Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo - gương tự học thành tài đam mê khoa học công nghệ

Hoàng Phương

Hoàng Phương

19:42 - 20/08/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 19/8, Anh hùng lao động, Giáo sư, Viện sĩ danh dự Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được vinh danh giải Vàng Giải thưởng "Phụng sự tình nguyện" tại Trường Đại học Quốc tế Mỹ.

Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo - gương tự học thành tài đam mê khoa học công nghệ - Ảnh 1.

Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) được trao tặng giải Vàng Giải thưởng "Phụng sự tình nguyện" tại Trường Đại học Quốc tế Mỹ.

Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo được trao tặng giải Vàng

Ngày 19/8, Anh hùng lao động, Giáo sư, Viện sĩ danh dự Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) đã được vinh danh giải Vàng Giải thưởng "Phụng sự tình nguyện" tại Trường Đại học Quốc tế Mỹ (IAU, quận Cam, bang California) do Hội đồng thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ, Trường Đại học Quốc tế Mỹ (IAU) và Liên minh Doanh nhân Quốc tế đề cử.

Theo Ban tổ chức, Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo đã dành nhiều thời gian, tâm huyết và tài năng của mình đóng góp to lớn trong việc giải quyết thách thức, khó khăn mà cộng đồng xã hội đang phải đối mặt và có nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học công nghệ đóng góp tích cực cho sự nghiệp phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; ông là một trong những hình mẫu tạo ra sự tác động tích cực và truyền cảm hứng đến cộng đồng xung quanh.

Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo - gương tự học thành tài đam mê khoa học công nghệ - Ảnh 2.

Phần thưởng dành cho người tự học thành tài, anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo, người con quê lúa Thái Bình là nghiên cứu - sáng chế khoa học, ứng dụng công nghệ.

Gương sáng Hoàng Đức Thảo - tự học thành tài và có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước

Hoàng Đức Thảo là người con của quê hương xã Vũ Thắng, Kiến Xương, Thái Bình, một xã có truyền thống yêu nước và cách mạng, 2 lần được phong tặng anh hùng (anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân).

Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo - gương tự học thành tài đam mê khoa học công nghệ - Ảnh 3.

Honafg Đức Thảo - một tấm gương tự học thành tài.

Hoàng Đức Thảo học hết lớp 7 đã phải ngừng học ở nhà làm ruộng để giúp đỡ gia đình, trong khi các anh gia nhập quân đội vào Nam chiến đấu, chống Mỹ cứu nước. Năm 1977, chàng trai quê lúa Thái Bình đã thi tuyển vào Trường Công nhân Kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng; sau khi tốt nghiệp được điều động đi Kiên Giang làm công nhân xây dựng nhà máy xi măng Hà Tiên. 

Bắt đầu từ đây, với tuổi đôi mươi Hoàng Đức Thảo đã say sưa nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tên tuổi của anh nổi như cồn. Ông còn nhớ mãi, dự án công trình lúc bấy giờ phải nhập máy cắt sắt của Trung Quốc nhưng cứ hai chục ngày lưỡi cắt lại đứt, phía đối tác không bán lưỡi dự phòng, công việc bị ngưng trễ. 

Giải pháp "Gông đỡ để giảm lực đẩy trở lại" của Hoàng Đức Thảo được thử nghiệm thành công, giúp dây chuyền sản xuất của nhà máy được thông suốt.

Các chuyên gia Liên Xô ngày ấy rất khâm phục về sáng kiến "thay thế con kê ngăn cách giữa hai lớp thép bằng râu thép đầu cọc" được đưa vào sử dụng và trở thành giải pháp rất hữu ích xây dựng nhà máy. 

Hoàng Đức Thảo đã được Bộ Xây dựng, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen; được bình bầu là thanh niên ưu tú xuất sắc, chiến sĩ thi đua ngành xây dựng, được cử đi tham dự Festival thanh niên tiên tiến toàn quốc, được các báo và truyền hình biểu dương trong chương trình "Người tốt việc tốt".

Cuối năm 1981, Hoàng Đức Thảo được cử đi học trung cấp ngành kế toán xây dựng và tiếp tục học cử nhân kinh tế và học tại chức lớp kiến trúc sư Đại học Kiến trúc Hà Nội - Chi nhánh Vũng Tàu. 

Đến năm 2003, khi nhận trọng trách điều hành Công ty Thoát nước Đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco), Hoàng Đức Thảo có cơ hội nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. 

Đến nay, Busadco và Tổng Giám đốc Hoàng Đức Thảo đã có rất nhiều công trình khoa học, Bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, Bằng sở hữu kiểu dáng công nghiệp, công trình sản phẩm khoa học công nghệ được Bộ Khoa học công nghệ nâng cấp từ tiêu chuẩn cơ sở lên tiêu chuẩn Việt Nam.

Hội đồng Liên minh Kỷ lục thế giới xác nhận doanh nhân Hoàng Đức Thảo là nhà khoa học nắm giữ số lượng bằng sáng chế sở hữu trí tuệ nhiều nhất thế giới, với quá trình nghiên cứu, chế tạo, sáng tạo giải pháp, điều phối thi công và vận hành các sản phẩm phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. 

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác nhận Hoàng Đức Thảo là tác giả có nhiều bằng sáng chế và giải pháp hữu ích nhất Việt Nam, với 58 Bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích.

Busadco đã thực hiện hoàn hảo các công trình kè sông, biển tại Thái Bình, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận…. Tiêu biểu nhất là tại Bà Rịa - Vũng Tàu, BUSADCO đã ứng dụng hiệu quả công nghệ bê tông cốt phi kim vào công trình tuyến kè bảo vệ bờ biển dự án khu du lịch Làng Chài Resort - xã Phước Thuận; kè bảo vệ hạ lưu bờ sông Ray - xã Phước Thuận; kè phá sóng bảo vệ bờ biển và gây bồi tạo bãi xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc và kè sông Dinh TP.Bà Rịa… 

Đây cũng chính là giải pháp thuộc đề án KHCN cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng cuối năm 2020. Tại khu vực đoạn sông Dinh thuộc phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu nơi trước đây khi xây dựng kè thường xuyên bị sạt lở, mỗi năm lại ăn vào đất liền hàng chục mét khiến bờ sông nham nhở, hiểm nguy rình rập khi mùa mưa bão đến. Nay, nhờ ứng dụng công nghệ của BUSADCO đoạn kè cấu kiện lắp ghép bằng công nghệ bê tông cốt sợi phi kim nối dài 100m đã giúp bờ sông Dinh ổn định, không còn bị sạt lở như trước. Công nghệ độc quyền của Busadco, năm 2022-2023 đang được áp dụng tại dự án kè sông, hồ, đập ven biển tại tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Nam Định và nhiều địa phương khác.

Công nghệ kè bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển của Busadco đã được lắp ghép, thi công tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, hiệu quả thiết thực. Anh hùng Lao động - ông "vua Kè" Hoàng Đức Thảo vẫn luôn trăn trở với việc nghiên cứu, sáng chế sản phẩm mới, đến với những công trình mới. Ông làm việc không ngưng nghỉ, đắm say nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống dân sinh phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu.

Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo - gương tự học thành tài đam mê khoa học công nghệ - Ảnh 4.

Hoàng Đức Thảo được biết đến là một người say mê công nghệ.

Đặc biệt, thi công xây dựng kè hồ Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội là công trình lớn nhất, khó khăn nhất cho đến thời điểm này của Busadco và doanh nhân Hoàng Đức Thảo. Công trình kè hồ Hoàn Kiếm không chỉ liên quan đến kinh tế kỹ thuật, mà đây còn là công trình mang tầm vóc lịch sử, văn hóa, tâm linh. 

Dự án xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư năm 2007, sau hơn 10 năm nhiều công nghệ, giải pháp kỹ thuật kè hồ được đề xuất nhưng chưa có giải pháp nào phù hợp với tiêu chí và yêu cầu thi công. Cuối cùng giải pháp công nghệ Busadco đã được chọn, tham gia dự thầu gói thầu xây dựng kè hồ Hoàn Kiếm và đã trúng thầu.

Quá trình thực hiện công trình, Hoàng Đức Thảo và tập thể cán bộ, công nhân Busadco trải qua 65 ngày/đêm trực tiếp chỉ đạo và thi công, bảo đảm quá trình thi công công trình không gây ảnh hưởng đến các cây cổ thụ ven hồ. Khi thi công đến gần các gốc cây, Busadco đều tiến hành neo cành cây bằng cáp, dùng chế phẩm sinh học giúp cây hồi phục và tăng trưởng. 

Để bảo đảm tiêu chí không xâm lấn diện tích lòng hồ, Busadco cẩn trọng công tác trắc địa để xác định vị trí đặt kè, không xâm phạm vào mốc di sản, không thu hẹp lòng hồ; không gây ô nhiễm nước hồ, bảo vệ an toàn cho hệ sinh thái của hồ Hoàn Kiếm. 

Trước khi thi công Busadco đã cắm cọc tre, quây bạt để bảo đảm nước tại vị trí thi công không loang ra ngoài hồ. Và đúng 6 giờ 30 phút ngày 20/8/2020, tại vị trí cầu Thê Húc, Busadco đã chính thức hợp long toàn tuyến, hoàn thành công trình kè hồ với tổng chiều dài gần 1.500m, hoàn thành trước tiến độ gần một tháng, an toàn tuyệt đối mọi phương diện, kể cả yếu tố công nghệ, kỹ thuật.

Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ (KHCN) năm 2016; kỷ lục gia thế giới về sở hữu trí tuệ năm 2020; Trường Đại học Kỷ lục thế giới trao bằng Tiến sĩ danh dự; đương kim Top 1 ngôi sao sáng chế Việt Nam hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) tháng 12 năm 2022. Busadco và thuyền trưởng Hoàng Đức Thảo đã dành 300 Bằng khen, giải thưởng trong nước, 5 Huân chương lao động, 10 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 8 giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam, 30 giải thưởng KHCN quốc tế. Sở hữu 464 bằng sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp, với 14 kỷ lục quốc gia về khoa học công nghệ và các công trình ứng dụng tại 52/63 tỉnh thành trong nước.

Đường đi trải rộng, niềm đam mê và phần thưởng dành cho người tự học thành tài, anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo, người con quê lúa Thái Bình là nghiên cứu - sáng chế khoa học, ứng dụng công nghệ.

Bình luận của bạn

Bình luận