Bộ Quốc phòng quyết liệt chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử

18:24 - 24/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ giao cũng như các nội dung đã xác định trong kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số năm 2022.

Thực hiện kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chính phủ điện tử Bộ Quốc phòng cho biết, trong tháng 9, Bộ Quốc phòng đã quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động, tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin và củng cố hạ tầng kỹ thuật.

Trong thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, đến nay, 100% văn bản gửi, nhận giữa Bộ Quốc phòng với các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ trên môi trường điện tử đã sử dụng chữ ký số.

Bộ Quốc phòng đã tích hợp 32 thủ tục hành chính mức độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng lên Cổng Dịch vụ công quốc gia tăng 9,6% so với năm 2021.

Bộ Quốc phòng quyết liệt chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử - Ảnh 1.

Hội nghị công tác phát triển chính phủ điện tử và Đề án 06 của Bộ Quốc phòng. Ảnh: VGP

Đối với nhiệm vụ triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030), các cơ quan chức năng đã làm việc với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư về việc cấp phát, quản lý tài khoản truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, đã cung cấp hơn 10.000 chứng thư số cho các bộ, ngành địa phương.

Cùng với đó, trong tháng 9, Bộ Quốc phòng đã ban hành các quyết định về danh mục mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương; ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong tình hình mới.

Tiếp tục triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc đến 382 đơn vị cấp 2; xây dựng Đề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng; tổ chức tập huấn về chuyển đổi số tại nhiều cơ quan đơn vị.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, xử lý mã độc trong mạng máy tính quân sự và máy tính kết nối internet tại các cơ quan, đơn vị; công tác phát triển hạ tầng đường truyền số liệu quân sự tăng cao so với trước.

Tập trung triển khai đồng bộ chuyển đổi số

Trong thời gian tới, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chính phủ điện tử Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ giao, cũng như các nội dung đã xác định trong Kế hoạch phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số năm 2022 của Bộ Quốc phòng.

Cùng với đó, tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm thúc đẩy tỉ lệ dịch vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo yêu cầu của Chính phủ. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ thực hiện Đề án 06 trong Bộ Quốc phòng, trọng tâm là các văn bản, quy định liên quan đến việc sử dụng hộ khẩu, sổ tạm trú...

Thượng tướng Lê Huy Vịnh cũng giao các cơ quan chức năng nghiên cứu dự thảo văn bản quy định về việc kết nối, trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu quốc phòng với các bộ, ngành, địa phương trên môi trường điện tử; xây dựng ứng dụng trên nền tảng di động có tính chất lưỡng dụng phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, như công tác quản lý trong thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuyển sinh quân sự, xuất ngũ...

Đồng thời, triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; nhắc nhở, thông báo, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định về bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị.

Nguồn: VGP