Bị Mỹ trừng phạt công nghệ, Trung Quốc hướng tới tự lực tự cường
Đối mặt với những thách thức do các lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên các công ty công nghệ Trung Quốc, đất nước tỉ dân đang dần hướng tới sự tự lực tự cường trong lĩnh vực công nghệ.
Trang Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột (IDSA) mới đây đã đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu cao cấp Halima Z. Ansari về các biện pháp trừng phạt công nghệ của Mỹ đối với Trung Quốc. Theo tác giả, Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt công nghệ cùng lúc với sự trỗi dậy của các doanh nghiệp thuộc Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR) của Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Trong 5 năm qua, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức do các lệnh trừng phạt trên của Mỹ.
Công ty công nghệ Trung Quốc "hứng" đòn trừng phạt từ Mỹ
Cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường công nghệ quốc tế và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các tiêu chuẩn công nghệ và quy chuẩn không gian mạng là các mối quan tâm chính của Mỹ.
DSR không chỉ tạo điều kiện xuất khẩu công nghệ Trung Quốc sang các thị trường chưa được khai thác trước đây mà còn tạo cơ hội cho các công ty tư nhân Trung Quốc mở rộng quy mô. Điều này cho phép Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng đối với lĩnh vực công nghệ quốc tế, lĩnh vực đã bị phương Tây thống trị kể từ khi thành lập. Các doanh nghiệp như Huawei, Hikvision và ZTE đã lấy đi mảng kinh doanh chính khỏi các công ty phương Tây như IBM và Cisco.
DSR đã chuyển sự chú ý của thế giới từ các dự án cơ sở hạ tầng thuộc BRI sang các dự án liên quan đến công nghệ và thông tin. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, một số biện pháp chính sách đã được thực hiện nhằm vào chính sách khoa học và công nghệ của Trung Quốc.
Tháng 5/2019, Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei đã phải chịu một số lệnh trừng phạt lớn nhất trong ngành công nghệ vì bị cho rằng vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Tập đoàn đã được thêm vào Danh sách pháp nhân của Bộ Thương mại Mỹ, dẫn đến việc kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn. Ngay sau đó, Tập đoàn không thể kinh doanh với bất kỳ tổ chức nào có trụ sở tại Mỹ.
Danh sách SDN thường bao gồm các thực thể liên quan đến hoạt động như khủng bố hoặc những kẻ buôn bán ma túy. SDN là một trong những mức độ trừng phạt cao nhất do Mỹ áp đặt. Tài sản của bất kỳ thực thể nào trong danh sách đều bị phong tỏa và người dân Mỹ bị cấm giao dịch với các thực thể này.
Trước đó, tháng 8/2018, Australia cũng đã cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng di động 5G với lý do lo ngại về an ninh. Đến năm 2020, Huawei không thể làm việc với các công ty như Google và Intel. Do điện thoại thông minh Huawei không còn hỗ trợ các ứng dụng do Google sở hữu nên tập đoàn này đã bị thua lỗ lớn về doanh số bán hàng bên ngoài Trung Quốc.
Chính quyền của Tổng thống Biden vẫn chưa dỡ bỏ các lệnh trừng phạt dưới thời cựu Tổng thống Trump. Tháng 5, các báo cáo về việc Mỹ có kế hoạch đưa Hikvision vào danh sách SDN, tuân theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu 2016 xuất hiện. Rất ít công ty thuộc quy mô của Hikvision tìm thấy trong danh sách này.
Trong phản hồi về việc bố trí SDN, Hikvision tuyên bố rằng "bất kỳ hình thức xử phạt nào như vậy đều phải dựa trên bằng chứng đáng tin cậy và quy trình thích hợp".
Trước đó, tháng 6/2021, Tổng thống Mỹ Biden đã ký một lệnh hành pháp nghiêm cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty công nghệ giám sát của Trung Quốc, bổ sung thêm 59 thực thể liên quan đến lực lượng quân đội - công nghiệp Trung Quốc vào danh sách mới. Danh sách công ty phức hợp bao gồm Hikvision. Hikvision bị cấm nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ mà không có giấy phép, hoặc bán sản phẩm cho các cơ quan liên bang Mỹ.
Nguyên nhân của tất thảy những lệnh trừng phạt trên của Mỹ đến từ những lo ngại của Washington liên quan đến an ninh mạng, mối quan hệ của Hikvision với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Mặc dù Hikvision đã công bố một số "sách trắng" về an ninh mạng và cam kết tuân thủ Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), nhưng những e ngại của Washington về công ty vẫn chưa được dập tắt.
Thiệt hại tỉ USD vì bị trừng phạt
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc đã dẫn đến sự phức tạp trong hai lĩnh vực chính: Tiếp cận thị trường và sản xuất.
Việc loại trừ khỏi công nghệ của Mỹ dẫn đến các vấn đề trong sản xuất. Một ví dụ điển hình về điều này là Huawei. Tập đoàn này đã phải vật lộn để tạo ra chipset Kirin, loại chip do công ty TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất nhưng sử dụng công nghệ của Mỹ, sau khi bị liệt vào danh sách đen năm 2019. Huawei cho biết đã bị thiệt hại 30 tỉ USD hàng năm sau lệnh trừng phạt. Doanh thu của Huawei giảm 29,4% trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước.
Vì Huawei không thể hỗ trợ các ứng dụng do Google sở hữu, thị trường điện thoại thông minh quốc tế sụt giảm nghiêm trọng. Xuất khẩu giảm và doanh số bán điện thoại thông minh giảm gần một nửa, từ 255,8 tỉ NDT (38 tỉ USD) năm 2019 xuống 134,7 tỉ NDT năm 2020.
Giống như Huawei, Hikvision từng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế và xuất khẩu sản phẩm sang 180 quốc gia. Tuy nhiên, việc Mỹ đã bắt đầu thông báo cho các đồng minh của Washington về lệnh trừng phạt SDN sắp tới sẽ khiến công ty này có nguy cơ mất nhiều thị trường quốc tế.
Công nghệ Trung Quốc hướng tới tự lực tực cường
Khi Huawei ban đầu được thêm vào "danh sách đen", bên cạnh việc đệ đơn kiện Bộ Thương mại Mỹ, Huawei sớm chuyển trọng tâm và nguồn lực sang điều hướng các hoạt động xung quanh lệnh cấm và hiện đang cố gắng hoạt động hoàn toàn độc lập với tất cả công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ, bao gồm cả Google. Hệ điều hành Harmony đã nhanh chóng thay thế Android và hiện đang cố gắng thu hút các nhà phát triển thêm ứng dụng của họ vào phiên bản cửa hàng ứng dụng của riêng mình.
Những nỗ lực của Huawei cho thấy rằng các lệnh trừng phạt của Washington đang thúc đẩy các công ty Trung Quốc nỗ lực để đảm bảo khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất và sản xuất công nghệ.
Nền kinh tế Trung Quốc, trong những thập kỷ trước, phụ thuộc vào sự hỗ trợ công nghệ từ các quốc gia công nghiệp phát triển. Bắc Kinh nhanh chóng nhận ra rằng điều này khiến Trung Quốc không thể thoát khỏi thế độc quyền của phương Tây đối với các công nghệ quan trọng.
Áp lực trừng phạt của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang theo đuổi các chính sách như MIC 2025, trong đó nhấn mạnh đến sự độc lập và tự lực về công nghệ.
Trong một phản ứng trực tiếp với Danh sách thực thể bị trừng phạt năm 2019 của Washington, Bộ Thương mại Trung Quốc, trong cùng năm, cũng đã công bố chế độ "Danh sách thực thể không đáng tin cậy". Theo đó, "các biện pháp trừng phạt có thể được áp dụng đối với các thực thể nước ngoài vì hành vi trái với lợi ích quốc gia của Trung Quốc hoặc phân biệt đối xử với doanh nghiệp Trung Quốc".
Mặc dù đã có báo cáo về việc các công ty như Apple và Cisco trở thành mục tiêu chính trong danh sách nhưng không có bản cập nhật nào được tiết lộ kể từ khi phát hành. Bắc Kinh có thể đáp trả bằng các biện pháp tương tự hoặc nghiêm khắc hơn đối với hình phạt của Hikvision.
Các lệnh trừng phạt đối với một công ty trị giá hàng tỉ USD của Trung Quốc như Hikvision sẽ làm trầm trọng thêm rạn nứt địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và đại dịch COVID-19. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi lĩnh vực khoa học công nghệ đang bùng nổ của Trung Quốc đang ngày càng hướng tới sự tự lực tự cường trong nỗ lực hạn chế sự gián đoạn trong tương lai có thể gây ra bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR)
Các tập đoàn như Huawei, Alibaba, Tencent, Baidu, Hikvision và ZTE là động lực chính của Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR). Trong Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ hai năm 2019, một diễn đàn riêng biệt dành riêng cho DSR, gần 15 công ty đã ký các dự án mới với các chính phủ khác nhau.
Chẳng hạn, Huawei đã ký kết các thỏa thuận với một số quốc gia châu Phi và Mỹ Latin cho các dự án liên quan đến 5G, thành phố thông minh và cáp quang dưới sự bảo trợ của DSR. Năm 2019, Sierra Leone ký một thỏa thuận cho vay trị giá 30 triệu USD với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để tài trợ cho việc xây dựng giai đoạn hai của dự án cáp quang quốc gia của Huawei. Cùng năm, Huawei cũng ký một thỏa thuận với Kenya cho dự án thành phố thông minh trị giá 173 triệu USD ở Konza Technopolis. Bản ghi nhớ với Uruguay đã được ký kết để phát triển mạng 5G, đào tạo công nghệ thông tin và số hóa công nghiệp.
Hikvision cũng được tích hợp với một số dự án DSR. Hikvision có một dự án quan trọng ở Zimbabwe.
Công ty công nghệ Dahua cũng cung cấp gần 40% camera giám sát trên thế giới.
Trên thực tế, kể từ năm 2009, khoảng 114 hợp đồng thành phố thông minh liên quan đến các nhà cung cấp Trung Quốc đã được ký kết bên ngoài Trung Quốc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google