Điểm lại 5 điều bất cập khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

Nguyễn Khanh
11:17 - 18/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong 5 lần cải cách, thay đổi chương trình và sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, có lẽ chương trình giáo dục phổ thông 2018 là đang có rối rắm nhiều nhất, khiến cho giáo viên cơ sở mệt mỏi nhất.

Từ sau năm 1945 cho đến nay, giáo dục Việt Nam đã có 5 lần cải cách, thay đổi chương trình, sách giáo khoa. Đó là: cải cách giáo dục năm 1950; cải cách giáo dục năm 1956; cải cách giáo dục năm 1979; đổi mới chương trình, sách giáo khoa năm 2000; đổi mới sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mặc dù chương trình, sách giáo khoa năm 2018 hướng tới mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. 

Thế nhưng, giữa mục tiêu, kế hoạch và thực hiện đại trà đang rất xa nhau.

Điểm lại 5 điều bất cập khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Ảnh 2.

Thế hệ trẻ cần một chương trình giáo dục tổng thể hoàn thiện, tiên tiến. Ảnh: Mạnh Chiến

5 điều bất cập khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện cuốn chiếu. Năm học 2020-2021 triển khai ở lớp 1; năm học 2021-2022 triển khai ở lớp 2, lớp 6; năm học 2022-2023 triển khai ở lớp 3, lớp 7, lớp 10. Năm học 2023-2024 triển khai ở lớp 4, lớp 8, lớp 11; năm học 2024-2025 triển khai ở lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Mặc dù chuẩn bị bước vào năm thứ tư triển khai giảng dạy chương trình mới ở tiểu học, năm thứ 3 ở cấp trung học cơ sở và năm thứ 2 ở cấp trung học phổ thông nhưng vẫn còn quá nhiều những bất cập.

Thứ nhất: theo Nghị quyết 88/NQ-QH của Quốc hội thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa từ lớp 1-12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Thế nhưng, đến khi triển khai giảng dạy ở các nhà trường thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không thực hiện được bộ sách giáo khoa cho riêng mình như Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.

Thứ hai: năm học 2020-2021, Bộ triển khai thực hiện chương trình 2018 ở lớp 1 với 5 bộ sách giáo khoa. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 4 bộ sách, gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam biên soạn bộ sách Cánh Diều.

Tuy nhiên, bước sang năm thứ 2 thực hiện chương trình mới thì bộ sách giáo khoa Cùng học để phát triển năng lực và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục biến mất một cách bí ẩn, khó hiểu. Vì thế, nhiều trường học đã chọn 2 bộ sách: Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục phải bỏ đi những bộ sách này và chọn lại sách giáo khoa khác sau 1 năm giảng dạy và học tập. Tất nhiên, việc lãng phí về tiền bạc, công sức nhiều thầy cô dưới cơ sở đầu tư cho giáo án là điều ai cũng nhìn thấy.

Thứ ba: thời điểm những năm đầu tiên Bộ giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình mới cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 xuất hiện phức tạp ở tất cả các địa phương. Giáo viên phải tập huấn trực tuyến với các nhà xuất bản. Khó khăn chồng chất như vậy nhưng cũng thời điểm này, Bộ ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập khiến cho tâm lý nhiều giáo viên hoang mang.

Nhiều thầy cô lo sợ phải xuống hạng nên phải đăng ký học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp (kể cả online), học nâng chuẩn trình độ theo Luật giáo dục 2019. Nhiều thầy cô được điều động đi học chứng chỉ tích hợp. Trong khi, kể từ 1/7/2019 đến 1/7/2023 lương cơ sở đứng yên không tăng nhưng nhiều thầy cô đã phải cắn răng tham gia đi học nâng chuẩn; học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp; học chứng chỉ tích hợp…

Sinh viên học sư phạm khi đã tốt nghiệp ra trường và họ được tuyển dụng đứng lớp cũng đồng nghĩa là họ đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của người thầy. Thế mà, nhiều người cứ liên tục phải đi học theo yêu cầu của ngành và nhiều khi học lại những nội dung mà họ đã học ở trường sư phạm, hoặc nội dung đã tập huấn để được cấp chứng chỉ.

Thứ tư: khi chương trình tổng thể còn trong quá trình dự thảo, rất nhiều ý kiến đóng góp về môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông bị đưa sang môn học lựa chọn là chưa phù hợp nhưng chương trình vẫn được thông qua. Đến khi các nhà xuất bản phát hành sách giáo khoa lớp 10 (chương trình giáo dục phổ thông 2018) và các trường trung học phổ thông lên kế hoạch tuyển sinh 10 nhằm chuẩn bị cho năm học 2022-2023 thì dư luận xã hội mới đồng loạt lên tiếng gay gắt về chuyện môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông. Khi dư luận xã hội lên tiếng mạnh mẽ, các cơ quan chức năng vào cuộc, môn Lịch sử đã trở thành môn học vừa bắt buộc, vừa lựa chọn.

Các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở được nói đến nhiều nhất kể từ năm 2017 - thời điểm Bộ chính thức ban hành chương tổng thể cho đến nay nhưng Bộ vẫn kiên định tích hợp. Bây giờ, khi mà chuẩn bị dạy năm thứ 3 của cấp học này thì Bộ lên tiếng sẽ điều chỉnh trong thời gian sớm nhất.

Thứ năm: đồng thời với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì các nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên phải thực hiện các Kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512. Sự thay đổi hình thức đang khiến cho giáo viên áp lực vô cùng. Giáo án đổi thành Thiết kế bài dạy rồi Kế hoạch bài. Chỉ những việc hồ sơ sổ sách vậy cũng đã làm giáo viên mệt mỏi.

Chỉ còn 2 năm học nữa là chương trình giáo dục phổ thông 2018 cuốn chiếu xong. Tuy nhiên, nhìn lại những năm đầu tiên triển khai cho thấy còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn, áp lực của đội ngũ giáo viên trong những năm vừa qua là rất lớn.