Cẩn trọng với khủng hoảng truyền thông lan đi bởi mạng xã hội

Thuỵ Văn
21:19 - 12/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Từ một clip quay bằng điện thoại mập mờ truyền qua internet, trong vòng 24 giờ, cơn lốc khủng hoảng truyền thông lan đi chóng mặt và kết thúc là bẽ bàng khi thông tin không chính xác mà thiệt hại cho quá nhiều người liên quan.

"Điểm mù" trên xa lộ thông tin mạng xã hội

Chiều 12/1, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT) và Trường Quân sự Quân khu 7 đã buộc phải tổ chức cuộc họp báo nhằm thông tin chi tiết về sự kiện liên quan đến 2 trường đang dậy sóng dư luận. Cuộc họp có mặt của lãnh đạo 2 trường, đại diện các tổ chức xã hội và đặc biệt là có mặt của 2 nữ sinh viên - người đã quay clip "tạo sóng" trong sự việc này.  

Cẩn trọng với khủng hoảng truyền thông lan đi bởi mạng xã hội - Ảnh 1.

Trao đổi thông tin với báo chí, Hiệu trưởng Trường HUFLIT Anh Tuấn cho biết, những thông tin sai sự thật đã lan truyền quá nhanh làm ảnh hưởng nặng nề tới các bạn sinh viên và nhà trường. Ảnh: Bộ CA

Như vậy vỏn vẹn chỉ có 24 giờ lan truyền, một thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội đã loang đi tốc độ chóng mặt gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng cộng cả 2 trường đã phải ra 2 công văn gấp gáp thông tin về sự việc; đình chỉ lớp học giáo dục quốc phòng Khoá 327 của sinh viên HUFLIT. 

Họ cũng đồng thời có công văn mời cơ quan Công an điều tra của Công an Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc, tiến hành nhiều cuộc xác minh và xử lý khủng khoảng truyền thông. Cuối cùng là tổ chức họp báo giữa lúc tin đồn dâng đỉnh điểm vào chiều 12/1. 

Sự việc được tóm tắt như sau: Tối 11/1, trên mạng xã hội lan truyền thông tin trong thời điểm sinh viên Trường HUFLIT học quân sự tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Quân sự Quân khu 7, có hai sinh viên nữ bị xâm hại tình dục ngay trong trung tâm này. Sau đó, hai sinh viên nữ này đã có hành vi tự tử khiến một người chết và một người bị liệt.

Kèm theo thông tin trên là 2 clip, trong đó một clip có tiếng la hét thất thanh của một người nữ. Clip khác diễn tả cảnh một nhóm người đang khiêng một người đi vào bên trong. Sự việc xảy ra trong khi sinh viên HUFLIT bị xâm hại tình dục khi đang theo học tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Quân sự Quân khu 7.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường HUFLIT tại cuộc họp báo cũng thừa nhận rằng, ngay từ ban đầu ông đã nhận định đó là tin đồn thổi phồng thất thiệt được lan đi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ông vẫn bất ngờ vì tin loang quá nhanh, quá nguy hiểm và ngay cả bản thân ông bị tấn công dữ dội trên mạng xã hội đến mức phải đóng trang cá nhân. 

Các chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm nhận định rằng khi xuất hiện thông tin liên quan đến các nhóm yếu thế, thông tin từ trường học, liên quan đến phụ nữ... sẽ là những thông tin rất nhạy cảm, có khả năng lay đổ mọi tầng lớp xã hội. Nếu không tỉnh táo, những thông tin này sẽ chiếm lĩnh, kéo theo nhiều thiệt hại không thể lường trước. 

Sự "yếu đuối" của đám đông trên mạng xã hội

Từ sự việc này, Thạc sĩ Võ Anh Tuấn, nguyên giảng viên Đại học Hoa Sen cho rằng: "Trắng đen đã rõ ràng qua trần thuật của cả 2 trường và người đã quay clip trước nhiều cơ quan báo chí tại cuộc họp báo. Như vậy cả 2 trường đã chịu nhiều luồng ý kiến buộc tội từ dư luận một cách vô lối. Thiệt hại từ uy tín của nhà trường đến sự phát triển lâu dài. Số phận chính trị của dàn lãnh đạo cả 2 trường có lúc "ngàn cân treo sợi tóc" và đều bị ảnh hưởng. Vụ việc này nên xem xét khởi tố vụ án vì quá thiệt hại". 

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Trường HUFLIT cho hay một nạn nhân là nữ sinh viên trong vụ việc này hiện sức khoẻ tâm thần bị ảnh hưởng, không tiếp xúc với ai do áp lực dư luận. Đây chính là nữ sinh đã có tiếng gào thét trong clip, nguyên nhân được cho là uất ức khi bị bạn bè đổ cho lấy trộm đồ trong ký túc xá.

Điều đáng nói là vào khuya ngày 11/1, khi clip "tiếng thét" lan đi trên mạng, rất nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng đã cố tình đẩy sự việc lên cao, "bơm" ra dư luận những nhận định không có bằng chứng khiến sự việc bị đẩy xa hơn. Trong số này có nhiều nhà báo đang là phóng viên của các cơ quan báo chí. Việc các nhà báo phát ngôn tuỳ tiện trên mạng xã hội làm dậy sóng dư luận khi thông tin chưa kiểm chứng đã từng được cảnh báo nhiều lần, tuy nhiên, tình trạng không thuyên giảm. 

Sáng 12/1, rất nhiều trang mạng xã hội, website của các trường đại học đã bị nhiều tài khoản tràn vào khủng bố. Họ để lại bình luận sôi sục và đánh giá 1 sao (uy tín thấp) cho các trường. Cá biệt cũng có trường đại học nhân sự kiện này để dìm trường khác xuống, quảng cáo cho trường mình. Sự việc thực sự tạo nên một không khí hỗn loạn và hoang mang trong giới sinh viên. 

Đáng lưu ý là nhiều người quen "đánh đu" trên mạng xã hội sau khi sự việc kết thúc vẫn chưa tin vào sự thật. Họ dễ dàng tin vào những kẻ lợi dụng tình hình để "đục nước béo cò", sẵn sàng hạ uy tín các trường đại học, quân đội, chỉ trích chủ trương giáo phòng quốc phòng toàn dân, huấn luyện quân sự. Nhiều phát ngôn không đúng mực, thậm chí vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, vi phạm pháp luật lan đi trên mạng xã hội. 

Đám đông trên mạng xã hội vốn rất dễ mắc triệu chứng "mất trụ" - tức là hoàn toàn mất tỉnh táo để suy xét và xác thực thông tin, chỉ dựa vào những đồn đoán và thấy người khác nói thì nói theo. Một lần nữa, vai trò của báo chí chính thống lại được đặt ra trong các vụ việc định hướng dư luận. Không ít tờ báo đã "cướp cò" khi chưa xác thực thông tin càng làm cho công chúng mất niềm tin vào tính xác tín của báo chí. 

Bình luận của bạn

Bình luận