Vụ án tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn: Đã xác định 26 bị can, điều tra 5 tội danh
Tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác công an quý III năm 2024 của Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã thông tin về tiến độ, kết quả điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn là một vụ án rất phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương, khối lượng đồ vật, tài liệu cần thu thập tương đối lớn.
Báo cáo tại hội nghị, liên quan vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho biết, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án; khởi tố, bắt tạm giam đối với 26 bị can.
Các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về 05 tội danh: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và bất động sản Thăng Long, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Phú Thọ và các đơn vị có liên quan.
Tiếp tục mở rộng điều tra, khởi tố các đối tượng có liên quan
Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ một số sai phạm của các bị can và đối tượng có liên quan và tiếp tục mở rộng điều tra, khởi tố các đối tượng khác có liên quan theo quy định, tập trung thu hồi tài sản thất thoát của Nhà nước.
Theo kết quả sơ bộ, hiện nay Cơ quan điều tra đã thu giữ trên 300 tỷ đồng, 2 triệu Đô la Mỹ, 500 lượng vàng và trên 1000 sổ đỏ…
Cũng tại họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành đã thông tin về tiến độ điều tra các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, vụ án Sài Gòn Đại Ninh và vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh tình hình tội phạm tham nhũng nhìn chung có xu hướng giảm, tỷ lệ gia tăng so với cùng kỳ chỉ thể hiện số trường hợp phát hiện, xử lý trong một mốc thời gian, không thể hiện xu hướng tăng của loại hình tội phạm này
Tội nhận hối lộ, pháp luật quy định thế nào?
Liên quan tới việc điều tra vụ án, tội danh Nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc trung gian nhận hoặc sẽ bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Tham khảo quy định pháp luật về tội nhận hối lộ được quy định tại khoản 1 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google