Cựu chiến binh Phan Trọng Điền, tự học thành tài với nghề đúc đồng

Đắc Quang
06:06 - 26/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trở về quê hương sau những năm tháng trong quân ngũ làm nhiệm vụ quốc tế ở nước Lào, cựu chiến binh Phan Trọng Điền học nghề đúc đồng và đã thành công. Ông hiện là giám đốc Công ty đúc đồng Nam Thiên (ở huyện Xuân Trường, Nam Định).

Ở tuổi 57, giọng nói cựu chiến binh Phan Trọng Điền sang sảng, dáng người chắc chắn, đôi mắt sáng và nụ cười hiền hậu. Pha một ấm trà đặc tiếp khách, ông chậm rãi kể tôi nghe quá trình học nghề đúc đồng đẫm mồ hôi và nỗ lực không ngừng của mình.

Ông Điền đúc đồng – cựu chiến binh tự học thành tài - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Phan Trọng Điền phát biểu tại lễ phát động phong trào "Học không bao giờ cùng" và trao học bổng tặng người lao động tiêu biểu tự học, học sinh sinh viên vượt khó, học giỏi của tỉnh Nam Định năm 2023. Ảnh: Đắc Quang

Bước ngoặt trong cuộc đời người cựu chiến binh Phan Trọng Điền: học nghề đúc đồng

Sau 3 năm trong quân ngũ làm nhiệm vụ quốc tế ở nước Lào, Thương binh Phan Trọng Điền khi ấy quay trở về cuộc sống thường ngày, với thương tật tỉ lệ 21%. Những ký ức về chiến tranh và tinh thần mạnh mẽ như đồng, như sắt của người lính Cụ Hồ thì vẫn còn đây, nhưng chưa biết làm gì để duy trì cuộc sống.

May mắn sau đó, Phan Trọng Điền được vào làm việc tại Công ty Bia ong Xuân Thủy. Trong quá trình làm, có người hay đến công ty ông để mua sáp ong. Tò mò gặng hỏi nhưng ông vẫn không biết mục đích của họ mua sáp để làm gì.

Trong một lần vận chuyển sáp đến người mua kia, ông được biết họ làm nghề đúc tượng đồng. "Thấy tôi tới, người thợ đang xử lý sáp lập tức chạy vào trong. Điều này khiến tôi càng lấy làm khó hiểu, song thấy rất tò mò", ông Điền kể.

Một thời gian sau, có duyên nói chuyện với một nghệ nhân đúc đồng, ông được biết sáp ong đó dùng trong quy trình đúc đồng mang tính bí thuật của dòng họ người ta.

Vốn thích thú với các sản phẩm từ đồng, đặc biệt là những chiếc chuông đồng trong ngôi chùa gần nhà, Phan Trọng Điền đã quyết định từ bỏ việc làm công nhân trong nhà máy chế biến mật ong – bấy giờ được cho là ổn định, thu nhập tốt mà bao người mong muốn, chuyển sang quyết tâm học nghề đúc đồng.

Ông Điền đúc đồng – cựu chiến binh tự học thành tài - Ảnh 3.

Cựu chiến binh Phan Trọng Điền từng bị người thân, bạn bè ngăn cản khi theo nghề đúc đồng.

Hàng xóm, bà con đều bảo ông gàn dở, vì đang làm công việc nhàn hạ, bao người mong không được lại chuyển sang công việc chân tay nặng nhọc. Song, người cựu chiến binh đã kiên định, quyết tâm theo đuổi nghề đúc đồng chuyên nghiệp.

Nhiều lần thăm hỏi các nơi, ông Điền tìm đến nghệ nhân Lê Văn Việt và Lê Văn Chiểu – những người nổi tiếng trong làng nghề đúc đồng Kiên Lao, Xuân Trường, Nam Định. Sau khi nghe Phan Trọng Điền trình bày mong muốn được theo nghề đúc đồng với niềm say mê lớn, Nghệ nhân Lê Văn Việt và Lê Văn Chiểu đã vui vẻ nhận ông Điền để truyền nghề.

"Khi đó, lòng tôi như mở cờ bởi tôi đã đi tìm hiểu nhiều mà chẳng ai chịu dạy nghề cả, họ đều giấu", ông Điền xúc động nhớ lại khoảnh khắc đó.

Ông Điền đúc đồng – cựu chiến binh tự học thành tài - Ảnh 4.

Ông Phan Trọng Điền được nghệ nhân Lê Văn Việt và Lê Văn Chiểu – những người nổi tiếng trong làng nghề đúc đồng Thiên Lao, Xuân Trường chỉ dạy, truyền nghề.

Muốn học nghề đúc đồng, việc khó càng phải làm nhiều

Khoảng thời gian học việc đúc đồng với cựu chiến binh Phan Trọng Điền thật chẳng dễ dàng. Khiêng nặng, đốt lò, chịu hơi nóng nghìn độ hắt ra, cả mùa đông lẫn ngày hè cháy da cháy thịt, đều là những trải nghiệm ban đầu đặc biệt không thể quên của ông.

Nhưng với suy nghĩ rằng, những năm tháng chiến đấu ở nước Lào khắc nghiệt, có những lúc như từ cõi chết trở còn vượt qua, thì những thử thách kia càng phải cố gắng để khắc phục.

Ông Điền đúc đồng – cựu chiến binh tự học thành tài - Ảnh 5.

Khi học nghề, ông Điền không ngại khó, ngại khổ nên sớm nắm bắt được kỹ thuật đúc đồng.

Chỉ sau 5 năm, vị cựu chiến binh này đã học được toàn bộ quy trình để tạo ra những sản phẩm bằng đồng chất lượng cao. Đó được cho là khoảng thời gian ngắn so với những người thợ khác khi muốn học hỏi nghề đúc đồng truyền thống là 7-8 năm, thậm chí nhiều hơn.

Sở dĩ có được kết quả như vậy là bởi ông Điền không ngại khó, ngại khổ khi học việc. Những việc nào càng nguy hiểm, đòi hỏi kỹ thuật cao, ông càng xung phong vào làm. "Chỉ có vậy mới nhanh chóng học được quy trình đúc đồng chất lượng tốt", ông Điền quan niệm.

Khi đã làm chủ được kỹ năng, có kiến thức về đúc đồng, người đàn ông này vẫn chưa hài lòng, luôn trăn trở kiếm tìm sự toàn bích trong sản phẩm mà mình tạo ra. 

Nghĩ là làm, ông Điền đã đi đến các làng nghề đúc đồng truyền thống, hỏi thăm cách làm, chất liệu, kỹ thuật đặc biệt của địa phương, đồng thời trao đổi kinh nghiệm của bản thân. Ông đến làng nghề Đại Bái – Bắc Ninh; Tống Xá – Ý Yên, Nam Định; Làng Chè – Thiệu Hóa, một số phường đúc trong tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đi đến đâu, người ta cũng mở lòng vì thái độ nhiệt thành, cầu thị của ông Điền và sau này trở thành đối tác với ông.

Ông Điền đúc đồng – cựu chiến binh tự học thành tài - Ảnh 6.

Cựu chiến binh Phan Trọng Điền cho đến nay vẫn tự tay làm nghề đúc đồng.

Khi đã đi đủ nhiều, gặp đủ nghệ nhân đúc đồng ở các tỉnh, thành khác, ông Điền đã thấy được cái hay, cái độc đáo trong quy trình và sản phẩm đồng được tạo ra ở quê hương mình. Điều đó càng làm ông vững tin tiếp tục rèn luyện tay nghề lên cao hơn.

"Nhiều người vẫn bảo tôi "không bình thường" khi lao vào một công việc nặng nhọc. Có những người bạn đã thành công, kinh tế khá giả, rủ tôi về làm cho công ty vì thương mình vất vả. Tôi đều từ chối hết vì đã trót mê cái nghề với chất đồng này rồi.

Hơn nữa, nghề cũng cho tôi nhiều thứ ý nghĩa mà nếu ở công việc khác mình không có được. Đó là những chuyến đi đến nhiều tỉnh thành trên cả nước, được tham quan những di tích lịch sử, đóng góp vào việc tôn tạo, xây dựng những ngôi chùa lớn… Với tôi, thế là đã đủ lý do để mình tiếp tục con đường này", ông Điền bộc bạch.

Ông Điền đúc đồng – cựu chiến binh tự học thành tài - Ảnh 7.

Thế mạnh của Công ty đúc đồng Nam Thiên của ông Phan Trọng Điền là tạo ra chuông đồng với nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau.

Những sản phẩm đồng mà ông Điền tạo ra đúng là không thật giống với nơi nào. Chúng được khách hàng khen ngợi và đánh giá cao về chất lượng, độ tinh xảo, lưu giữ được nguyên bản những giá trị văn hóa truyền thống.

Làm giám đốc càng cần học

Ngày càng nhiều người biết đến thương hiệu đồng ở huyện Xuân Trường, biết đến đồng ông Điền. Những đơn đặt hàng cứ ngày một nhiều lên. Để thuận tiện cho việc xử lý giấy tờ, năm 2010, ông Điền đã cùng em lập nên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đúc đồng Nam Thiên (hay còn gọi là Công ty đúc đồng Nam Thiên), giúp công việc sản xuất, kinh doanh thêm chuyên nghiệp.

Ông Điền đúc đồng – cựu chiến binh tự học thành tài - Ảnh 8.

Nghệ nhân Phan Trọng Điền luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đúc đồng cho những ai muốn theo nghề.

Từ một người thợ, quanh năm chỉ biết chế tạo những sản phẩm đồng chất lượng, giờ ông Điền có thêm nhiệm vụ mới – làm giám đốc. Lúc này, cái khó lại phát sinh với nhiều loại giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật, hay phải làm quen với máy tính, với các phần mềm như Word, Excel. Vị Giám đốc của Công ty đúc đồng Nam Thiên tiếp tục tìm thầy để học.

Người tài lại gặp người tốt, ông Phan Trọng Điền được hòa thượng Thích Tâm Vượng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Tôn giáo Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ dạy tận tình những kiến thức mà ông muốn biết.

Ông Điền đúc đồng – cựu chiến binh tự học thành tài - Ảnh 9.

Ông Điền mong muốn học hỏi thêm những kỹ năng, kiến thức mới phục vụ cho công việc đúc đồng và vận hành công ty được hiệu quả, tạo ra những sản phẩm tốt hơn.

Vốn là người tiếp thu nhanh, lại có phương pháp học nên chỉ trong thời gian ngắn, ông Điền đã nắm được cơ bản những quy định của pháp luật khi vận hành công ty, biết tự soạn thảo các văn bản, hợp đồng, hóa đơn thuận tiện cho công việc.

Không chỉ vậy, ông còn hướng dẫn nhân viên của mình thao tác để phụ trách phần công việc hành chính đó.

Công việc của ông Điền bước sang một trang khác. Danh tiếng của Công ty đúc đồng Nam Thiên ngày một lớn trong "làng" đúc đồng toàn quốc, được giao trọng trách sản xuất những công trình bằng đồng quan trọng của địa phương và đất nước.

Một số "tác phẩm", công trình tiêu biểu của Nghệ nhân Phan Trọng Điền như: Tượng Trần Nhân Tông ở Am Ngọa Vân tại chùa Yên Tử, Quốc mẫu Âu Cơ ở Hạ Hòa (Phú Thọ); tượng Thích Ca ngồi cao 4 mét 7, nặng 20 tấn đặt tại Chùa Phúc Long, Trâu Quỳ, Gia Lâm (Hà Nội); tượng Phật Tổ ngồi cao 4 mét 7, nặng 20 tấn đặt tại chùa Đại Bi (Thanh Hóa).

Đặc biệt, Nghệ nhân Phan Trọng Điền là tác giả chiếc trống đồng (đại pháp cổ) có kích thước mặt trống 1,73 mét, bụng trống 2,85 mét, chiều dài 2,95 mét, trọng lượng 6,8 tấn, giá trống nặng 1,78 tấn làm cho họ Đặng Việt Nam đã được công nhận là kỷ lục trống đồng lớn nhất Việt Nam năm 2019.

Nhân dịp kỷ niệm 55 Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (1962-2017), Công ty Đúc đồng Nam Thiên còn được giao đúc Tháp Đồng cho nước bạn Lào. Đây là tác phẩm được đánh giá đẹp một cách "hoàn mỹ" của nghệ nhân Phan Trọng Điền, thể hiện tài hoa cũng như giá trị thẩm mỹ của người thợ có "bàn tay vàng".

Và rồi "cây táo nở hoa"

Không chỉ có những đơn hàng trong nước, sản phẩm đồng của nghệ nhân Phan Trọng Điền hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Canada…, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.

Ông Điền đúc đồng – cựu chiến binh tự học thành tài - Ảnh 11.

Đã có những người thợ trưởng thành từ sự hướng dẫn của Nghệ nhân Phan Trọng Điền.

Đến nay, Công ty đúc đồng Nam Thiên đã có vài chục nhân viên tay nghề cứng, hoạt động tại cơ sở có diện tích trên 1.000 mét vuông. Ông Điền luôn sẵn sàng chỉ bảo cho những người muốn tìm hiểu công việc này.

Đã có những người thợ trưởng thành từ sự hướng dẫn của ông, mở xưởng sản xuất riêng. "Tôi không sợ sự cạnh tranh nào cả bởi thị trường vẫn cần rất nhiều sản phẩm bằng đồng chất lượng cao.

Tôi đã kết nối với nhiều đơn vị sản xuất đồng tại nhiều làng nghề khác nhau để hợp tác sản xuất. Mỗi nơi có một điểm mạnh, đơn hàng nào phù hợp với bên nào thì mình kết nối. Các bên cùng có lợi cả", ông Điền nói.

Với nhiều hoạt động thiết thực, cựu chiến binh Phan Trọng Điền đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Danh hiệu Doanh nhân cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2019, nghệ nhân Phan Trọng Điền được Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam, nghệ nhân tiêu biểu Đông Nam Á vì có nhiều sáng kiến, đóng góp cho sự phát triển làng nghề đúc đồng truyền thống tại tỉnh Nam Định và các công trình di tích lịch sử văn hóa khắp cả nước.

Một số bằng khen, giấy chứng nhận của nghệ nhân Phan Trọng Điền vì những đóng góp tích cực và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Ngoài tập trung phát triển kinh tế, những năm qua, ông Phan Trọng Điền luôn dành một phần lợi nhuận Công ty đúc đồng Nam Thiên để ủng hộ, giúp đỡ cho những người đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, tạo công ăn việc làm cho con em cựu chiến binh, cựu quân nhân; đóng góp trùng tu lại nghĩa trang liệt sĩ xã với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Ngoài ra, biết hoàn cảnh nào khó khăn cần sự giúp đỡ, ông đều đến động viên, tặng quà, ủng hộ sổ tiết kiệm, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ quỹ khuyến học tại địa phương.

Ông Điền đúc đồng – cựu chiến binh tự học thành tài - Ảnh 14.

Thành công trong lĩnh vực đúc đồng, ông Điền có nhiều đóng góp vào công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, khuyến học - khuyến tài.

Trung bình hằng năm, Công ty đúc đồng Nam Thiên tặng hàng trăm suất quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên cả nước, những suất học bổng tặng học sinh, sinh viên vượt khó, học tốt, đạt thành tích tốt.

Người chọn nghề, nghề chọn người phù hợp. Như những thanh đồng thô cứng phải trải qua hun đúc, đẽo gọt để có dáng hình đẹp đẽ, mĩ miều. Sự dũng cảm, quả quyết và tinh thần hiếu học của cựu chiến binh Phan Trọng Điền, qua những thử thách từ chiến trường đến áp lực cuộc sống, cuối cùng cũng kết ra những trái ngọt không chỉ cho bản thân ông mà còn tỏa hương thơm ngát cho cuộc đời.

Dù đã có hàng chục nhân viên tại xưởng, nhưng ông Điền vẫn thường xuyên tham gia vào quá trình sản xuất, đặc biệt là những sản phẩm yêu cầu độ tinh xảo cao. Với ông, càng được làm việc khó càng vui, bởi đó là lúc tay nghề cùng niềm đam mê của người nghệ nhân được thử thách. Và sau mỗi tác phẩm như vậy, ông cũng sẽ có thêm hiểu biết, kinh nghiệm, làm đầy "túi khôn" cho những thách thức về sau của nghề.