Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia

PV
18:45 - 18/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ có khoảng 3 - 5 triệu người dân sử dụng ứng dụng công dân số quốc gia VNeID, với tốc độ tăng ít nhất 5% mỗi tháng. Đây là mục tiêu của Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia được phê duyệt ngày 6/1/2022.

Hệ thống dữ liệu liên thông toàn quốc

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời với mục tiêu là một hệ thống thông tin lõi, cơ sở dữ liệu "gốc" của toàn bộ công dân Việt Nam, làm trung gian kết nối cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương để tạo ra sự liên thông dữ liệu, phục vụ quản lý dân cư bằng phương thức hiện đại. Dữ liệu này sẽ làm căn cứ cho cơ quan nhà nước khai thác, giúp đơn giản hóa các hoạt động hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước, thì giờ đây, thông tin sẽ được trích xuất tự động hoặc được cơ quan nhà nước khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần cải cách thủ tục hành chính và tạo ra các tiện ích tối đa cho người dân.

Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Công an

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý đã chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/7/2021. Sau hơn 1 năm, hệ thống đã thu thập, cập nhập thông tin của trên 100 triệu công dân Việt Nam, theo tiêu chí “đúng-đủ-sạch-sống”. Dữ liệu của công dân cũng được tích hợp, kết nối chính thức với cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương, với trên 17 triệu thông tin bảo hiểm xã hội; gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi tiêm chủng; trên 570.000 thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên; cấp hơn 7 triệu số định danh cho trẻ em đăng ký khai sinh... từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số.

Trên cơ sở đó, ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030” (gọi tắt là Đề án 06) nhằm phát triển cơ sở dữ liệu về dân cư thành nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối chung trên toàn quốc cho các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Ngày 18/7/2022, Hệ thống Định danh và xác thực điện tử (VNeID) đi vào hoạt động là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia phục vụ cơ quan chức năng, công dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Đến ngày 31/7/2022, hệ thống đã thu nhận hơn 6,1 triệu hồ sơ, cấp hơn 7.800 tài khoản định danh điện tử và trên 67 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử cho công dân.

VNeID là ứng dụng công dân số quốc gia

Chính phủ đã chính thức công bố VneID là ứng dụng công dân số quốc gia. Thông qua VNeID, người dân có thể cập nhật các thông tin cá nhân lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như trình độ học vấn, bảo hiểm, tiêm chủng, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, viễn thông… Phấn đấu đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ có khoảng 3 - 5 triệu người dân sử dụng VneID, với tốc độ tăng ít nhất 5% mỗi tháng; cung cấp 8 - 10 tiện ích nghiệp vụ ngành Công an như tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, khai báo tạm trú, tạm vắng…; cung cấp 8 - 10 tiện ích cho người dân như định danh, xác thực người dân, dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, di chuyển nội địa… đem lại lợi ích cao nhất cho người dân và cộng đồng.

Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 3.

Ứng dụng VNeID

Tài khoản định danh điện tử của công dân trên VNeID gồm tên đăng nhập (mã số định danh cá nhân), mật khẩu (gửi qua tin nhắn điện thoại khi đăng ký). Tài khoản này được tạo bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.

Tài khoản định danh điện tử có 2 mức:

Mức 1: Trải nghiệm một vài tiện ích cơ bản như đọc báo, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Để đăng ký tài khoản định danh mức 1, công dân thao tác trực tuyến (online) trên ứng dụng VNeID (tải từ CH Play hoặc App Store). Kết quả phê duyệt tài khoản sẽ được gửi qua tin nhắn SMS, công dân vào ứng dụng, kích hoạt và sử dụng.

Mức 2: Sử dụng tất cả các dịch vụ tiện ích mà Bộ Công an cùng các bộ ngành liên quan xây dựng. Đối với mức này, công dân phải đăng ký trực tiếp tại cơ quan công an, nơi thu nhận hồ sơ căn cước công dân hoặc tại công an phường thuộc 5 thành phố trực thuộc trung ương, nếu đã có thẻ căn cước công dân gắn chip.

Nguồn: tổng hợp