Y học đã biết những gì về virus Marburg?

Bác sĩ Văn Bình
06:00 - 26/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cộng hòa Guinea Xích đạo thông báo, ngày 7.02, một số người phát bệnh sốt xuất huyết sau khi dự tang lễ ở quận Nsok Nsomo, tỉnh Kie Ntem và có 8 người tử vong!

Những người dự lễ tang về bị sốt, mệt mỏi, nôn ra máu, tiêu chảy. Có 8 người ở hai làng liền kề tử vong sau vài ngày xuất hiện triệu chứng, còn lại 16 người đều có biểu hiện tương tự, họ bị nghi ngờ nhiễm virus Marburg. Có nguồn tin nói rằng những người nhiễm bệnh có cả nhân viên y tế. Tỉnh Kie Ntem áp lệnh hạn chế đi lại và nước láng giềng Cameroon cũng hạn chế di chuyển dọc biên giới vì lo ngại lây lan. Tỉnh Kie-Ntem hiện cách ly khoảng 4.000 người tại nhà. Nếu đúng là những ca bệnh do virus Marburg thì đây là lần đầu tiên Guinea Xích đạo xuất hiện bệnh này. 

Giáo sư Jimmy Whitworth, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, trường Y học nhiệt đới và vệ sinh London, Anh, nói: "Marburg luôn nghiêm trọng và chúng tôi rất lo ngại". Guinea Xích đạo đã gửi mẫu đến hai nước láng giềng Gabon và Senegal để xét nghiệm. Bộ trưởng y tế Guinea Xích đạo, Ayekaba nói với Reuter: "Chúng tôi đang cố gắng xác định nhanh chóng để biết các bệnh nhân có nhiễm virus Lassa hoặc Ebola hay không". Tổ chức Y tế thế giới cũng giúp Guinea Xích đạo xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm để xác định mầm bệnh, giám sát dịch tễ học và nói rằng sẽ kết quả trong thời gian tới.

Ngày 13.02, Robert Mathurin Bidjang, nhân viên y tế công cộng khu vực Olamze, một địa danh của Cameroon nằm giáp biên giới với Guinea Xích đạo thông báo có hai người nghi nhiễm virus Marburg, một nam, một nữ, đều 16 tuổi, chưa từng đến khu vực có người bệnh ở Guinea Xích đạo; 42 người tiếp xúc với 2 người này đã được cách ly.

Marburg là loại virus gì?

Virus Marburg thuộc họ Filoviridae, bản chất di truyền ARN sợi đơn, chỉ có một loài duy nhất gồm 6 phụ loài, gây bệnh sốt xuất huyết. Từ những dịch sốt xuất huyết nhỏ ở các thành phố Marburg, Frankfurt, Behringwerke, Hoechst thuộc Đức và thủ đô Belgrade của Nam Tư cũ (nay là Serbi), virus được phát hiện, phân lập năm 1967 ở loài khỉ xanh Châu Phi (Cercopithecus lomamiensis, dân những vùng có loài khỉ này gọi là Lesula, mặt ít lông, mũi dài, mông màu xanh sáng, nhút nhát…) và đặt tên Marburg (nơi phát hiện đầu tiên). 

Y học đã biết những gì về virus Marburg? - Ảnh 1.

Khỉ Lesula có mũi dài, lông màu xanh sáng.

Nhiễm bệnh là những người tiếp xúc với khỉ xanh nhập khẩu từ Uganda hoặc nghiên cứu mô của chúng, nhân viên y tế và người nhà chăm sóc họ, với 31 ca bệnh, 7 tử vong. Sau đó một số ca bệnh được phát hiện ở Uganda, Nam Phi, Kenia, Cộng hòa Congo... với những ổ dịch nhỏ; năm 2000 phát hiện virus này ở công ty dược phẩm sinh học Behring (thành lập năm 2000, trụ sở ở Pennsylvania, Mỹ); năm 2004, có một số ca bệnh ở những người nghiên cứu virus trong phòng thí nghiệm ở Nga, Mỹ… 

Virus Marburg gây bệnh sốt xuất huyết ở người và động vật linh trưởng, được xếp vào nhóm nguy hiểm số 4 - loại mầm bệnh nguy hiểm nhất. Theo thống kê của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, 55 năm từ 1967 - 2022, có 25 lần dịch virus Marburg, nhưng không bùng phát lớn mà là dịch nhỏ, tản phát. Trong đó, có 4 dịch với số ca bệnh gần 100; 2 đợt lớn ở Cộng hòa dân chủ Congo năm 1998 - 2000 với 154 ca bệnh và 252 ca bệnh ở Angola năm 2004 - 2005. Năm 2004, sốt xuất huyết do Marburg bùng phát ở tỉnh Uige (bắc Angola, giáp với Cộng hòa dân chủ Congo), lan ra 7/18 tỉnh của Angola với 252 ca bệnh, 174 tử vong (hơn 69%). Các nước láng giềng Namibia, Cộng hòa Congo, Cộng hòa dân chủ Congo và Zambia phát lệnh báo động. Theo Cơ quan phòng chống bệnh tật Mỹ, bệnh do Marburg gây ra tử vong 23 - 90% (trung bình 50%). Hiện chưa có vaccine và thuốc chữa khỏi bệnh chết người này!

Nói đến Marburg không thể không nói về Ebola - một loại virus cùng họ Filoviridae, gần như là "song sinh cùng trứng", gây các triệu chứng trong đó có xuất huyết giống Marburg nhưng trầm trọng hơn và có đường lây truyền người - người giống nhau. Từ 30.6.1976, người thủ kho nhà máy bông ở Nazra, Nam Sudan (sau này sát nhập với Sudan) mắc bệnh lạ và tử vong ngày 6.7.1976. Nam Sudan có 284 người mắc bệnh này với 151 tử vong. Ngày 26.8.1976, ở Yambuku, ngôi làng nhỏ thuộc quận Mongala, bắc Zaire (nay là Cộng hòa dân chủ Congo) bùng phát bệnh này. Người đầu tiên là Mabalo Lokela, 44 tuổi, Hiệu trưởng trường làng, sau khi du lịch sông Ebola (sông nhỏ ở bắc Zaire - một đầu nguồn của sông Mongala, chi lưu của sông Congo). Người ta cho rằng anh mắc bệnh sốt rét nên cho uống thuốc Quinin và Lokela ra đi ngày 8.9.

Bác sĩ Peter Piot, 27 tuổi, người Bỉ, làm việc trong phòng thí nghiệm vi sinh y học, Viện Y học nhiệt đới ở Antwerp, Bỉ, đã nghiên cứu những bệnh phẩm do một bác sĩ người Bỉ làm việc ở Zaire gửi về tháng 9.1976. Quan sát dưới kính hiển vi điện tử, nhóm nghiên cứu phát hiện những cấu trúc hình sợi giống như virus Marburg, nhưng kích thước "khổng lồ" so với các loại virus thông thường. Tham khảo chuyên gia quốc tế, Peter Piot cho rằng thực thể này không phải Marburg, chưa từng được biết. Hai tuần sau ông đến Bumba, một cảng sông ở thượng nguồn bắc sông Congo… và lịch sử ghi tên ông - người phát hiện virus Ebola.

Bác sĩ Ngoy Mushola, người Zaire mô tả: "Căn bệnh đặc trưng với sốt cao khoảng 39°C, nôn mửa, tiêu chảy ra máu, các khớp cảm thấy nặng nề và tử vong trung bình sau ba ngày". Năm 1976, có 318 ca bệnh, 280 tử vong (hơn 88%) ở Zaire. Cả Nam Sudan và Zaire có 559 ca bệnh, 470 tử vong… Sau này xác định dịch ở Nam Sudan và Zaire năm 1976 do hai loại Ebolavirus khác nhau gây ra. Đến năm 2012, khẳng định Ebola có 5 loài, đặt tên theo địa danh phát hiện: Ebola Sudan; Ebola Zaire (gây nhiều ca bệnh nhất); Ebola Bundibugyo; Ebola rừng Tai (Ebola Bờ Biển Ngà; Ebola Côte d'Ivoire); và Ebola Reston (phân lập năm 1989 từ loài khỉ Cynomolgi của Philippines nhập khẩu vào Mỹ, châu Âu và năm 1992, cũng từ khỉ này nhập khẩu vào Siena, Italia), nhưng chưa có tư liệu minh chứng gây bệnh ở người. Hiện chưa phát hiện loài mới.

Ebola đã gây nhiều dịch nhỏ, nhưng đôi khi là dịch khá lớn

Năm 1995, dịch Ebola thứ hai xảy ra ở Zaire, có 315 ca bệnh, 254 tử vong. Năm 2000, có 425 ca bệnh ở Uganda, 224 tử vong, Ebola Sudan là thủ phạm. Năm 2003, Cộng hòa dân chủ Congo có 143 ca bệnh, 128 tử vong (gần 90%, cao nhất trong một vụ dịch Ebolavirus cho đến nay). Năm 2004, một nhà khoa học Nga chết vì kim tiêm nhiễm Ebola chọc vào người. Năm 2007, Cộng hòa Congo có 264 ca bệnh, 187 tử vong. Năm 2007, xảy dịch Ebola ở quận Bundibugyo, miền tây Uganda, với 149 ca bệnh và 37 tử vong. 

Phòng thí nghiệm tham chiếu quốc gia Mỹ và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, Tổ chức y tế thế giới xác nhận gây bệnh là một loài Ebolavirus mới, đặt tên là Ebola Bundibugyo. Năm 2012, Uganda có hai ổ dịch nhỏ với 31 ca bệnh, 24 tử vong, nhưng do Ebola Sudan gây ra. Cùng năm, loài Ebola Bundibugyo gây dịch nhỏ ở miền đông Cộng hòa Congo, với 57 ca bệnh, 29 tử vong, nguyên nhân được cho là do thịt thú hoang nhiễm virus mà dân quanh thị trấn Isiro và Viadana săn được? Năm 2014, dịch lại xảy ra ở Cộng hòa Congo, với 66 ca bệnh, 49 tử vong, giải trình tự gene xác định loài Ebola Zaire gây bệnh.

Tháng 3.2014, phát dịch Ebola lớn ở Tây Phi, khởi nguồn từ Guinea, nhanh chóng lan sang láng giềng Liberia và Sierra Leone… Đến cuối vụ dịch có 28.616 ca bệnh, 11.310 tử vong (hơn 39,5%). Đến ngày 8.5.2016, có 28.646 ca bệnh, 11.323 tử vong. Tổ chức Y tế thế giới cho rằng con số này không đầy đủ…! Từ khi phát hiện Ebolavirus, chỉ xuất hiện các ổ dịch nhỏ, tản phát, nhưng đợt dịch này Tổ chức Y tế thế giới phải thông cáo toàn cầu: "Bệnh dịch Ebola tàn phá các vùng thuộc Tây Phi được xem là tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng nghiêm trọng nhất trong thời hiện đại".

Tháng 9.2014, Eric Duncan từ quê nhà Liberia về Texas, Mỹ. Anh xuất hiện các triệu chứng bệnh Ebola sau 5 ngày, bệnh viện khám nhưng cho thuốc về nhà. Tình trạng trở nên tồi tệ nên anh trở lại viện và qua đời ngày 8.10. Đây là ca bệnh Ebola đầu tiên ở Mỹ. Ngày 12.10, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ xác nhận y tá Nina Pham ở Texas, người chăm sóc Duncan dương tính với Ebola… Ngày 15.10, y tá thứ hai chăm sóc sức khỏe cho Duncan dương tính với Ebola… Tháng 10.2014, Teresa Romero, y tá người Tây Ban Nha mắc Ebola sau khi chăm sóc một linh mục từ Tây Phi hồi hương; một bác sĩ Mỹ từ Guinea trở về New York, dương tính với Ebola. Tháng 12.2014, Pauline Cafferkey, y tá người Anh từ Sierra Leone về Glasgow, Anh, được chẩn đoán mắc bệnh Ebola. Sau khi điều trị ban đầu ở Glasgow, cô phải chuyển đến đơn vị cách ly cấp cao ở bệnh viện Royal Free, London để điều trị dài hơn.

Tháng 5.2017, Cộng hòa dân chủ Congo có 8 ca bệnh Ebola, 4 người chết. Tháng 5.2018, tỉnh Equateur, Cộng hòa dân chủ Congo có 39 ca nhiễm Ebola, 19 tử vong; khoảng 393 người phải theo dõi. Tháng 8.2018, Cộng hòa dân chủ Congo có ổ dịch Ebola ở tỉnh Bắc Kivu - một trong những khu vực xung đột quân sự, với gần 200 người chết vì Ebola. Tháng 3.2019, nơi đây bùng phát dịch Ebola lớn thứ hai với hơn 1.000 ca bệnh và đến ngày 4.6.2019 có 2.025 ca bệnh, với 1.357 tử vong. Tháng 6.2019, láng giềng Uganda của Cộng hòa dân chủ Congo có 2 người chết vì Ebola. Tháng 6 - 11.2020, ở Mbandaka, tỉnh Équateur có 130 ca bệnh, 55 tử vong. Tháng 6.2020, Cộng hòa Congo có 6 ca bệnh, 4 tử vong. Tháng 2.2021, Guinea xác nhận 3 người chết vì Ebola ở khu vực đông nam thành phố Nzérékoré, 5 người khác dương tính với Ebola; đến tháng 5, có 23 ca bệnh nhưng không thêm tử vong. Từ tháng 2 - 5.2021, Cộng hòa Congo có 12 ca bệnh, 6 tử vong… 

Nghĩa là Ebola hoành hành gần như khắp châu Phi!

Y học đã biết những gì về virus Marburg? - Ảnh 2.

Nhà vi trùng học Peter Piot.

Đường truyền bệnh chưa rõ ràng

Virus Ebola được phát hiện ở loài dơi ăn quả châu Phi (Rousettus aegyptiacus), tuy nhiên nó không gây bệnh cho dơi. Nhưng vật trung gian (vector) truyền bệnh cho người hiện chưa rõ ràng. Chỉ ghi nhận rằng nhiều ổ dịch trước đây bắt đầu từ những công nhân làm việc trong các mỏ có dơi trú ngụ, sau đó các ca bệnh xuất hiện trong gia đình họ, cộng đồng, hoặc nhân viên y tế. Mắc bệnh Marburg có liên quan đến cả dơi ăn quả và khỉ, hoặc động vật hoang dã… Giữa người với người, Ebola và Marburg rất dễ lây qua da, niêm mạc, màng nhày, nếu tiếp xúc với dịch, chất thải của người nhiễm bệnh (máu, nước bọt, mồ hôi, sữa mẹ, tinh dịch, chất nôn, nước tiểu, phân), những vật mang virus (ga trải giường, vật dụng…) và tiếp xúc với người chết vì hai bệnh này; hoặc hiếm hơn từ động vật linh trưởng. Ở một số người sống sót, Ebola có thể tồn tại ở mắt, não, tinh hoàn. Ebola tồn tại đến một năm hoặc lâu hơn trong tinh dịch của 63% nam giới khỏi bệnh. Cá biệt, một nam giới truyền virus cho bạn tình sau hơn 500 ngày hết các triệu chứng nhiễm trùng. Tuy nhiên, các xét nghiệm nhân bội ADN (kỹ thuật phản ững chuỗi polymerase - PCR) không thể xác định được liệu Ebola tồn tại trong cơ thể sau khi khỏi bệnh có khả năng lây bệnh hay không? Marburg được xác nhận lây truyền qua tinh dịch của người bệnh đến 7 tuần sau khi phục hồi lâm sàng.

Ebola và Marburg đều gây xuất huyết dưới da và nội tạng, suy đa tạng, tổn thương mao mạch gây rối loạn áp xuất thẩm thấu (cân bằng tự động nước, điện giải ở 3 khu vực: tế bào, khe gian bào và lòng mạch) với tỷ lệ tử vong tương đương nhau.

Trong một dịch nhỏ xảy ra ở làng khai thác vàng Dursa và thị trấn huyện Watsa ở Cộng hòa dân chủ Congo năm 1998 - 1999, có 3 người mang thai nhiễm Marburg, cả 3 đều tử vong. Từ 1976 - 2014, có 109 thai phụ ở Tây Phi nhiễm Marburg hoặc Ebola, đều sảy thai hoặc chết lưu, tử vong khi sinh gần 100%, mặc dù các bà mẹ có thể sống sót.

Cuối năm 2919, Mỹ và châu Âu phê chuẩn 2 loại vaccine một mũi và 2 mũi chống Ebola, nhưng với Marburg vẫn chưa có vaccine. Mặt khác thuốc điều trị virus vẫn đang là vấn đề khó khăn và 2 loại virus nguy hiểm này cũng không ngoại lệ.

Hiện châu Á và châu Đại dương chưa xuất hiện Ebola và Marburg, nhưng không thể không đề phòng.