9 mong muốn của giáo viên năm học 2023-2024

Ly Hương
15:19 - 06/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bỏ mẫu giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH là một trong những mong mỏi của giáo viên bậc phổ thông đầu năm học 2023-2024.

Bước vào năm học 2023-2024, đội ngũ giáo viên bày tỏ mong muốn ngành giáo dục sẽ khắc phục những bất cập đã được thừa nhận trong năm học vừa qua, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên làm tốt vai trò của mình. Có thể tổng hợp lại những mong muốn của giáo viên chủ yếu ở những vấn đề như sau:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính cần nhanh chóng rà soát lại chính sách lương của giáo viên mầm non và phổ thông công lập. Mức lương hiện nay của nhà giáo được xem là quá thấp khiến họ phải trang trải cuộc sống bằng nhiều cách. Ngoài giờ lên lớp, họ phải làm thêm nhiều nghề "tay trái" để mưu sinh.

Mặc dù từ 1/7/2023, lương viên chức giáo viên tăng 20,8% nhưng cũng chỉ đủ bù giá cả lạm phát. Giáo viên mới ra trường nhận lương chưa đầy 5 triệu đồng mỗi tháng. Giáo viên có thâm niên giảng dạy hàng chục năm cũng chỉ nhận được khoảng 10 triệu đồng một tháng. Mức lương này được cho là chưa tương xứng với công sức lao động trí óc của thầy cô giáo bỏ ra.

năm học 2023-2024

Cần đảm bảo chế độ đãi ngộ cho giáo viên để giáo viên luôn tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết yêu nghề, yêu học trò.

2. Ngành giáo dục cần nhanh chóng hay đổi phương án dạy những môn "tích hợp" như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Bởi vì chưa có chương trình tích hợp, giáo viên tích hợp thì không thể đào tạo học sinh tích hợp. Sẽ có nhiều trường hợp giáo viên bỏ việc vì lòng tự trọng nghề nghiệp khi không thể dạy trái môn.

Càng kéo dài dạy tích hợp càng gây mệt mỏi cho cả thầy và trò và cuối cùng học sinh là những người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Hơn nữa, học sinh bậc trung học cơ sở học tích hợp lơ mơ thì lên trung học phổ thông các em khó lựa chọn môn học phù hợp theo tổ hợp môn.

3. Các tỉnh, thành cần xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên các cấp thay vì phải thi. Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp hiện nay có quá nhiều bất cập gây thiệt thòi cho giáo viên. Chẳng hạn, tỉnh thì tổ chức xét thăng hạng rất nhẹ nhàng nhưng cũng có tỉnh yêu cầu thi cử gây căng thẳng, áp lực cho giáo viên.

Đáng nói, giáo viên cùng làm một nhiệm vụ như nhau đó là giảng dạy và giáo dục học sinh nhưng chia họ làm ba hạng là không phù hợp với thực tiễn dạy học. Nhiều giáo viên sau khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì vẫn làm nhiệm vụ cũ nhưng hưởng mức lương cao hơn gây bức xúc cho đồng nghiệp.

4. Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các nhà trường khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Việc áp tỉ lệ học sinh lên lớp, kiểm tra lại, ở lại làm mất chủ động cho giáo viên, khiến họ rơi vào tình thế phải tuân theo khuôn mẫu, trong khi khuôn mẫu không hẳn đúng. Thêm nữa, áp các chỉ tiêu thi đua về học tập, phong trào… khiến giáo viên không thể chuyên tâm vào nghiên cứu bài vở, dạy học cho tốt.

Các nhà trường cần thực hiện nghiêm chỉnh Công văn 6122/BGDĐT-TĐKT về việc khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Trong đó có nội dung đáng chú ý: "Không tổ chức các hoạt động giáo dục trái quy định, gây áp lực cho người dạy, người học và cha mẹ học sinh; không lấy kết quả của các kỳ thi, các hoạt động giao lưu do địa phương tổ chức để đánh giá xếp loại thi đua, xét khen thưởng đối với các cá nhân, đơn vị."

5. Các cơ quan quản lí giáo dục và lãnh đạo ngành giáo dục không nên ép giáo viên soạn giáo án theo mẫu Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH. Khách quan mà nói, mẫu giáo án này có những ưu điểm nhất định nhưng nhược điểm là khuôn mẫu, dài dòng, giáo viên rất mất thời gian soạn bài.

Giáo viên mới ra trường dĩ nhiên cần soạn giáo án chi tiết, rõ ràng để giảng dạy hiệu quả và nâng cao tay nghề. Giáo viên có thâm niên có kinh nghiệm soạn giáo án với dấu ấn cá nhân riêng có hiệu quả nhất định. Chưa kể, mỗi địa phương, mỗi lớp, mỗi đối tượng học sinh đều có những đặc thù khác nhau nên không thể quy định một giáo án khuôn mẫu.

6. Cần số hóa hồ sơ sổ sách vì hiện tại giáo viên quá mất công cho hàng chục loại hồ sơ có liên quan. Trước hết, cần sử dụng sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử… sẽ làm giảm đáng kể các đầu việc với giáo viên trong việc quản lý, xếp loại học sinh.

Với phụ huynh, việc sử dụng các loại hồ sơ điện tử giúp họ dễ dàng hơn trong việc nắm bắt thông tin học tập của con em mình. Đối với học sinh, các em có thể tra cứu thông tin, điểm thi, điểm học tập, xem thời khóa biểu, lịch sử bài tập về nhà.

7. Cần giảm thiểu tối đa những cuộc họp vô bổ, liên miên, lê thê trong nhà trường. Mỗi tháng, giáo viên có hàng chục cuộc họp như: họp giáo viên chủ nhiệm, họp hội đồng, họp tổ chuyên môn, họp chi bộ, họp chi đoàn, họp công đoàn, họp thống nhất nội dung kiểm tra, họp chấm bài, họp bất thường… Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ có nhiều ý nghĩa trong việc giảm các cuộc họp triển khai công việc, giao ban, thông báo, thông tin. Cần phải nhận thức được rằng, giảm họp, nâng cao chất lượng họp là một trong các nội dung quan trọng của cải cách hành chính trong ngành giáo dục.

8. Các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét bãi bỏ những cuộc thi hình thức, tiềm ẩn nhiều gian dối như cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông (lớp 8 đến lớp 12). Cuộc thi này được nhiều giáo viên cho là không thực chất. Bởi vì rất nhiều đề tài, dự án dự thi vượt quá tầm hiểu biết, khả năng thực hiện của học sinh phổ thông, hoàn toàn xa lạ với cuộc sống, sự quan tâm hằng ngày của các em.

Nhiều nhà giáo, nhà khoa học, phụ huynh đã lên tiếng phản ứng về cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đã có nhiều ý kiến đề nghị xem xét bãi bỏ hoặc điều chỉnh cuộc thi để đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học.

9. Cán bộ quản lý không được can thiệp sâu vào việc giảng dạy của giáo viên. Một lãnh đạo ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trở ngại của đổi mới không phải giáo viên, mà chính là cán bộ quản lý. Bởi họ ít được tập huấn về đổi mới chương trình, không trực tiếp giảng dạy nhưng lại hay cản trở sự đổi mới.

Trong quá trình đổi mới, dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường cần giao nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên chủ động xử lý, lấy hiệu quả công việc làm hàng đầu. Lãnh đạo không gây áp lực cho thầy cô giáo trong quá trình làm việc mà cần không khí nhẹ nhàng, cởi mở, chia sẻ.