Giáo viên phải đọc hàng chục cuốn sách giáo khoa để lựa chọn sách mới

Nguyễn Khanh
06:05 - 17/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhìn vào Quyết định 4607/QĐ-BGDĐT phê duyệt sách giáo khoa lớp 11 sử dụng trong cơ sở giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt, nhiều giáo viên ngao ngán với các bước lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2023-2024 tới đây.

Tạp chí Công dân và Khuyến học từng đăng tải ý kiến phản ánh của đội ngũ giáo viên xung quanh việc tập huấn và bình chọn sách giáo khoa chưa hợp lý. Từ ý kiến này, nhiều thầy cô giáo khác đã lên tiếng về việc phải đọc hàng chục cuốn sách giáo khoa để chọn sách mới cho năm học tới theo phương pháp chưa hợp lý.
https://congdankhuyenhoc.vn/gop-y-sach-...

Việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 ở một số trường học hiện nay đang tạo ra rất nhiều áp lực cho đội ngũ nhà giáo. 

Theo yêu cầu của cấp trên, giáo viên ở các trường học đã phải đọc và nhận xét hết tất cả các cuốn sách giáo khoa đối với môn học mà thầy cô đang dạy.

Hiện môn Tiếng Anh lớp 8, lớp 11 có 9 cuốn và lớp 4 có 10 cuốn sách giáo khoa; môn Mĩ thuật lớp 11 có 11 cuốn sách giáo khoa. 

Giáo viên đọc xong còn phải nhận xét cả những ưu điểm, hạn chế từng cuốn sách, có môn phải đọc cả chục ngày chưa xong trong khi vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác. 

Trong khi, để thực hiện nhiệm vụ này, giáo viên không hề có chế độ bồi dưỡng, nhưng trách nhiệm (nếu có sự cố) lại rất lớn. Hơn nữa, thời điểm này, giáo viên ở các nhà trường - đối với cả 3 cấp học đang thực hiện việc ôn tập và tổ chức kiểm tra giữa kỳ. Thêm việc lựa chọn sách giáo khoa đã tạo ra những khó khăn cho mỗi nhà giáo. 

Giáo viên phải đọc hàng chục cuốn sách giáo khoa để lựa chọn sách mới - Ảnh 3.

Đọc và nhận xét từng bản sách giáo khoa không phải là việc dễ dàng. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục.

Một số môn học lên đến hàng chục cuốn sách giáo khoa, giáo viên đọc vào lúc nào?

Nhìn vào Quyết định 4607/QĐ-BGDĐT phê duyệt sách giáo khoa lớp 11 sử dụng trong cơ sở giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt, nhiều giáo viên ngao ngán với các bước lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2023-2024 tới đây.

Theo Quyết định 4607/QĐ-BGDĐT, môn Mĩ thuật lớp 11 có tới 11 cuốn sách giáo khoa, gồm: Sách giáo khoa Hội họa; Kiến trúc; Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện; Lí luận và lịch sử mĩ thuật; Đồ họa tranh in; Điêu khắc; Thiết kế thời trang; Thiết kế đồ họa; Thiết kế công nghiệp; Thiết kế mĩ thuật sân khấu điện ảnh; Chuyên đề học mĩ thuật.

Sách giáo khoa Tiếng Anh 11 bao gồm 9 cuốn sách giáo khoa, đó là: Global Success; ThiNK; English Discovery; Macmillan Mo On; Friends Plus Global; Explore New Worlds; Bright; i-Learn Smart World; C21-Smart.

Sách giáo khoa Ngữ văn 11 có 6 cuốn và 3 cuốn chuyên đề; môn Toán 11 có 12 cuốn sách giáo khoa và chuyên đề; sách giáo khoa Công nghệ 11 có 4 cuốn và 4 chuyên đề; sách giáo khoa Giáo dục thể chất có 8 cuốn…

Theo Quyết định Quyết định 4606/QĐ-BGDĐT, một số sách giáo khoa lớp 8 có 6 cuốn sách giáo khoa của 3 bộ sách nhưng cá biệt, sách giáo khoa tiếng Anh lớp 8 có 9 cuốn, bao gồm: Macmillan Motivate!, Global Success, Explorer English, English Discovery, THiNK, Bloggers-Smart, i-Learn Smart World, Friends Plus, Right on!.

Sách giáo khoa tiếng Anh lớp 4 có tới 10 cuốn sách giáo khoa của nhiều nhà xuất bản khác nhau…

Như vậy, mỗi môn học của chương trình mới sẽ có ít nhất là 3 cuốn sách giáo khoa của 3 bộ sách: Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống; Cánh Diều. Còn lại, thông thường là có từ 6 cuốn trở lên (mỗi học kỳ mỗi cuốn) và có một số môn lên đến trên chục cuốn.

Câu hỏi đặt ra là: giáo viên lấy thời gian đâu để họ đọc hết chừng ấy sách giáo khoa? Khi đọc hết trên dưới 10 cuốn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 cho môn học của mình sẽ hết bao nhiêu thời gian? 

Trong khi, đa phần giáo viên phải đọc qua đường link đến trang web mà các nhà xuất bản gửi bởi nhà xuất bản chỉ có vài bản mẫu phát tượng trưng cho mỗi trường. Ở trường thì tổ chuyên môn lên đến cả chục giáo viên. Đó là chưa kể, có những đầu sách giáo khoa không có sách mẫu gửi về trường nên giáo viên phải đọc hoàn toàn qua link do các nhà xuất bản gửi.

Vậy nhưng, cấp trên yêu cầu trước khi tiến hành bỏ phiếu kín để lựa chọn sách thì mỗi thầy cô phải làm 1 bản nhận xét sách giáo khoa. Đánh giá những ưu điểm, hạn chế của từng cuốn sách giáo khoa. Sau đó, họp tổ chuyên môn nhận xét từng cuốn sách giáo khoa đối với môn của mình và hoàn thiện hồ sơ. 

Trong khi đó, đa phần sách giáo khoa hiện nay đều có số lượng trên 100 trang, đọc chừng trên dưới 10 cuốn sách giáo khoa bằng file PDF thì giáo viên đọc như thế nào đây?

Ban ngày, giáo viên dạy ở trường theo định mức được phân công, về nhà lo giáo án, chấm bài. Ngoài ra, giáo viên còn thường xuyên phải họp tổ chuyên môn; họp chi bộ; họp hội đồng sư phạm; họp hội đồng bộ môn; dự giờ theo quy định, dự giờ thao giảng cấp tổ, cấp trường, hội đồng bộ môn... và rất nhiều những công việc khác, nhất là đối với những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn và chủ nhiệm lớp.

Nhận xét từng bộ sách có thực sự cần thiết?

Năm học đầu tiên thực hiện chương trình mới thì việc phải đọc tất cả các cuốn sách giáo khoa để lựa chọn 1 cuốn cho tổ chuyên môn mình dạy cũng là điều cần thiết. Nhưng bây giờ, các trường đã thực hiện nhiều năm, nhất là cấp Tiểu học và Trung học cơ sở đã bước sang năm thứ ba, thứ tư nên việc yêu cầu giáo viên phải đọc, nghiên cứu và nhận xét tất cả các sách giáo khoa đối với môn mình đang dạy có lẽ là một điều cứng nhắc, hoàn toàn không phù hợp với thực tế ở các tổ chuyên môn và nhà trường.

Đặt vị trí ở một giáo viên tiếng Anh ở cấp Tiểu học phải đọc 10 cuốn sách giáo khoa, cấp Trung học cơ sở và Trung học phải đọc và nhận xét 9 cuốn sách giáo khoa sẽ hiểu những áp lực vô cùng lớn mà các thầy cô giáo dưới cơ sở đang phải trải qua trong thời điểm này.

Trong khi, họ chỉ được phép lựa chọn cho năm học tới 1 cuốn thì đồng nghĩa 9-10 cuốn cuốn lại sẽ không chọn và tất nhiên đây là một việc thừa, không hề thiết thực. 

Tại sao không yêu cầu giáo viên chỉ nhận xét cụ thể bộ mình chọn?

Những sách giáo khoa không chọn thì không cần thiết phải nhận xét. Hoặc, các trường chỉ cần đề xuất với cấp trên mà không cần thiết phải nhận xét vì họ vẫn tiếp tục lựa chọn bộ sách mà mình đang dạy từ các năm trước là mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng.

Theo hướng dẫn, hồ sơ nhận xét sách giáo khoa hiện nay đang được một số địa phương triển khai khá phức tạp theo tiêu chí của Thông tư số 25/2020/TT/BGDĐT. Đặc biệt, với việc thực hiện hồ sơ của tổ chuyên môn rất dài dòng mà đôi khi phải làm đi, làm lại nhiều lần. Nhận xét nhiều, hồ sơ nhiều nhưng cuối cùng trường vẫn chọn sách cũ, UBND các tỉnh (thành) sẽ vẫn lựa chọn sách mà các trường đang dạy. 

Rốt cục, việc bình chọn, nhận xét sách lãng phí không biết bao nhiêu công sức của giáo viên dưới cơ sở.