Gia tăng các ca bệnh do virus Adeno ở trẻ em: Virus Adeno là gì và cách phòng bệnh?

Quỳnh Giang
00:23 - 16/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Riêng từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh nhiễm virus Adeno tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng đột biến. Bệnh do virus Adeno là một bệnh lý cấp tính với hội chứng lâm sàng đa dạng, thường biểu hiện ở đường hô hấp trên.

Gia tăng các ca bệnh do virus Adeno ở trẻ em: Virus Adeno là gì và cách phòng bệnh - Ảnh 1.

Virus Adeno có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Ảnh: Getty Images

Số ca bệnh do virus Adeno tăng đột biến

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 12/9, tổng số ca nhiễm virus Adeno được ghi nhận tại bệnh viện này là 412 ca, nhiều hơn cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó có 6 ca bệnh tử vong. Riêng từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh nhiễm virus Adeno tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng đột biến.

Cụ thể, chỉ tính riêng từ ngày 5/9 đến 11/9, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với virus Adeno, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó.

Virus Adeno là gì?

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Bệnh do virus Adeno là một bệnh lý cấp tính với hội chứng lâm sàng đa dạng, thường biểu hiện ở đường hô hấp trên. Trường hợp đặc biệt, virus gây bệnh ở đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản nhỏ và viêm phổi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Virus Adeno có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể.

Các tổn thương thường gặp nhất do mắc virus Adeno là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hoá (tiêu chảy, nôn, buồn nôn…), viêm bàng quang, viêm màng não…

Ở Việt Nam, bệnh do virus Adeno lưu hành rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Bệnh thường xảy ra tản phát trong suốt năm, có năm xảy ra dịch và tần số mắc bệnh thường tập trung vào những tháng xuân - hè nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus khác vào mùa xuân hoặc với bệnh sốt xuất huyết Dengue vào đầu mùa hè khi bệnh không có thể viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) nổi trội.

Số ca mắc virus Adeno trung bình năm của thời kỳ 1996-2000 ở Việt Nam là 17.486 ca với tỷ lệ 23/100.000 dân, không có tử vong. Trong số đó, miền Bắc mắc 15.945 ca với tỷ lệ 47,3/100.000 dân; miền Trung mắc 438 ca với tỷ lệ 4/100.000 dân; miền Nam mắc 932 ca với tỷ lệ 3,4/100.000 dân và Tây Nguyên mắc 170 ca với tỷ lệ 6,1/100.000 dân.

Những năm xảy ra dịch lớn do virus Adeno như năm 1994 với tỷ lệ mắc là 70,5/100.000 dân; năm 1996 với tỷ lệ 35,9/100.000 dân và năm 1999 với tỷ lệ mắc là 30,7/100.000 dân.

(Nguồn: Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế)

Đường lây truyền của virus Adeno

Virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người.

Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội, hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh.

Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.

Virus Adeno có thể gây bệnh ở tất cả mọi lứa tuổi

Virus Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trong đó, các đối tượng như trẻ em, nhất là trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… bị suy giảm miễn dịch thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do sức đề kháng kém.

Virus Adeno có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ, như hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.

Biểu hiện của trẻ khi nhiễm virus Adeno thường là sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.

Trẻ bị nhiễm virus Adeno khi nhập viện sẽ được cách ly tại các phòng bệnh riêng biệt, hỗ trợ hô hấp (thở oxy hoặc thở máy) khi cần, dùng kháng sinh trong trường hợp bị bội nhiễm viêm phổi.

Gia tăng các ca bệnh do virus Adeno ở trẻ em: Virus Adeno là gì và cách phòng bệnh - Ảnh 3.

Bệnh nhi nhiễm Adenovirus đang được điều trị tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Chưa có vaccine điều trị

Theo các chuyên gia y tế, bệnh do virus Adeno hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Các bác sỹ chỉ điều trị các triệu chứng, như hạ sốt khi trẻ sốt cao, bù nước điện giải, bổ sung dinh dưỡng, sử dụng thuốc kháng virus đặc hiệu với những trường hợp nặng, suy giảm miễn dịch (thuốc kháng virus không được chỉ định thường quy cho tất cả bệnh nhân).

Cách phòng bệnh do virus Adeno

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Hiện tại ở nước ta chưa có vaccine phòng ngừa virus Adeno, vì vậy, cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm; tuân thủ các biện pháp dự phòng thường quy đồng thời tuân thủ tiêm các vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Đối với trẻ nhỏ, để phòng bệnh các chuyên gia khuyến cáo, trẻ cần được bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi; chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng; giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá;

Đồng thời, vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên, như nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý; vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh; đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh.

Bệnh do virus Adeno lưu hành rộng rãi trên thế giới

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Bệnh do virus Adeno lưu hành rộng rãi trên toàn thế giới. Ở vùng ôn đới, bệnh xảy ra trong suốt năm, nhưng tần số mắc cao hơn vào mùa xuân. Đã có các vụ dịch sốt viêm họng- kết mạc do virus Adeno trong mùa hè liên quan đến bể bơi xảy ra ở nhiều nơi.

Dịch viêm kết mạc xuất huyết do virus Adeno cũng đã xảy ra lần đầu ở Ghana năm 1969 và Indonesia năm 1970. Sau đó, đã có một số vụ dịch xuất hiện ở vùng nhiệt đới Châu Á, Châu Phi, Trung và Nam Mỹ, vùng Caribe, các đảo Thái Bình Dương và một số nơi của Florida và Mexico. Một số vụ dịch nhỏ cũng xảy ra ở châu Âu và những người tị nạn Đông Nam Á ở Hoa Kỳ.