Ai làm cho nhà trường thành thương trường?

GS.TS Phạm Tất Dong
17:27 - 22/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chúng ta nên ứng xử ra sao khi càng ngày, học phí, các loại phí dành cho học tập càng cao, trong khi chất lượng dạy và học không tăng lên? Người học ra trường thất nghiệp nhiều mà giá của kiến thức lại đắt đỏ?

Ai làm cho nhà trường thành thương trường? - Ảnh 1.

Người học ra trường thất nghiệp nhiều mà học phí lại không ngừng tăng cao. Ảnh: Free/image

Nhộn nhịp "chợ" luận văn

Chỉ cần tìm từ khóa "luận văn" trên internet, sẽ thấy hiển thị rất nhiều thông tin số điện thoại, email của nhóm cung cấp, bán luận văn online. Nhóm có hơn 300 thành viên là người đã tốt nghiệp loại ưu, những tiến sĩ, giáo sư... xuất thân từ đại học các ngành kinh tế quốc dân, ngoại thương, ngân hàng, tài chính, bách khoa... cùng nhiều đại học nước ngoài và các trường đại học liên kết. 

Quảng cáo rằng, khách hàng khi mua luận án, luận văn tiếng Việt hoặc tiếng Anh sẽ được bảo đảm chất lượng, không sợ mắc lỗi đạo văn, đúng hạn theo yêu cầu. Tất nhiên, giá cả còn phụ thuộc vào thời gian viết thuê dài hay ngắn ngày, hạn dài sẽ rẻ hơn với những đề tài phải nộp nhanh vì sắp hết hạn.

Đã có gần 20.000 khách hàng hài lòng với dịch vụ này (theo lời quảng cáo). Giá một luận văn tốt nghiệp đại học khoảng 2-3 triệu, cao nhất 5 triệu đồng. Với luận văn thạc sĩ, ít nhất cũng 10 triệu, còn luận án tiến sĩ thì từ 15 đến 25 triệu.

Giá bán tri thức quá cao?

Tôi đã đọc tác phẩm "Triết lý giáo dục Việt Nam - từ truyền thống đến hiện đại" do GS.TS Trần Ngọc Thêm chủ biên, thấy có đoạn viết về gian lận trong học tập, thi cử như sau:

"Không chỉ có gian lận ở khâu cuối cùng là thi tốt nghiệp, tuyển sinh, công bố khoa học, gian lận còn xuất hiện cả trong hoạt động dạy - học hàng ngày. Tình trạng "học thuê, thi nước, mua thầy" đã diễn ra từ những năm 2000. Phóng sự điều tra "Bát nháo thị trường học thuê, thi mướn" do nhóm phóng viên báo "Khám phá" thực hiện cho biết quy mô của nhóm dịch vụ "Học hộ, thi hộ" có hơn 7.600 thành viên, còn nhóm "Dịch vụ học thuê và học hộ" có tới gần 3 vạn thành viên. Có những người coi việc đi học thuê là một nghề kiếm sống. Ở mức trí tuệ hơn là viết thuê luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Các trung tâm dịch vụ công khai quảng cáo "Nhận làm luận văn, đồ án, báo cáo, tiểu luận chuyên đề tất cả các ngành, đủ loại trình độ" - Trần Ngọc Thêm, chủ biên: Triết lý giáo dục Việt Nam - từ truyền thống đến hiện đại, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2022, trang 381-382).

Trong gần 25 năm qua, có biết bao kỳ thi tốt nghiệp, thi tuyển, viết luận văn, luận án đã diễn ra với số thí sinh cả chục vạn người. Có bao nhiêu người đã thành công nhờ những dịch vụ này? 

Câu trả lời chắc sẽ làm ta choáng, nếu ta có thái độ tử tế với học hành và thi cử. Đáng sợ hơn cả là những luật sư, chuyên gia xã hội học, tiến sĩ kinh tế học, giáo sư ngành tài chính (nếu có) học theo kiểu này mà giờ đang chễm chệ trên ghế quản lý ở các ngành chuyên môn thì chất lượng công việc do Nhà nước ta điều hành sẽ ra sao?

Nhưng ở nước ta lại có cả chuyện rất trái khoáy: Giảng viên đại học nhờ sinh viên đi thi hộ. Sự việc như sau:

Theo một phản ánh, vào năm 2021, giảng viên N.T.H.P (khoa luật, trường Đại học kinh tế - Đại học Đà Nẵng) tham gia khóa bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính, hạng 2 do Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Trong đợt thi kết thúc khóa học ngày 2/4/2021 giảng viên đang điều trị tại bệnh viện đã nhờ một sinh viên năm thứ 4 khoa Luật đi thi hộ.

Sinh viên đã hoàn thành trót lọt việc thi này, nhờ đó, giảng viên được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giảng viên chính hạng 2. Việc bại lộ, chức danh nghề nghiệp của giảng viên bị thu hồi. Việc gian lận trò thi cho thầy, và câu chuyện ngược đời này chắc chỉ có ở Việt Nam.

Xin đừng có đổ lỗi cho "mặt trái của cơ chế thị trường" để biện hộ cho những trò thi cử gian lận. Cái xấu xa xảy ra ở đây bắt nguồn từ những giá trị cao đẹp của văn hóa giáo dục đã bị lấn át bằng những phi giá trị văn hóa giáo dục. Đồng tiền đang làm giáo dục tụt dốc, và ngày càng tụt dốc thảm hại. Cái triết lý: Học để làm người đã được thay bằng thứ triết lý lạc hậu: Học để thi cử. Bằng mọi thủ đoạn học tập, người học lấy tấm bằng làm cứu cánh, người dạy lấy thu nhập làm lẽ sống. Khẩu hiệu "giáo dục hướng vào năng lực" chỉ là một câu nói giả dối, che dấu mục đích giáo dục để thi cử. Phương tiện để thi đỗ là tiền. Con cái nhà khá giả có con đường thênh thang đến phòng thi, và ra khỏi phòng thi là con đường sáng sủa đến cái ghế trong biên chế nhà nước. Nhiều học sinh có năng lực học tập đã bị xếp hạng sau những học sinh có cha mẹ giàu có.

Người dân bức xúc về tiền cho con đi học bởi học phí cùng hàng chục loại phí khác của trường phổ thông cao hơn tiền lương của bố mẹ khá xa. Nếu không có những khoản thu nhập nào khác ngoài lương thì có thể nhiều gia đình bó tay về chuyện cho con đi học.

Năm học 2023-2024 ở Hà Nội có 78.623 học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở trúng tuyển lớp 10 trường công lập, đạt tỷ lệ 60,9%. Còn hơn 30% học sinh phải chấp nhận theo học trường tư. Hàng chục nghìn vị phụ huynh buồn bực và lo lắng về các khoản chi phí do nhà trường định đoạt cao quá mức thu nhập của họ hàng tháng. Các loại phí quá nhiều và quá đắt đỏ:

- Phí giữ chỗ (từ vài triệu đến chục triệu).

- Phí học tập hàng tháng.

- Phí xây dựng trường;

- Phí kiểm tra trình độ tiếng Anh, kiểm tra năng lực tin học.

- Phí học thêm trong trường.

- Phí thư viện

- Phí gia tăng băng thông truy cập trực tuyến...

Người ta vẽ ra đủ các loại phí. Nhà nước có quy định những loại phí bất hợp pháp, song nhiều trường vẫn "lách luật", không thi hành những quy định ấy. Một thông tin cho biết, trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội có thể thu phí từ 20 triệu đồng đến 192,4 triệu đồng/năm. Ở thành phố Hồ Chí Minh, các trường phổ thông thu bình thường là 10 triệu đồng/năm.

Sắp tới, có một số trường thực hiện chế độ tự chủ. Công chúng lo lắng vì một thông tin lộ ra, trường sẽ có mức học phí tăng gấp nhiều lần so với các mức phí hiện nay.

Ở trường đại học, mức các loại phí còn cao và phức tạp hơn nhiều. Không ít trường có những khoản phí lạ như phí khám sức khỏe, phí bảo hộ lao động với các ngành kỹ thuật, công nghệ, phí di chuyển nghĩa vụ quân sự, phí khuyến học...

Nhiều người thốt lên, bậc học đại học giờ đây dành cho con nhà giàu. Có điều trớ trêu là, nhiều khi học sinh, viên đóng nhiều tiền cho các loại phí nhưng phí tăng lên mà chất lượng lại không tăng. Không ít sinh viên tốt nghiệp đại học khi ra trường không kiếm được việc làm.

Người ta đang giữ nguyên tắc "thuận mua vừa bán", mọi loại phí đều có sự thương lượng giữa nhà trường với gia đình có con đi học. Mà đã là thỏa thuận thì xem ra, ai mà bắt bẻ người bán tri thức giá cao?