Vượt qua vấn đề nợ công - mối lo hạ bậc tín nhiệm vẫn rình rập nước Mỹ

Dũng Minh
11:47 - 04/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau nhiều tuần tranh cãi, Tổng thống Mỹ, Joe Biden đã ký ban hành luật về trần nợ ngày 3/6, theo thông báo của Nhà Trắng. Luật này nhằm ngăn chặn một vụ vỡ nợ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Vượt qua vấn đề nợ công - mối lo hạ bậc tín nhiệm vẫn rình rập nước Mỹ - Ảnh 1.

Vấn đề nợ công được giải quyết, Mỹ vẫn đứng trước nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm. Ảnh: Quick PS

Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật về trần nợ công

Luật có tên là "Đạo luật Trách nhiệm Tài chính năm 2023", đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ trong 2 năm, đến ngày 1/1/2025. Điều này cho phép Mỹ gia hạn khoản vay và duy trì việc thanh toán các hóa đơn mà không bị giới hạn bởi mức trần nợ 31.400 tỷ USD hiện tại. Nếu đạo luật về nợ công không được ban hành kịp thời, Mỹ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ, khiến thị trường hoảng loạn, việc làm giảm sút và kinh tế suy thoái.

Cụ thể, đạo luật giới hạn chi tiêu ngân sách của Mỹ trong hai năm tài chính 2024 và 2025. Theo đó, chi tiêu quốc phòng được cấp 886 tỷ USD trong năm tài chính 2024 và không thay đổi trong năm tài chính 2025. Chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng được cấp 704 tỷ USD trong năm tài chính 2024 và tăng 1% trong năm tài chính 2025. Luật cũng thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng; đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Đạo luật về nợ công được thông qua bởi Hạ viện và Thượng viện Mỹ trong tuần này sau khi Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận sau nhiều cuộc thương lượng căng thẳng. Đây là một bước tiến quan trọng để giải quyết vấn đề trần nợ công của Mỹ, một vấn đề đã gây ra nhiều mâu thuẫn chính trị trong thời gian qua.

Vấn đề nợ công được giải quyết - Mỹ chưa thoát khỏi nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm

Fitch - một trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới - vừa công bố tình trạng "quan sát xếp hạng tiêu cực" (rating watch negative) của Mỹ sẽ được duy trì đến cuối tháng 9. Đây là tuyên bố đầu tiên của tổ chức này sau khi Thượng viện Mỹ thông qua thỏa thuận dỡ bỏ trần nợ công để tránh vỡ nợ.

Theo Fitch, thỏa thuận dỡ bỏ trần nợ công là một bước đi tích cực, nhưng không đủ để xóa đi lo ngại về năng lực quản lý nợ và các vấn đề tài chính của Mỹ. Tổ chức xếp hạng này cho rằng: "Tình trạng bế tắc chính trị lặp đi lặp lại quanh vấn đề trần nợ công và việc giải quyết thành công ngay sát ngày cạn tiền làm giảm niềm tin vào năng lực quản lý nợ công và các vấn đề tài chính của Mỹ".

Fitch cũng nhận định rằng năng lực quản lý của Mỹ đã xuống cấp dần trong 15 năm qua do chia rẽ chính trị và đảng phái, bộc lộc rõ qua cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2020. Tổ chức này cho biết vấn đề trần nợ công luôn chỉ được giải quyết sát hạn chót, không giải quyết được các thách thức tài chính từ chi tiêu bắt buộc ngày càng tăng dẫn đến thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ nần lớn.

Fitch khẳng định rằng Mỹ vẫn có nhiều thế mạnh khác bù lại cho năng lực quản lý yếu hơn nhiều quốc gia cùng hạng AAA, trong đó có vị thế toàn cầu của đồng USD. Tổ chức này từng hạ bậc tín nhiệm Mỹ vào năm 2011 vì lý do tương tự.

Nếu bị hạ bậc tín nhiệm, chi phí đi vay của chính phủ Mỹ sẽ tăng lên, buộc họ phải trả lãi nhiều hơn đồng thời phải thắt chặt chi tiêu cho giáo dục, y tế, quốc phòng, cùng nhiều ưu tiên khác.

Fitch đã xếp Mỹ vào diện xem xét hạ bậc, vào tuần trước, thời điểm Tổng thống Joe Biden và Hạ viện Mỹ chưa đạt thỏa thuận về trần nợ công. Tổ chức này cho biết cần đánh giá tác động đầy đủ của đợt giải quyết sát hạn chót lần này cũng như triển vọng ngân sách và nợ trong trung hạn rồi mới quyết định có hạ bậc tín nhiệm hay không.

Đây không phải lần đầu Fitch cảnh báo về tình hình rối ren tại Mỹ. Trưởng bộ phận đánh giá tín nhiệm toàn cầu của tổ chức này, ông James McCormack vào tháng 3 từng tuyên bố dù tránh được vỡ nợ, đối đầu chính trị thường xuyên cũng có thể khiến Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm.