Vụ ngộ độc cơm gà ở Nha Trang: Số ca nhập viện tiếp tục tăng mạnh, khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân
Số ca nhập viện nghi ngộ độc sau ăn cơm gà tại quán Trâm Anh trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hiện lên đến 345 ca. Trong đó, có 1 ca bệnh có dấu hiệu diễn biến nặng.
345 ca nghi ngộ độc sau ăn cơm gà tại quán Trâm Anh
Theo báo Nhà báo & Công luận, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, số ca nhập viện nghi ngộ độc sau ăn cơm gà tại quán Trâm Anh trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tăng mạnh, hết ngày 15/3, tổng số người phải đến bệnh viện là 345 ca, tăng 123 ca so với chiều tối ngày 14/3.
Trong tổng số 345 ca nghi ngộ độc sau ăn cơm gà tại quán Trâm Anh, có 239 ca phải nhập viện điều trị, 103 ca được kê đơn thuốc cho về nhà uống.
Tổng số ca đã xuất viện đến chiều tối 15/3 là 38 ca, còn 201 ca nghi đang tiếp tục được điều trị tại 13 cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa.
Theo đánh giá của Sở Y tế Khánh Hòa, đến thời điểm hiện tại, đa số các bệnh nhân nghi ngộ độc đang dần ổn định sức khỏe, dấu hiệu sinh tồn tốt, bệnh nhân tỉnh táo.
Chỉ còn số ít bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn, sốt, đi cầu phân lỏng, đau bụng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để điều trị.
Đặc biệt, có 1 ca bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa có dấu hiệu diễn biến nặng. Đây là bệnh nhân nữ, đang mang thai tuần thứ 18. Bệnh nhân liên tục sốt cao, huyết áp 80/50mmHg, mạch 95 lần/phút, buồn nôn, tiêu chảy liên tục. Hiện bệnh nhân này đang được các y, bác sĩ theo dõi sát sao.
Theo báo Giao thông, Bác sĩ Trịnh Ngọc Hiệp, Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, ngành y tế địa phương đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa huy động tối đa tất cả các nguồn lực hiện có để tập trung điều trị, chăm sóc bệnh nhân nghi ngộ độc.
Từ ngày 13/3, Sở Y tế Khánh Hòa đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân ngộ độc và truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Lập đoàn giám sát công tác thu dung, điều trị bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm nói trên tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa cũng đã chủ trì phối hợp với các trung tâm y tế, phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố ở Khánh Hòa tiếp tục điều tra dịch tễ.
Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của vụ ngộ độc, kết quả vẫn đang phải chờ từ viện Pasteur Nha Trang. Bước đầu, một số bệnh viện xét nghiệm và tìm ra vi khuẩn salmonella để có hướng điều trị. Đây chưa phải là nguyên nhân vụ ngộ độc mà ngành y tế địa phương kết luận.
Qua kiểm tra, bước đầu, cơ quan chức năng thành phố Nha Trang xác nhận, quán Trâm Anh có giấy phép đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đại diện cơ sở cũng đã gửi lời xin lỗi đến những người phải nhập viện nghi ngộ độc.
Tạm đình chỉ quán cơm gà Trâm Anh, điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc
Ngày 14/3, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn số 476/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa triển khai gấp các nội dung sau:
Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho bệnh nhân, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện tuyến trên.
Tạm thời đình chỉ cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm chuyển gấp tới đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định gần nhất để xét nghiệm, xác định rõ nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến. Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ.
Báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm theo quy định.
Biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Các nguyên nhân gây ra bệnh do thực phẩm bao gồm: vi khuẩn, virus và ký sinh trùng hoặc độc tố của chúng. Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng... Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây hại cho sức khỏe (có thể dẫn đến tử vong) mà còn khiến tinh thần con người mệt mỏi.
Do vậy, việc biết cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm là một kỹ năng quan trọng mà mọi người nên biết.
- Ăn đồ chín, còn hạn: Ăn chín, uống sôi; hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng.
- Tách biệt đồ sống và chín: Có vật dụng chế biến riêng thức ăn chín và sống; nếu dùng chung phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến thức ăn sống.
- Đậy thức ăn: Khi không để tủ lạnh cần che đậy cẩn thận để tránh bụi, ruồi muỗi.
- Đun lại: Thức ăn thừa ở nhiệt độ hơn 70 độ C trước khi ăn.
- Bảo quản lạnh: Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, không nên để quá 2 giờ ở nhiệt độ thường.
- Rửa tay: Bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh...
- Vệ sinh bếp: Giữ bếp và các vật dụng làm bếp sạch sẽ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google