Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa: Lợi bất cập hại?

Đoàn Trang
21:54 - 09/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Những ý kiến trái chiều về việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa xuất hiện trên nhiều diễn đàn những ngày qua đã khiến dư luận hoang mang.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao, tại thời điểm này, khi việc thay sách đã đi gần hết chặng đường, lại đặt vấn đề làm một bộ sách "của Bộ"? Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì có trở lại tình trạng "độc quyền" trong sử dụng sách dù vẫn có nhiều bộ sách và đi ngược chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách"?

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa: Lợi bất cập hại? - Ảnh 1.

Theo lộ trình, hè năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định các bộ sách giáo khoa cuối cùng của lớp 5, 9, 12 để đến năm 2025 sẽ kết thúc việc thay sách giáo khoa theo chương trình mới. Hiện đang có 3 bộ sách giáo khoa, trong đó có 2 bộ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Các bộ sách này được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh, định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Như vậy, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa 13 về "Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học" cơ bản đã đạt được.

Vậy thì tại sao, thời điểm này lại đặt vấn đề: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa? Có 2 lý do chính được viện dẫn: Một là, Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa 13 ghi "Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn". Hai là, thực tế triển khai thay sách còn tồn tại một số hạn chế.

Vì sao vào thời điểm ban hành Nghị quyết 88, Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa và việc Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai biên soạn một bộ sách giáo khoa có phải là giải pháp để giải quyết những vấn đề còn tồn tại?

Trở lại thời điểm cách đây 9 năm, khi Nghị quyết 88 của Quốc hội ra đời, trước một chủ trương lớn, thay đổi hoàn toàn tư duy và cách làm sách giáo khoa: từ "một chương trình, một bộ sách" với sách giáo khoa được coi là "pháp lệnh" sang "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" với sách giáo khoa chỉ được coi là học liệu, khi xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thì cần phải tính đến tình huống có thể có môn học nào đó, đầu sách nào đó không được các tổ chức, cá nhân biên soạn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa: Lợi bất cập hại? - Ảnh 2.

Đó là lý do Nghị quyết 88 yêu cầu: "Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa". Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, tình huống đó không xảy ra.

Thực hiện xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội được coi là một cuộc cách mạng về làm sách giáo khoa. Nhờ xã hội hóa, nguồn lực xã hội đã được huy động để cho ra đời những cuốn sách chất lượng hơn, cả về nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu đa dạng của việc sử dụng sách giáo khoa trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước chưa đồng đều. Đặc biệt, việc nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn và xuất bản sách giáo khoa đã góp phần chống độc quyền trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, đã là một sự thay đổi mang tính cách mạng, việc triển khai nhiều bộ sách giáo khoa tất yếu sẽ có những hạn chế. Tại cuộc làm việc với Chính phủ mới đây của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận: có sự lúng túng trong việc triển khai kế hoạch giáo dục của các nhà trường dẫn tới một số bất hợp lý, nhất là trong việc triển khai các môn học mới, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá. Sách giáo khoa còn có những ngữ liệu, nội dung chưa phù hợp. Việc lựa chọn sách giáo khoa cũng còn có sự lúng túng, thiếu sót.

Đây là những vấn đề của khâu triển khai chứ không phải là của việc biên soạn. Nếu Bộ biên soạn một bộ sách, những tồn tại này chỉ được giải quyết khi cả nước chọn một bộ sách của Bộ với điều kiện bộ sách đó phải hoàn hảo. Và như vậy, phải chăng độc quyền biên soạn sách giáo khoa sẽ trở thành độc quyền sử dụng và đi ngược lại với tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"? Đó là chưa kể, không phải bây giờ, mà nhiều năm trước, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho biết, không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả viết sách giáo khoa do số lượng tác giả có đủ trình độ, kinh nghiệm không nhiều và hầu hết đã tham gia làm sách xã hội hóa.

Vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đã được nhiều lần bàn thảo tại Quốc hội và Nghị quyết số 122 ngày 19/6/2020 cũng đã thể hiện rõ quan điểm của Quốc hội: "Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó". Đến thời điểm này, chỉ có một môn Mỹ thuật lớp 11 là có một sách giáo khoa, còn tất cả môn học của các lớp đã được thẩm định đều có nhiều hơn một sách giáo khoa.

Vì vậy, cần xem xét, cân nhắc bỏ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa bởi việc làm này không cần thiết và "lợi bất cập hại".

Bình luận của bạn

Bình luận