Tiến sĩ trẻ nhất lịch sử khoa cử Việt Nam

Nguyễn Năng Lực
16:49 - 23/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong số những nhân vật xuất chúng có đóng góp to lớn cho tiến trình phát triển của dân tộc, Nguyễn Trung Ngạn là một gương mặt đặc biệt, để lại dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực, được ghi nhận trong chính sử và trong tâm thức dân gian Việt.

Tiến sĩ trẻ nhất lịch sử khoa cử Việt Nam- Ảnh 1.

Đền Hương Tượng thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn ở 64 Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), tự Bang Trực, hiệu Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi), tỉnh Hưng Yên. 

Ông ra đời ngay sau khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (1288) vừa kết thúc, vua tôi nhà Trần và quân dân Đại Việt mang theo hào quang chiến thắng bước vào xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá, xây dựng và củng cố chế độ phong kiến. Bối cảnh ấy đòi hỏi những con người xuất chúng có thể đáp ứng những yêu cầu của lịch sử, "nhân tài nở rộ, nối nhau vào triều". 

Nguyễn Trung Ngạn là tấm gương tiêu biểu trong "thế hệ vàng" của trí thức Đại Việt nửa đầu thế kỷ XIV, là người có kiến thức uyên thâm, là nhà quản lý tài năng, hội đủ cả 3 phẩm chất của bậc chính nhân quân tử Nho giáo là nhân - trí - dũng.

Đương thời, Nguyễn Trung Ngạn được coi là "thần đồng", 12 tuổi vào Quốc Tử Giám học thi Thái học sinh, 16 tuổi đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304) cùng Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Bảng nhãn Bùi Mộ, Thám hoa Trương Phóng, được coi là người đỗ Tiến sỹ trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng nước ta. Ông đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều; là đại thần trải 4 đời vua Trần: Anh Tông (1293-1314), Minh Tông (1314-1329), Hiến Tông (1329-1341), Dụ Tông (1341-1369), có những cống hiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực. 

Nguyễn Trung Ngạn là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, nhà thơ, nhà lập pháp, có tài kinh bang tế thế, là 1 trong 10 "Người phò tá có công lao tài đức" đời Trần cùng với Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại, Trần Nguyên Đán (Nhân vật chí, Lịch triều hiến chương loại chí - Phan Huy Chú).

Nguyễn Trung Ngạn là người lăn lộn trong thực tiễn đời sống, dám tuyên ngôn, dám hành động, dám sống thực, dám chịu trách  nhiệm, hết mình vì khát vọng dấn thân và luôn đổi mới, sáng tạo để hoàn thành công việc một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Năm 24 tuổi ông đã được phong chức Gián quan, chuyên việc can gián nhà vua. Được Thượng hoàng Anh Tông ban cho bài thơ "Chiêu ẩn" (rủ đi ở ẩn), ông đã từ chối không nhận, để đem tài trí giúp đời. 

Năm 1332, làm An phủ sứ Thanh Hóa, ông lập ra Bình doãn đường để xét kiện, không việc kiện tụng nào bị oan uổng. Năm 1336, giữ chức An phủ sứ Nghệ An kiêm Quốc sử viện Giám tu quốc sử, Hành Khoái châu lộ Tào vận sứ lo việc vận chuyển lương thảo, ông cho lập hệ thống Tào thương (kho chứa thóc) để chẩn cấp cho dân nghèo, được vua khen, xuống chiếu sai các lộ cứ thế theo làm.

Mùa Xuân năm Tân Tỵ (1341), sau nhiều năm làm việc ở các địa phương kiêm một số công việc triều đình, ông được gọi về kinh, nhậm chức Đại doãn Kinh sư, đứng đầu Kinh thành Thăng Long, là chức vị chỉ giao cho những người rất tin cẩn, tài năng. Trước đó, chức vụ này gọi là Đại An phủ Kinh sư, do Kiểm pháp quan Trần Thì Kiến (1297), Ngự sử Đại phu Trần Khắc Chung (1298) đảm nhiệm. Thời Trần, người đứng đầu Kinh thành Thăng Long phải trải qua nhiều năm thử thách làm An phủ sứ các lộ, trong đó phải có thời gian làm An phủ sứ Thiên Trường là nơi phát tích của nhà Trần. Người được bổ vào chức vụ này còn phải trải qua công việc ở Thẩm hình viện và vượt qua các kỳ khảo duyệt kỹ càng. Vừa cai quản kinh đô, Nguyễn Trung Ngạn vừa được vua sai cùng Trương Hán Siêu biên soạn hai bộ luật Hình triều đại điển và Hình thư để ban hành. Năm 1342, làm Hành khiển tri Khu mật viện sự, ông cho đặt cấm quân, vốn thuộc Thượng thư sảnh, về dưới sự quản lãnh của Khu mật viện.

Là nhà ngoại giao có tài, Nguyễn Trung Ngạn luôn nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc. Năm 1314, Trần Anh Tông truyền ngôi cho Thái tử Trần Mạnh (Oanh), tức Trần Minh Tông, sứ Nguyên sang, ông lúc ấy mới 26 tuổi, được nhà vua cử tiếp đón sứ thần và đi sứ đáp lễ. Trong chuyến "công tác" này, với tài ứng đối, ông đã đề cao lòng tự hào dân tộc, được đối phương nể trọng. Qua Ung Châu, gặp những người lính đã từng sang xâm lược Việt Nam, ông làm bài thơ Ung Châu, có hai câu: Tòng quân lão thú tằng kinh chiến/ Thuyết đáo Nam chinh các tự sầu. Tạm dịch: Những người lính già đã từng ra trận, nghe nói đến đi đánh phương Nam ai nấy mặt ủ mày chau sầu não.

Năm Giáp Tý 1324, vua Nguyên sai Mã Hợp Mưu (Mahmud) và Dương Tông Thụy mang chiếu sang Đại Việt. Chúng ngông nghênh đi đến tận cầu Tây Thấu Trì không chịu xuống ngựa. Quan nha tiếp từ giờ Thìn đến giờ Ngọ không thuyết phục được, vua sai Thị Ngự sử Nguyễn Trung Ngạn ra, dùng lý lẽ bắt bẻ, bọn Mưu phải xuống ngựa, bưng chiếu đi bộ vào cung.

Trên lĩnh vực văn hóa, văn học, Nguyễn Trung Ngạn để lại nhiều dấu ấn. Ông là người đầu tiên sáng tạo lối thơ lục ngôn thể (thơ sáu chữ), mở đường cho thơ lục ngôn thể của Nguyễn Trãi, Hồng Đức, Nguyễn Bỉnh Khiêm đời sau. Mùa Đông năm Ất Hợi (1335), Nguyễn Trung Ngạn phụng mệnh Thượng hoàng Trần Minh Tông điều động dân phu mài đá, khắc bia Ma nhai kỷ công tại vách núi thôn Trầm Hương, huyện Tương Dương, châu Nghệ An, nay thuộc huyện Con Cuông, Nghệ An, ghi lại công tích thắng giặc Ai Lao. Trải qua gần 700 năm, đến nay Ma nhai kỷ công còn rõ chữ trên sườn núi. Ông còn để lại cho hậu thế Giới Hiên thi tập lưu trong sử sách.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã trân trọng đánh giá về Nguyễn Trung Ngạn: “Về sau hai lần sung chức Hựu sảnh (tức Nội mật viện). Đến thời Trần Dụ Tông vào triều, giữ trọn tiếng tốt, không phụ là bậc nho giả, thọ hơn 80 tuổi”. Trải 4 đời vua, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển (Tể tướng), Nguyễn Trung Ngạn là một trong những danh nhân được thờ phụng nhiều nhất ở Kinh thành Thăng Long với 7 di tích trong nội thành Hà Nội ngày nay.