rằng, sách giáo khoa không đại diện cho nội dung kiểm tra học kỳ hoặc kiểm tra cuối năm.

Thực hiện các mức độ tự chủ trong chọn sách giáo khoa

Trên thế giới, các quốc gia thực hiện các mức độ tự chủ khác nhau trong lựa chọn sách giáo khoa. Tại một số nước châu Á, thường sách giáo khoa sẽ được đánh giá và phê duyệt bởi Bộ Giáo dục. Trong khi đó, ở hầu hết các nước châu Âu, trường học có thể sử dụng bất kỳ sách giáo khoa nào mà họ muốn.

Phần lớn các nước ở châu Á sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa đều cho phép các trường được quyền tự chọn sách giáo khoa, ngoài Nhật Bản (trường tiểu học và trung học cơ sở) và Trung Quốc thuộc trường hợp ngoại lệ. 

Ở Nhật Bản, hội đồng trường bao gồm các giám thị, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh sẽ đại diện cho các trường học địa phương tham gia chọn sách giáo khoa.

Tại Trung Quốc, sở giáo dục hoặc chính quyền thành phố sẽ quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa.

Ở Thái Lan, về lý thuyết, mỗi trường có quỹ và quyền lựa chọn sách giáo khoa, nhưng trên thực tế, Văn phòng Ủy ban Giáo dục Cơ bản (Bộ Giáo dục Thái Lan) có ảnh hưởng đáng kể đến vấn đề này.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á, để triển khai nhiều bộ sách giáo khoa thành công đòi hỏi sự thống nhất bởi tất cả các bên liên quan. Trong quá trình thực hiện, một số quốc gia đã gặp phải vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, chừng nào vấn đề vẫn nằm trong tầm kiểm soát và không gây ảnh hưởng quá lớn đến người lựa chọn sách thì việc dùng nhiều bộ sách giáo khoa vẫn mang tín hiệu tích cực.

Nguồn: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)