Tranh cãi dữ dội quanh việc tạo phiên bản lai của virus Corona gây đại dịch COVID-19

Tường Linh
06:00 - 21/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sản phẩm lai được tạo thành từ một protein gai của biến thể Omicron gắn với virus gốc ban đầu đã gây ra dịch COVID-19.

Tranh cãi dữ dội quanh việc tạo phiên bản lai của virus Corona gây đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nghiên cứu của Đại học Boston cho thấy protein gai đột biến của chủng Omicron giúp virus SARS-CoV-2

né tránh hệ miễn dịch tốt hơn.

Các nhà khoa học ở Đại học Boston, Mỹ, vừa tạo ra một phiên bản lai của virus corona gây đại dịch COVID-19. Ngay lập tức thí nghiệm này đã gây nhiều tranh cãi, với nhiều tờ báo Mỹ cho rằng các nhà khoa học đang làm cho virus trở nên chết chóc hơn, dù phía trường Boston nói cáo buộc như vậy là "sai và không chính xác".

Loại virus mới được tạo ra bằng cách gắn protein gai từ phiên bản Omicron vào virus SARS-CoV-2 gốc. Kết quả là virus lai đã giết 80% số chuột thí nghiệm được cho lây nhiễm chúng.

Trong khi đó virus SARS-CoV-2 chủng Omicron (chính là loại được dùng để trích xuất protein gai) lại không khiến bất kỳ con chuột bị nhiễm bệnh nào thiệt mạng.

Nhưng dù rất chết chóc, virus lai vẫn ít nguy hiểm hơn virus SARS-CoV-2 gốc biến thể Vũ Hán, vốn đã giết 100% số chuột thí nghiệm.

Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm về các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện trong nước (NEIDL) của Đại học Boston đã tạo ra virus lai kể trên nhằm nghiên cứu cách thức các phiên bản Omicron khác nhau đã né tránh hệ miễn dịch của con người.

Biến thể Omicron xuất hiện lần đầu vào năm 2021, dù vượt qua được hàng rào bảo vệ mà cơ thể xây dựng để tránh các biến thể ban đầu, lại gây các triệu chứng bệnh nhẹ hơn rất nhiều.

Sau khi cho những con chuột tiếp xúc với virus lai hoặc virus mang biến thể BA.1 của Omicron, các nhà khoa học thấy rằng protein gai đã biến đổi của Omicron cho phép virus né tránh hệ miễn dịch của con người.

Nhưng protein gai này không chịu trách nhiệm trong việc khiến Omicron trở thành một biến thể gây bệnh nhẹ hơn. Các nhà khoa học đã công bố phát hiện của họ vào ngày 14/10 trên kho dữ liệu khoa học bioRxiv.

"Kết quả nghiên cứu phù hợp với các nghiên cứu được công bố trước đó bởi những người khác. Công trình của chúng tôi cho thấy không phải protein gai đã thay đổi đặc tính gây bệnh của Omicron, mà là các protein khác. Việc xác định các protein này sẽ giúp việc chẩn đoán và quản lý bệnh tốt hơn", tác giả chính Mohsan Saeed cho biết.

Mặc dù nghiên cứu được tiến hành đúng quy trình trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 và được phê duyệt bởi Ủy ban Đánh giá an toàn sinh học nội bộ cùng Ủy ban Y tế Công cộng của Boston, tranh cãi vẫn nổ ra. Nguyên nhân do các nhà khoa học chưa được Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ( NIAID) phê duyệt kế hoạch. NIAID cũng là một trong các bên cấp vốn cho nghiên cứu.

Đại học Boston đã chống lại các tin tức tiêu cực xuất hiện trên truyền thông về nghiên cứu, đáng chú ý nhất là một bài báo do tờ Daily Mail của Anh đăng tải, tuyên bố rằng nghiên cứu đã tạo ra một biến thể virus corona nguy hiểm hơn.

"Chúng tôi muốn giải vấn đề các bài viết sai và không chính xác về nghiên cứu COVID-19 của Đại học Boston đã xuất hiện trên Daily Mail"" Đại học Boston cho biết trong một tuyên bố. "Đầu tiên, nghiên cứu này không tăng cường virus SARS-CoV-2 ở bang Washington hoặc làm cho nó nguy hiểm hơn. Trên thực tế, nghiên cứu này khiến phiên bản virus lai trở nên ít nguy hiểm hơn" (Định nghĩa "virus SARS-CoV-2 ở bang Washington" đề cập đến một mẫu virus corona gốc chủng Vũ Hán, được phát hiện ở Washington trong thời kỳ đầu của đại dịch).

Ronald B. Corley, giám đốc NEIDL, cho biết trong một tuyên bố rằng bài viết của Daily Mail mang tính "giật gân " và xuyên tạc "toàn bộ mục tiêu của nghiên cứu".