Vụ ngộ độc bánh mì Phượng: Phát hiện nhiều vi khuẩn sinh độc tố trong các mẫu kiểm nghiệm

Hồng Ngọc
20:52 - 21/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 21/9, Viện Pasteur Nha Trang, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Nam trả lời về kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm bánh mì Phượng, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu bánh mì Phượng

Trước đó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã gửi 12 mẫu thực phẩm và 1 mẫu phân liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm bánh mì Phượng đề nghị Viện Pasteur Nha Trang thực hiện kiểm nghiệm. 12 mẫu thực phẩm gồm: pa tê, rau xà lách, dưa leo, rau húng, hành; chả heo, thịt heo xíu, xíu mại.

Kết quả cho thấy có 7 mẫu dương tính với khuẩn Bacillus cereus sinh độc tố. Cụ thể, chả heo, lấy mẫu lúc 7 giờ ngày 11/9 dương tính với Bacillus Cereus sinh độc tố NHE và HBL. Thịt heo xíu, lấy mẫu lúc 7 giờ ngày 11/9 dương tính với Salmonella spp.

Vụ ngộ độc bánh mì Phượng: Phát hiện nhiều vi khuẩn sinh độc tố trong các mẫu kiểm nghiệm  - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra mẫu thực phẩm tại quán bánh mì Phượng. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Quảng Nam

Rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo, lấy mẫu lúc 7 giờ ngày 12/9 dương tính Salmonella spp. Thịt heo xíu, lấy mẫu cơ sở lúc 7 giờ 30 phút, ngày 12/9 dương tính Salmonella spp.

Xíu mại lấy mẫu lúc 7 giờ ngày 12/9 dương tính với Bacillus Cereus sinh độc tố NHE. Thịt heo xíu, lấy mẫu lúc 10 giờ 30 phút ngày 13/9 dương tính với Salmonella spp. Xíu mại, lấy mẫu vào lúc 10 giờ ngày 13/9 dương tính với Salmonella spp.

Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi nhận được văn bản của Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm bánh mì Phượng, thành phố Hội An, chi cục đang tiếp tục phân tích trước khi có kết luận cuối cùng.

Bà Cẩm thông tin thêm: “Khuẩn Bacillus cereus là độc tố rất dễ gây ra ngộ độc thực phẩm. Chúng tôi đang tiếp tục phân tích thêm dựa trên các mẫu. Khuẩn Bacillus cereus phát hiện chủ yếu trong mẫu thịt xíu là chủ yếu. Theo tôi thì nhiều khả năng do lây nhiễm khuẩn chéo từ các thực phẩm với nhau, có thể do cách bảo quản thực phẩm chưa đúng cách”.

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, đến sáng 21/9, tất cả bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng đã xuất viện. Chủ cơ sở sản xuất bánh mì Phượng đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng, mong được khách hàng thông cảm, đồng thời cam kết sẽ đem lại những ổ bánh mì tốt nhất, an toàn nhất khi được cho phép mở cửa trở lại.

Trước đó, ngày 11/9, một số người dân, du khách ăn bánh mì mua tại tiệm bánh mì Phượng thì một số người có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần và kéo dài. Ít nhất 150 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì, trong đó có hơn 30 người nước ngoài. Triệu chứng lâm sàng của người bị ngộ độc là sốt cao, đau bụng, đi cầu lỏng nhiều lần, nôn, đau đầu.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục cấp cứu và điều trị tích cực, đảm bảo hồi phục sức khỏe cho các bệnh nhân. Tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng, tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở; truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, điều tra xác định rõ căn nguyên vụ việc theo quy định. Phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Bacillus cereus là trực khuẩn kỵ khí, bắt màu gram dương, có nha bào, dễ sinh độc tố. Vi khuẩn thường được tìm thấy trong môi trường, thường có trong đất và thảm thực vật. Nhưng nó cũng có cả trong thực phẩm. Bacillus cereus là một loại vi khuẩn hoại sinh, hiện nay được xem là một tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, chỉ sau Salmonella (vi khuẩn thương hàn) và các virus. Bacillus cereus gây ra hai bệnh cảnh lâm sàng khác nhau: hội chứng nôn và hội chứng tiêu chảy.

Salmonella là một loại trực khuẩn có thể gây chứng bệnh ở đường tiêu hóa của người và động vật, gọi là bệnh nhiễm Salmonella. Nhiễm khuẩn Salmonella là tình trạng nhiễm vi khuẩn Salmonella trong dạ dày và ruột. Salmonella có mặt khắp thế giới, trong cả động vật máu lạnh và máu nóng, trong mọi môi trường. Salmonella là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất trên thế giới, với hàng triệu ca nhiễm hàng năm, dẫn đến hàng trăm nghìn trường hợp tử vong. Chúng có sức sống và sức đề kháng tốt, chịu được lạnh, sống trong rau quả 5-10 ngày, trong phân đến vài tháng.

Chủ tiệm bánh mì Phượng xin lỗi khách hàng sau vụ ngộ độc thực phẩm

Ngày 20/9, chủ cơ sở sản xuất bánh mì Phượng ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng sau khi 150 người bị ngộ độc do ăn bánh mì tại tiệm này; đồng thời nhận sơ sót trong quy trình kiểm soát nhập nguyên liệu đầu vào.

Vụ ngộ độc bánh mì Phượng: Phát hiện nhiều vi khuẩn sinh độc tố trong các mẫu kiểm nghiệm  - Ảnh 4.

 

Nguồn: VOV, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam