Miễn học phí - mục tiêu của xã hội văn minh

GS.TS Phạm Tất Dong
10:10 - 03/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Giáo dục không mất tiền là điều mà các nước trên thế giới đều coi là mục tiêu phải hướng tới, bởi giáo dục phổ thông là một phúc lợi xã hội cơ bản, nói lên quyền được học hành của con người.

Ngày 4/7/2022, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS.TS Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở, kể từ năm học 2022-2023.

  • Khẩn trương có đề xuất miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở

Thành phố Hải Phòng trước đó đã thực hiện miễn học phí từ giáo dục mầm non đến trung học phổ thông từ năm 2020.

Gần đây, thành phố Đà Nẵng đã tuyên bố không thu học phí cho các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông từ năm học 2023-2024.

Có điều đáng nói là, giáo dục không mất tiền là điều mà các nước trên thế giới đều coi là mục tiêu phải hướng tới. Bởi vì giáo dục phổ thông là một phúc lợi xã hội cơ bản, nói lên quyền được học hành của con người. Học phí là một trong những loại rào cản làm mất đi cơ hội tiếp cận giáo dục của nhiều người, nhất là những người thuộc nhóm yếu thế, được xếp vào tầng thấp nhất của sự phân tầng xã hội theo mức giàu - nghèo.

Chạy đua tăng học phí đưa xã hội học tập đi đến đâu? 

  • GS.TS Phạm Tất Dong: Muốn có xã hội học tập phải tạo lập môi trường để người dân “khát học”

    GS.TS Phạm Tất Dong: Muốn có xã hội học tập phải tạo lập môi trường để người dân “khát học”ĐỌC NGAY

Nhiều quốc gia miễn học phí cho học sinh theo học không chỉ trường công, mà còn cả trường tư. Nhà nước sẽ phải hỗ trợ một khoản tiền không nhỏ. Song, hỗ trợ dân là việc làm cần thiết của Nhà nước đúng với nghĩa Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Đáng buồn là trong khi địa phương này đang cố gắng thực hiện không thu học phí, thì không ít địa phương khác lại tính toán để tăng học phí. Có nơi, học phí không chỉ tăng gấp đôi, mà còn gấp ba, gấp bốn hoặc hơn nữa. Mà, đó lại không phải là địa phương có nền kinh tế kém phát triển.

Người dân nỗ lực lao động để có được nền sản xuất phát triển, nền kinh tế tăng trưởng để học phí giảm, từ đó, đời sống của gia đình được cải thiện nhiều hơn. Khi sản xuất ra nhiều của cải vật chất và tinh thần, khi GDP của đất nước tăng lên mà học phí cũng tăng thì đời sống được cải thiện không nhiều. Đó là điều mà dân cho là phi lý.

Trước tình hình học phí ở nước ta tăng lên theo năm, không có dấu hiệu giảm, chúng tôi đưa ra một số tư liệu trên để bạn đọc tham khảo.

Chúng tôi cho rằng, tăng học phí, dù có biện minh theo cách nào, thì cũng chẳng có được sự hài lòng của người dân. Cho nên, chạy đua tăng học phí là thất sách.

Giáo dục là một phúc lợi xã hội quan trọng. Giáo dục miễn phí là lý tưởng mà người dân hướng tới. Học phí không được các dân tộc hoan nghênh, nhất là những dân tộc còn khó khăn về đời sống, còn vất vả kiếm thêm thu nhập hằng ngày. Chính vì thế, nhiều nước với tỷ lệ GDP tính trên đầu người còn thấp, Chính phủ của họ đã có chủ trương miễn học phí cho thế hệ trẻ. Đó là một giải pháp khôn ngoan.

Miễn học phí - mục tiêu của xã hội văn minh - Ảnh 3.

Trẻ em Nhật Bản được miễn nhiều khoản chi phí giáo dục khi đến trường, trong đó có sách giáo khoa. Ảnh: unsplast

Nhìn ra thế giới chuyện miễn học phí

Triều Tiên là một ví dụ. Từ năm 1959, Chính phủ thực thi giáo dục miễn phí đối với toàn bộ các cấp học, từ mẫu giáo đến giáo dục đại học. Đến năm 2012, Triều Tiên cải cách giáo dục, chuyển hệ thống giáo dục phổ thông từ 11 năm sang 12 năm. Toàn bộ học sinh, sinh viên Triều Tiên đi học không mất tiền. Nhà nước còn lo cung cấp miễn phí các phương tiện giảng dạy và trang thiết bị giáo dục, sách giáo khoa, phòng học và quần áo đồng phục của học sinh phổ thông các cấp.

Hệ thống trường lớp ở Triều Tiên rất sạch sẽ, quy củ. Học sinh Triều Tiên rất ngoan, học hành chăm chỉ, lễ phép, lao động công ích rất tích cực. Đặc biệt là, hoạt động giáo dục thể dục, thể thao và âm nhạc được nhà trường chăm lo chu đáo.

Tôi đặc biệt thú vị khi đến thăm các trường tiểu học, thấy nhiều cháu nhỏ ở lớp Một, lớp Hai đã chơi thành thạo nhạc cụ accordéon và violon. Sinh viên Triều Tiên không những học đại học không mất tiền mà còn được cấp học bổng. Riêng môn Triết học và Chính trị, tại các thư viện có phòng tư vấn và giải đáp cho sinh viên khi họ đến nghiên cứu, đọc sách về hai môn học này.

Cu Ba cũng là quốc gia có nền giáo dục không mất tiền. Chính phủ chủ trương miễn học phí cho mọi cấp học, giáo dục bắt buộc với lứa trẻ 6-15 tuổi (Học hết trung học cơ sở).

Ở cấp tiểu học, học sinh Cu Ba học những môn cơ bản, đồng thời được giáo dục tốt các môn nghệ thuật như ca hát, chơi nhạc cụ và đóng kịch.

Ở cấp trung học phổ thông, học sinh Cu Ba được tham gia nhiều giờ thực hành. Học hết cấp phổ thông, các em học dự bị đại học, sau đấy tự quyết định học đại học hay học kỹ thuật - nghề nghiệp.

Ngoài việc được miễn học phí, tất cả học sinh Cu Ba đều được hưởng bữa trưa không mất tiền. Bữa ăn với những món ăn đơn giản, song đủ năng lượng để các em học tập và chơi thể thao buổi chiều.

Cu Ba là quốc gia nổi tiếng về đào tạo cán bộ y khoa. Các chuyên gia y tế của Cu Ba được "xuất khẩu" ra nước ngoài đã mang về cho đất nước khoản thu nhập lớn hơn so với tiền thu lợi của ngành du lịch nước này. Hiện có đến 50.000 bác sĩ Cu Ba đang làm việc tại 67 quốc gia. Có khoảng 2500 học viên từ Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ la tinh đã đăng ký học 43 khóa học chuyên ngành do Bộ Y tế Cu Ba tổ chức.

Malaysia là quốc gia thực hiện chính sách miễn học phí giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Sách giáo khoa cũng được phát miễn phí cho học sinh phổ thông. Ngoài ra, gần đây Chính phủ Malaysia còn bãi bỏ lệ phí thi ở các kỳ thi chính. Đây là một cách trả lời thiết thực của Chính phủ Malaysia trước sự ca thán của dân chúng về giá cả leo thang trên thị trường.

Ở các nước trong khối OECD, nguồn thu cho giáo dục phổ thông là từ nhà nước, 10% còn lại do các gia đình đóng góp, trong đó có hình thức học phí.

Mỹ, hầu hết ở các bang không thu học phí từ mẫu giáo đến lớp 12, nếu có đóng phí học tập thì thường khi cho con vào lớp 1, phụ huynh đóng một lần là 35USD. Trong dịch COVID-19, người ta phát miễn phí cho học sinh một Chromebook (máy tính bảng) để các em học tập trực tuyến.

Hầu hết các nước ở Bắc Âu (Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển) miễn phí hoàn toàn ở bậc giáo dục phổ thông, còn ở Hàn Quốc, Italia... thì miễn học phí ở tiểu học và trung học cơ sở.

Hiến pháp Thái Lan ghi rõ, học sinh phổ thông được miễn phí 12 năm học. Tuy nhiên cơ hội đến trường của một số trẻ là rất ít, bởi những loại phí khác để đến trường, tuy rằng, những khoản này có thể thấp hơn tiền nhà nước hỗ trợ cho học sinh không phải đóng học phí.

Singapore chỉ miễn học phí ở cấp tiểu học. Học ở cấp Trung học cơ sở, trẻ em phải đóng học phí, song, học phí rất thấp (5USD/tháng).

Luật Giáo dục ở Singapore rất chặt chẽ và nghiêm khắc, gia đình nào không cho con đi học, bố hoặc mẹ có thể bị phạt nặng, cao nhất là 12 tháng tù.

7 quốc gia miễn hoàn toàn học phí bậc giáo dục đại học

Thụy Điển

Thực hiện chính sách miễn hoàn toàn học phí đại học cho người dân theo học cả đại học công lập và dân lập. Tại quốc gia này, tỷ lệ người trẻ học đại học là 68%. Mức trợ cấp của nhà nước cho mỗi sinh viên đại học là 20.864 USD.

Đan Mạch

Để sinh viên đại học được miễn học phí, nhà nước chi 0,6% GDP để hỗ trợ việc học. Mức hỗ trợ cho 1 sinh viên là 17.634 USD. Tỷ lệ thanh niên học đại học là 55%.

Phần Lan

Tỷ lệ số thanh niên học đại học là 69%. Nhà nước trợ cấp cho mỗi sinh viên là 15.402 USD. Ngoài khoản trợ cấp này, nhà nước còn cấp một khoản tiền để sinh viên làm sinh hoạt phí.

Ireland

51% thanh niên theo học đại học. Mức trợ cấp của nhà nước tính trên đầu mỗi sinh viên là 16.284 USD.

Iceland

Tỷ lệ thanh niên học đại học là 77%. Mức trợ cấp của nhà nước cho mỗi sinh viên là 10.429 USD.

Na Uy

Tỷ lệ thanh niên học đại học là 77%. Mức trợ cấp của nhà nước cho mỗi sinh viên là 18.942 USD.

Cộng hòa Czech

Tỷ lệ thanh niên học đại học là 59%, mức trợ cấp từ nhà nước cho mỗi sinh viên là 8.738 USD. Ngoài ra, sinh viên còn được cấp sinh hoạt phí.

Hiện nay, có một số quốc gia còn miễn học phí cho du học sinh đại học. Đó là các quốc gia sau:

Cộng hòa Liên bang Đức

Nước Đức có chính sách miễn học phí cho du học sinh đại học, kể cả sinh viên quốc tế ngoài khối EU. Họ chỉ phải chi trả một khoản tiền có tính danh nghĩa khi nhập học, khoảng 150-250 Euro (tương đương 160-170USD)

Phần Lan

Có 29 trường đại học ứng dụng và 20 trường đại học hàn lâm, đào tạo 400 chương trình quốc tế cho sinh viên du học hoàn toàn miễn phí.

Nauy

Nhà nước có chính sách miễn học phí cho du học sinh học đại học và sau đại học. Tuy nhiên, giá sinh hoạt ở quốc gia này khá cao, khoảng từ 1.000 đến 1.800 Euro/tháng, nên được miễn học phí mà một số sinh viên quốc tế không lựa chọn học ở Nauy.

Thụy Điển

Nhà nước thực hiện chính sách miễn học phí cho người học đại học. Còn nếu học để có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ, người học sẽ được nhà trường cấp sinh hoạt phí. Nhưng, những người không thuộc EU/EEA thì không được miễn trừ học phí.

Ba Lan

Không thu học phí đối với sinh viên người Châu Âu, còn với những sinh viên du học từ các quốc gia khác, họ phải đóng học phí nhưng mức chi rất thấp.

Bình luận của bạn

Bình luận