Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn được đánh giá "phức tạp", các tỉnh gấp rút rà soát các gói thầu
Cùng với 14 tỉnh được yêu cầu, Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu khẩn trương rà soát, kiểm tra các dự án, gói thầu do Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và các công ty có liên quan thực hiện trên địa bàn.
Thanh Hóa: Rà soát, kiểm tra các gói thầu liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An
Theo Báo Thanh Tra, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi giám đốc các sở, ngành đơn vị; chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng cấp tỉnh khẩn trương rà soát, kiểm tra các dự án, gói thầu do Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và các công ty có liên quan thực hiện trên địa bàn.
Theo đó, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong thực hiện các dự án, gói thầu do Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An tại địa bàn.
Các đơn vị được yêu cầu chủ động xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với các hành vi sai phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có). Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15/7/2024.
Trên cơ sở báo cáo kết quả rà soát của các sở, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài chính chủ trì, tổng hợp và tham mưu nội dung báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 18/7/2024.
Ngày 4/7/2024 Tỉnh ủy Thanh Hóa có Văn bản số 1702-CV/TU chỉ đạo, ngày 10/6/2024 Tỉnh ủy Thanh Hóa nhận được Công văn số 7072-CV/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương và thực hiện kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại cuộc họp ngày 30/5/2024.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chỉ đạo, rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong thực hiện các dự án, gói thầu do Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và các Công ty có liên quan thực hiện.
Yêu cầu 14 tỉnh khẩn trương kiểm tra các dự án, gói thầu do Phúc Sơn, Thuận An
Theo thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã triển khai quyết định kiểm tra các tổ chức đảng ở 6 địa phương, đơn vị và có văn bản yêu cầu 14 Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra tỉnh, thành ủy kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng ở các địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các dự án, gói thầu do Công ty Phúc Sơn, Công ty Thuận An thực hiện trên địa bàn.
Trước đó, tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2024 do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Nguyễn Quang Phương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đã thông tin về tiến độ, kết quả điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và một số cơ quan, địa phương liên quan.
Theo thông tin tự giới thiệu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn được thành lập từ năm 2004, là một trong những công ty xây dựng và kinh doanh bất động sản hàng đầu của tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh phía Bắc.... Tập đoàn có 2 mảng hoạt động chính gồm bất động sản và xây lắp. Trong đó bất động sản là lĩnh vực kinh doanh then chốt.
Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án ngày 26/2/2024, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 23 bị can để điều tra về 05 tội danh: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và bất động sản Thăng Long, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan.
Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ một số sai phạm của các bị can và đối tượng có liên quan và tiến hành điều tra vụ án theo kế hoạch.
Bộ Công an cũng nhận định, vụ án Tập đoàn Phúc Sơn "là một vụ án rất phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương, khối lượng đồ vật, tài liệu cần thu thập tương đối lớn".
Cơ quan điều tra đang củng cố tài liệu, chứng cứ, đồng thời mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trên 300 tỷ đồng, 02 triệu đôla, trên 500 lượng vàng, tạm giữ trên 1.000 sổ đỏ.
Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng được quy định như thế nào?
Theo Bộ luật Hình sự 2015, tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng được quy định như sau:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán;
b) Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật;
c) Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán;
d) Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật kế toán; ...
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google