Nghệ nhân Phạm Thị Ngắn - gương sáng tự học thành tài
Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Ngắn, chủ doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là "Công dân học tập" tiêu biểu, một tấm gương sáng "Tự học thành tài". Bà vẫn bền bỉ sáng tạo các sản phẩm mới thủ công mỹ nghệ hằng ngày.
Nghệ nhân Phạm Thị Ngắn - cả đời đan tay khéo léo
Chỉ từ những cây cói, bèo bồng, giấy, mây, tre, len… của quê hương Thái Bình, qua bàn tay nghệ nhân của bà đã trở thành những sản phẩm độc đáo, thân thiện với môi trường được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Bà Phạm Thị Ngắn là tấm gương sáng tự học thành tài - tự học nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống ngay trên chính quê hương mình.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Ngắn, là vợ liệt sĩ. Bà năm nay đã ngoài 70 tuổi. Những tưởng ở tuổi này bà sẽ chỉ an nhàn bên các con, các cháu, nhưng với niềm say mê yêu nghề, hằng ngày bà Ngắn vẫn say sưa nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm hành hoá độc đáo từ những cây cói, bèo bồng, giấy, mây, tre, len…
Bà Ngắn không nhớ mình vào nghề từ bao giờ, chỉ biết từ ngày về làm dâu đã thấy bố mẹ chồng làm nghề mây tre đan thủ công mỹ nghệ, bà thường phụ giúp và học hỏi để đan lát nhiều loại túi xách, mũ, hộp… chủ yếu phục vụ người dân địa phương.
Qua tìm hiểu, thấy tiềm năng của nghề thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm đều có nguồn gốc từ tự nhiên thân thiện với môi trường, nhưng chỉ phục vụ người dân địa phương và vùng lân cận. Vì thế, năm 2004 bà Ngắn quyết tâm để các sản phẩm này phải được nhiều người biết đến và vươn ra khỏi lũy tre làng nên đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An.
Từ đây con đường đến với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của bà Ngắn ngày càng rộng mở, nhưng cũng nhiều chông gai.
Không có mặt bằng, không nguồn vốn để phát triển mở rộng, không có nguồn cung ứng ra bên ngoài, bà Ngắn lại càng phải nỗ lực hơn nữa. Không ngừng học hỏi, tìm kiếm, thiết kế ra các mặt hàng mới, mỗi ngày bà Ngắn đi hàng trăm cây số để vừa giới thiệu chào bán sản phẩm, vừa mời gọi mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ cộng tác với công ty để tận dụng thời gian nông nhàn cùng đan lát các loại túi, mũ, giỏ… theo yêu cầu của thị trường, tăng thu nhập cho gia đình.
Cứ mỗi lần có mẫu mã mới, bà Ngắn lại tận tình chỉ dạy cho đội kỹ thuật tỉ mỉ từng chi tiết để làm đầu mối kết nối, hướng dẫn mọi người đan theo yêu cầu của khách hàng.
Để tránh bị lỗi mốt, tăng tính cạnh tranh với các mặt hàng cùng ngạch, bà Ngắn cùng đội kỹ thuật của doanh nghiệp hàng ngày nghiên cứu, tìm tòi, thiết kế ra các mẫu mã mới đẹp hơn. Mỗi khi có các sản phẩm mẫu mã mới, bà Ngắn không quản ngại đi đến các thôn, tổ trong xã, thị trấn và các xã lân cận để hướng dẫn kỹ thuật cho mọi người làm quen với sản phẩm.
Đến nay, có khoảng 15 nghìn người đã được bà Ngắn và đội ngũ kỹ thuật đào tạo để làm ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách hàng.
Hiện tại, doanh nghiệp của bà Ngắn đang duy trì khoảng 6 nghìn lao động cộng tác với thu nhập khoảng 6 triệu/tháng. Những người sức khỏe yếu không đến công ty làm được hay người già, người khuyết tật đều được bà Ngắn đón nhận, tận tình chỉ dạy từng thao tác kỹ thuật để làm thành thạo sản phẩm tại gia đình đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tấm gương sáng tự học thành tài
Sau 20 năm hoạt động, các sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu là những chiếc túi cói, mũ cói, những chậu cảnh,… được đan từ cây cói, cây bèo bồng, hay chiếc túi móc từ sợi len…. được nhiều người sử dụng và xuất khẩu ra nước ngoài.
Những mặt hàng này không gây ô nhiễm môi trường, giá thành hợp lý được nhiều nước đón nhận như Hoa Kỳ, Philippines, Đức, Pháp... Có thời điểm, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của gia đình bà hằng tháng đều xuất đi các nước 3-4 container.
Hằng năm, bà Ngắn trích một khoản tiền hỗ trợ các cháu khuyết tật, các cháu học sinh nghèo, học sinh vượt khó - hiếu học để các cháu tiếp tục đến trường. Với những đóng góp của mình cho quê hương bà Ngắn đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý và phần thưởng của Đảng và Nhà nước trao tặng.
Bà đang ấp ủ mong muốn tiếp tục cho ra thị trường nhiều mặt hàng mới được làm từ chất liệu của cây cói, bèo bồng, mây, tre, len… của quê hương xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Bà cũng mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện cho công ty có mặt bằng rộng hơn để phát triển sản xuất.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google