100% các địa phương đã tích hợp dịch vụ công về đăng ký khai sinh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia

T.V
22:42 - 11/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Công nghệ thông tin và Văn phòng Bộ đã phối hợp với các đơn vị thực hiện nâng cấp thêm 16 dịch vụ công từ mức độ 2 lên mức độ 3, 4, nâng tổng số dịch vụ công mức độ 3, 4 của Bộ lên 51 dịch vụ công (tăng gần 46% so với cuối năm 2021).

Đồng thời, cũng đã kết nối thêm 19 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 39 dịch vụ công (tăng 95% so với cuối năm 2021).

100% các địa phương đã tích hợp dịch vụ công về đăng ký khai sinh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia   - Ảnh 1.

Giao diện Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Đối với 30 dịch vụ công của Bộ chưa kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hiện Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan (Cục Bổ trợ tư pháp - 19 dịch vụ công; Cục Bồi thường nhà nước - 03 dịch vụ công; Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - 08 dịch vụ công) để thực hiện tái cấu trúc quy trình, xử lý kỹ thuật trước khi thực hiện quy trình kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đối với các thủ tục hành chính, dịch vụ công thiết yếu của Bộ Tư pháp, theo rà soát trên Cổng dịch vụ công quốc gia, về đăng ký khai sinh đạt 63/63 địa phương đã triển khai; đăng ký khai tử có 51/63 địa phương đã triển khai; đăng ký kết hôn có 42/63 địa phương đã triển khai. Tính đến 06/6/2022, đã có 51/63 địa phương triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử.

Về cấp phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã hoàn thành cung cấp 03 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết tại Bộ trên Cổng dịch vụ công của Bộ và tích hợp với Cổng dịch vụ Công quốc gia, trên cơ sở đó sẽ hướng dẫn các địa phương triển khai trong tháng 5/2022. Tại địa phương, đến nay đã có 63/63 tỉnh/thành phố đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo tiến độ được giao theo Đề án.

Về thực hiện liên thông các thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp cũng đã có Công văn tham gia ý kiến đối với nội dung tái cấu trúc quy trình liên thông các Thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí trên môi trường điện tử.

Đối với các nhiệm vụ khác, các đơn vị chuyên môn của Bộ đã, đang thực hiện theo tiến độ, lộ trình được giao.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn duy trì kết nối, chia sẻ. Theo đó, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cung cấp các thông tin đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp số định danh cá nhân cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Trong đó, xác định rõ nguyên tắc thông tin cá nhân khi đăng ký khai sinh là thông tin gốc. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phối hợp triển khai việc kết nối, chia sẽ dữ liệu khai từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để thực hiện liên thông các thủ tục hành chính.

Được biết, trong năm 2022, sẽ tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

(Theo An Như/Bộ Tư pháp)