Xin đừng “ném đá” vào tấm lòng thầy cô

Nguyễn Khanh
20:00 - 26/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Giáo dục luôn là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu của bất cứ xã hội nào, bởi đó là ngành nghề đào tạo con người, định hình tương lai của thời đại. Vì vậy, bất cứ một hiện tượng, vấn đề nào nổi lên liên quan đến giáo dục đều được bình luận, phản ứng dữ dội thông qua truyền thông đại chúng.

Ngẫm về "người thầy" ngày nay

Nghề giáo mang tính đặc thù riêng bởi đó là ngành đào tạo con người. Ngoài truyền đạt kiến thức, dạy nghề thì người thầy còn phải hướng dẫn các học trò của mình hướng tới những giá trị về đạo đức, nhân cách, sống có lí tưởng, hoài bão mà nghĩ tới tương lai. Chính vì thế mà những người thầy dù ở thời kì nào cũng mang một vị thế rất riêng.

Là người đang công tác trong ngành giáo dục, đã nhiều năm đứng lớp nên tôi vẫn có thói quen là thường xuyên theo dõi chủ đề giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lĩnh vực giáo dục gần đây được đặc biệt nhắc đến nhiều một phần do đây là thời kì quá độ để đổi mới giáo dục - hướng tới một phương pháp dạy và học hướng trung tâm về phía người học. 

Xin đừng ném đá vào tấm lòng thầy cô - Ảnh 2.

Bức ảnh cô giáo Trà Thị Thu và các học sinh trong ngày khai giảng tại điểm trường Tắk Pổ, Nam Trà My, Quảng Nam lan truyền qua truyền thông đã tạo ra cảm xúc tích cực, động lực to lớn và niềm tin vào giáo dục trong cộng đồng. Ảnh: FB nhân vật

Thời kinh tế thị trường - thời mà văn hóa, đạo đức truyền thống ít nhiều đã thay đổi về mặt quan điểm qua thời gian. Có những người thầy, người cô đã tự đánh mất mình, không vượt qua được những cám dỗ, không ý thức được vai trò và lý tưởng nghề nghiệp, chạy theo lối sống thực dụng. Điều này đồng nghĩa với sự thật là hình tượng "người thầy" đang bị thách thức trước xã hội hiện tại.

Những bài viết về thầy cô, về ngành giáo dục thì phản ánh điều tốt cũng nhiều, nhưng nêu cái đáng chê trách cũng không ít. Sự thật là điều tốt lại khiến cho dư luận hoài nghi. Cái xấu, cái chưa tốt, chưa phù hợp, cái bất cập thì nhận được quá nhiều những lời thị phi, bàn tán… 

Hình ảnh "người thầy" trên mạng xã hội

Thời đại 4.0 giúp mỗi công dân đều có thể tương tác với thông tin và một bài báo đăng tải sẽ nhận được nhanh chóng phản hồi của bạn đọc. Có những phản hồi trúng, đúng, cảm thông nhưng có những phản hồi rất vô lối, phiến diện, thiếu kiểm soát về mặt ngôn ngữ nhằm thóa mạ ngành giáo dục, nhắm vào thầy cô đang đứng lớp. Cho dù bài báo đó không đề cập đến những cái xấu, cái tha hóa của ngành và không nói trên bình diện chung, chỉ đề cập đến một sự việc, hiện tượng. 

Khi các trang mạng xã hội chia sẻ lại các bài báo thì không biết bao nhiêu những bình luận, lời lẽ tục tĩu hướng vào cá nhân vi phạm. Cao trào, người tham gia mạng xã hội không kiểm soát được cảm xúc, kéo cả ngành giáo dục vào để xúc phạm, đánh đồng, chỉ trích. 

Những ai đang làm nghề giáo sẽ cảm nhận được những áp lực và hiểu hơn hết những bất cập trong ngành giáo dục. Vì thế, những bài báo được đăng tải cũng là tiếng lòng của thầy cô đang nói về những điều chưa phù hợp để góp phần hướng tới cái tốt, cải thiện hệ thống chính sách để ngành giáo dục và các thầy cô có thể toàn tâm cho giảng dạy, để giữ trọn vai trò của một người thầy.

Mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ chỉ có 1-2 con mà đôi lúc chúng ta còn phiền muộn, mâu thuẫn trong nuôi dạy con cái. Chúng ta luôn cảm thấy thiếu thời gian gần gũi, tâm sự với con em mình. Vẫn còn đó nhiều gia đình phải bất lực trước con cái, trong khi các bậc phụ huynh được toàn quyền dạy dỗ. 

Vậy thì, với phương châm "cô giáo như mẹ hiền" - các thầy cô đi qua bao thế hệ học trò, mỗi ngày dạy hàng trăm học sinh, hàng trăm tính cách khác nhau thì sẽ ắt sẽ khó khăn hơn rất nhiều. 

Nên giữ thái độ công bình khi nêu quan điểm về giáo dục

Một bài báo phản ánh một cá nhân, một người thầy chưa tốt, chưa phù hợp với đạo đức của ngành cũng khiến hàng triệu thầy cô chạnh buồn. Nỗi đau đớn tăng thêm rất nhiều khi cộng đồng mạng "té nước theo mưa" chửi bới, miệt thị các thầy cô và ngành giáo dục. Nói như cộng đồng mạng là "ném đá" cả ngành giáo dục. 

Nói lên tiếng nói cá nhân là tự do phát ngôn của mỗi người, phản hồi các bài báo cũng là tương tác cần thiết giữa bạn đọc với tòa soạn báo và tác giả. Song, chúng ta bình luận như thế nào để xây dựng giá trị cao đẹp của cuộc đời? Nếu ta bình luận về một việc cụ thể, đúng sai về mặt quan điểm, bám sát vào nội dung bài viết thì không nói làm gì. Nhưng nhiều bạn đọc bình luận theo kiểu mạt sát, xúc phạm thì có nên không? 

Nói về danh nghĩa "phụ huynh học sinh" - gần đây rất nhiều người hiểu quyền lực vô hình của 4 chữ này. Đa số những bình luận, phản hồi trên mạng xã hội là của người đã trưởng thành. Trong số đó có người xưng là cán bộ công chức ngành này, ngành khác, rồi nêu danh nghĩa phụ huynh học sinh… Chúng ta có gia đình và có con cái đồng nghĩa với việc có quyền lên tiếng về quyền trẻ em. Tuy nhiên, trách nhiệm bảo ban, dạy dỗ con em mình cũng thuộc về chúng ta. Nếu chúng ta có lòng cảm thông chia sẻ với những khó khăn của người khác sẽ là tấm gương cho con em mình nữa! 

Chỉ vì một vài hiện tượng, một sự việc mà chửi cả ngành, cả hàng triệu con người sao? Nhà giáo có niềm tự hào nghề nghiệp rất lớn và vì vậy càng tự trọng - xin đừng làm tổn thương họ.

Người Việt Nam ta từ xưa đến nay vẫn coi trọng lễ giáo, nghĩa tình đối nhân xử thế. Xã hội càng hiện đại càng đòi hỏi mỗi con người trưởng thành chúng ta lưu giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Giữ được sự công bình trong lời ăn - tiếng nói là việc tu thân - tề gia như người xưa vẫn dạy. 

Bình luận của bạn

Bình luận