Cả nước còn thiếu hơn 106.000 giáo viên các cấp học, thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non

N.Cường
11:06 - 27/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đây là thông tin được Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Phạm Tuấn Anh đưa ra tại hội thảo "Bố trí giáo viên và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018".

ts_pham_tuan_anh.pho_cuc_truong_cuc_nha_giao_va_cbqlgd6.jpg

Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: MOET

Tại hội thảo "Bố trí giáo viên và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018" tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước, Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Hiện nay, cả nước còn thiếu hơn 106.000 giáo viên các cấp học. Trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều nhất với 44.000 giáo viên, kế đến là bậc tiểu học thiếu gần 33.000 giáo viên, bậc trung học cơ sở thiếu trên 18.000 và bậc trung học phổ thông thiếu gần 12.000 giáo viên.

Nguyên nhân được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là từ năm 2015 trở về trước, nhiều địa phương có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp do chỉ tiêu biên chế được giao chưa đủ định mức, bậc tiểu học triển khai chương trình dạy học 1 buổi/ngày nên giao biên chế 1,2 giáo viên/lớp.

Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chủ trương dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, định mức nâng lên 1,5 giáo viên/lớp nhưng biên chế giáo dục không tăng thêm. Trong khi đó, số lượng học sinh tăng đều hàng năm, đặc biệt ở các thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...

Đồng thời, chính sách tuyển dụng và thu nhập chưa tương xứng nên khó thu hút nguồn tuyển ở những môn đặc thù như Tiếng Anh, Tin học.

Trước thực tế trên, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đề nghị các địa phương rà soát, tập trung giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Cụ thể bằng cách thông qua đặt hàng các trường sư phạm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên; sắp xếp lại hệ thống trường lớp, giảm trường học có quy mô nhỏ, xây dựng trường nhiều cấp học; xã hội hóa giáo dục ở những nơi đủ điều kiện; đẩy mạnh bố trí giáo viên liên trường, liên cấp nhằm tháo gỡ khó khăn về đội ngũ.

Cả nước còn thiếu hơn 106.000 giáo viên các cấp học, giáo viên mầm non thiếu nhiều nhất  - Ảnh 3.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế

giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Để sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi (thời hạn hoàn thành là tháng 12/2022), Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã triển khai rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành giáo dục và khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Trong đó, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023.