6 biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học

17:19 - 20/07/2024
Công dân & Khuyến học trên

Hà Nội vừa yêu cầu các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học nhằm chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 11/7/2024 về chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trong và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố có tổ chức bếp ăn tập thể và căng tin; Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; Các cơ sở kinh doanh tạp hóa; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, thực phẩm cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; Chính quyền các cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Nhà trường, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh; chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các cơ sở cung cấp suất ăn cho bếp ăn tập thể, căng tin trường học và các cơ sở cung cấp nguyên liệu chế biến thực phẩm.
6 biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học- Ảnh 1.

Hà Nội đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học. Ảnh minh họa

Kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học; Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học nhằm đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh.

6 biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học

1. Thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm, đặc biệt với các đối tượng ưu tiên, đối với từng nhóm đối tượng sẽ có nội dung thông tin, tuyên truyền khác nhau. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng hiểu đúng, thực hiện đúng Luật An toàn thực phẩm, các văn bản quản lý về an toàn thực phẩm. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm góp phần vào giảm thiểu ngộ độc thực phẩm; các hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học.

2. Cung cấp đường dây nóng phản ánh sự cố an toàn thực phẩm, mất an ninh an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học. Các quận, huyện, thị xã công khai đường dây nóng phản ánh các sự cố về an toàn thực phẩm, mất an ninh an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

3. Thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn thực phẩm: Công tác quản lý an toàn thực phẩm các cơ sở giáo dục; Tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, khám sức khỏe cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, căng tin, cơ sở chế biến suất ăn sẵn trong cơ sở giáo dục.

4. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm từ cấp Thành phố đến cấp quận, huyện, thị xã định kỳ hoặc đột xuất.

5. Xử lý các cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vi phạm, công khai tên cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

6. Thực hiện các biện phạm phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm: 100% các vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm được điều tra xử lý kịp thời, không để tử vong do ngộ độc thực phẩm. Truy xuất nguồn gốc gây ra ngộ độc thực phẩm, thực hiện ghi chép sổ theo dõi thống kê ngộ độc thực phẩm; lấy mẫu thức ăn, thực phẩm nguy cơ ô nhiễm gửi xét nghiệm khi cần thiết, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm của các thực phẩm nghi ngờ.

6 biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học- Ảnh 2.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố tăng cường theo dõi đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học. Ảnh minh họa

Nghiêm cấm không để các cơ sở cung cấp thực phẩm không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm đưa vào trường học

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm Thành phố, hướng dẫn thực hiện các quy định an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể, căng tin trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học. Cung cấp các thông tin, phối hợp xây dựng nội dung truyền thông về an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học. Phối hợp với các sở ngành liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã kiểm tra định kỳ, đột xuất các bếp ăn tập thể, căng tin trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xung quanh cổng trường học.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục bố trí các giờ giảng phù hợp, tổ chức sinh hoạt dưới cờ, giờ sinh hoạt của lớp, tổ chức hoạt ngoại khóa lồng ghép về an toàn thực phẩm trong và ngoài trường học, trình chiếu các clip phim phóng sự ngắn, giới thiệu các hình ảnh trực quan về an toàn thực phẩm phù hợp với từng nhóm tuổi của học sinh. 

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc thực hiện kế hoạch “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học và xung quanh cổng trường học”, giám sát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định. 

Nghiêm cấm không để các cơ sở cung cấp thực phẩm không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm đưa vào trường học. Giám sát an toàn thực phẩm kết hợp bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho học sinh. Phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia đoàn kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục. 

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố tăng cường theo dõi đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học. Hướng dẫn nhà trường phối hợp với các cơ quan chức năng, hội phụ huynh học sinh giám sát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm tặng miễn phí hoặc chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán, hỗ trợ nhân đạo mà các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực trường học.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học. Điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học trên địa bàn quản lý. 

Đánh giá kiến thức, thực hành của người lãnh đạo quản lý, người tham gia chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể, căng tin trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, điều kiện an toàn thực phẩm xung quanh cổng trường học. Chỉ đạo cung cấp đầy đủ thông tin danh sách các cơ sở kinh doanh cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm, cung cấp suất ăn sẵn đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Lồng ghép, phối hợp với các chuyên đề, các mô hình điểm về an toàn thực phẩm; Phòng ngừa ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn quản lý. Có phương án xử lý, nghiêm cấm các điểm bán hàng trên vỉa hè, lòng lề đường, hàng rong trước cổng trường đảm bảo trật tự công cộng, mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học được thực hiện nghiêm túc thường xuyên, liên tục. Định kỳ đánh giá, có các hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, thực hiện theo phân công, phân cấp quản lý.

Trước đó, vào trung tuần tháng 4/2024, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trở thành đơn vị đầu tiên trên toàn quốc triển khai mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh trường học”, mô hình được triển khai tại phường Tràng Tiền, phường Hàng Trống, đối tượng áp dụng mô hình nêu trên là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học, gồm: Nhà hàng, cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thức ăn chín, hàng rong…

Mục tiêu của mô hình trên là tăng cường công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của học sinh và cha mẹ học sinh đối với an toàn thực phẩm thông qua việc lựa chọn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đủ điều kiện an toàn.


Bình luận của bạn

Bình luận