Bắc Giang: TikToker sở hữu 30 triệu view bị phạt 7,5 triệu đồng vì thông tin xuyên tạc Sài Gòn

PV
16:27 - 02/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang đã xử phạt TikToker Nhật Hải Biết Tuốt do đăng tải clip xuyên tạc Sài Gòn là "nơi cực kỳ lý tưởng của những tội phạm hoạt động". Qua sự vụ này, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo cần cẩn trọng trong phát ngôn và sản xuất nội dung trên mạng xã hội.

Bắc Giang: TikToker sở hữu 30 triệu view bị phạt 7,5 triệu đồng vì thông tin xuyên tạc Sài Gòn- Ảnh 1.

Xử phạt 7,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Nhật Hải - tức TikTok Nhật Hải Biết Tuốt (trú huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) về hành vi cung cấp, đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống. Ảnh chụp màn hình

Theo Tiền Phong, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Nhật Hải (trú huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) về hành vi cung cấp, đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân.

Trước đó ngày 14/3, trên kênh TikTok Nhật Hải Biết Tuốt của Nhật Hải đăng tải clip với tựa đề "GIẬT BIM BIM Ở SÀI GÒN", cùng lời độc thoại: "đố các bạn biết vì sao ở Sài Gòn thường hay bị giật điện thoại, giật dây chuyền, giật túi xách, rồi còn giật cả bim bim nữa…?".

Nhật Hải tự đưa nhận định: "Sài Gòn nhậu nguyên ngày nguyên đêm" nên "hết xoài, hết ổi nên tranh thủ giật bim bim để nhậu tiếp...".

TikToker này cũng cho rằng: "Quay trở lại vì sao Sài Gòn lại nhiều trộm cắp đến vậy, thì điểm cốt lõi nhất là do văn hóa, nên Sài Gòn là nơi cực kỳ lý tưởng của những loại tội phạm hoạt động".

Clip trên thu hút nhiều lượt tương tác. Nhiều bình luận thể hiện sự phân biệt vùng miền.

Hiện clip này đã được xóa.

Nguyễn Nhật Hải sở hữu kênh TikTok "Nhật Hải Biết Tuốt" với gần 900.000 lượt theo dõi và khoảng 30 triệu lượt yêu thích.

Từ việc các TikToker đăng tin xuyên tạc, sai sự thật: Cần cẩn trọng trong phát ngôn và sản xuất nội dung trên mạng xã hội

Như Công dân và Khuyến học đã thông tin, trước đó cũng có TikToker Hứa Quốc Anh bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải video có nội dung không đúng sự thật liên quan đến Angkor Wat (Campuchia); hay trường hợp ông V.V.T (sinh năm 1968, Thanh Hóa) bị xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng do chia sẻ bài viết có thông tin sai sự thật về nội dung trong sách giáo khoa, cụ thể là 4 bài thơ "Giã gạo thổi cơm, "Vẽ Gì Khó", "Cá Voi Trắng", "Con Chào Mào" kèm theo hình ảnh lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Những vụ việc như trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc tin giả, tin sai sự thật, thông tin độc hại, xấu, độc... lan truyền trên mạng xã hội. Nếu người sử dụng mạng xã hội không tỉnh táo nhận diện, vội vàng chia sẻ, bình luận sẽ rất dễ dẫn tới vi phạm pháp luật. Theo đó, hãy là một người dùng mạng thông minh, biết chắt lọc thông tin và tỉnh táo trước những nội dung độc hại nhan nhản khắp mạng xã hội.

Người dùng mạng xã hội được khuyến cáo nên thận trọng với thông tin cá nhân đăng tải trên internet, cần đảm bảo thông tin công khai không vi phạm Luật An ninh mạng, không cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân theo quy định tại nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Cùng với đó, với tốc độ thông tin lan truyền nhanh chóng của mạng internet, người dùng mạng xã hội cần cập nhật kiến thức, không ngừng học hỏi, đảm bảo bản thân được tiếp cận nguồn thông tin đúng, chính xác, tin cậy. Tránh nhân lên các thông tin xấu độc, tạo ra môi trường thông tin xã hội độc hại với cộng đồng người dùng, vi phạm các chính sách cơ bản của các nền tảng mạng xã hội.

Mạng xã hội có thể mang lại nhiều giá trị đối với mỗi cá nhân, cũng có thể khiến người dùng bị xử phạt từ nhẹ đến nặng nếu vi phạm nguyên tắc tiêu chuẩn cộng đồng của quốc gia sở tại, đồng thời bị cấm nhập cảnh đối với các quốc gia liên quan đến nội dung sáng tạo.

Khi ai cũng có thể trở thành người sáng tạo nội dung số, người có tầm ảnh hưởng đối với cộng đồng, ảnh hưởng tới cảm xúc, hành vi của số đông càng cần cẩn trọng trong phát ngôn và sản xuất nội dung trên mạng xã hội.

Theo Điều 4 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP) quy định trường hợp cá nhân có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.