Việt Nam dự kiến nhập khẩu 5000-8000 MW điện từ Lào

Trang Linh
19:19 - 01/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 5.000 MW điện từ Lào, có thể tăng lên 8.000 MW khi có điều kiện thuận lợi với giá thành hợp lý.

nhập khẩu điện từ Lào

Chính phủ đưa ra danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư tới năm 2030.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch phát triển các nguồn điện, nhập khẩu điện từ Lào

Chính phủ đưa ra danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030. Trong đó, tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW. Tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW, nhiệt điện than là 30.127 MW, nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ là 2.700 MW. Tới năm 2024, tổng công suất thủy điện là 29.346 MW, thủy điện tích năng là 2.400 MW.

Với năng lượng tái tạo, tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW, điện gió trên bờ 21.880 MW, mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm 2.600 MW. Ngoài ra, điện sinh khối và rác lần lượt 1.088 MW và 1.182 MW. Cùng với đó,  dự kiến phát triển 300 MW điện linh hoạt (điện tái tạo kết hợp điện khí, pin lưu trữ năng lượng...). Trong đó, ưu tiên phát triển tại các khu vực có khả năng thiếu hụt công suất dự phòng; tận dụng hạ tầng lưới điện sẵn có.

Cũng theo kế hoạch, điện tái tạo dành cho xuất khẩu sẽ được đầu tư tại miền Trung và Nam - những nơi có nhiều tiềm năng loại nguồn này. Quy mô xuất khẩu dự kiến từ 5.000-10.000 MW.

Dự kiến nhập khẩu điện khoảng 5.000 MW từ Lào, có thể tăng lên 8.000 MW khi có điều kiện thuận lợi với giá điện hợp lý để tận dụng tiềm năng nguồn điện xuất khẩu của Lào. Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương nhập khẩu và phương án lưới điện đấu nối đồng bộ đối với từng dự án cụ thể.

nhập khẩu điện từ Lào

Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII. Ảnh: baochinhphu.vn

Nguồn điện năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới như sau:

Những vị trí có tiềm năng xuất khẩu điện ra nước ngoài là khu vực miền Trung và miền Nam. Quy mô xuất khẩu từ 5.000 MW đến 10.000 MW khi có các dự án khả thi.

Các dự án dùng điện tái tạo để sản xuất năng lượng mới, như hydro xanh, amoniac xanh được ưu tiên phát triển tại các khu vực tiềm năng, có cơ sở hạ tầng lưới truyền tải thuận lợi, mục tiêu quy mô khoảng 5.000 MW (chủ yếu là nguồn điện gió ngoài khơi).

Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia cũng đặt mục tiêu nghiên cứu xây dựng hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng. Trong đó, trung tâm ở Bắc Bộ sẽ gồm các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình với quy mô phát triển 2.500 MW điện gió, trong đó điện gió ngoài khơi là 2.000 MW.

Trung tâm vùng Nam Trung Bộ - Nam Bộ tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, quy mô điện gió ngoài khơi khoảng 2.000-2.500 MW, điện gió trên bờ và ven bờ 1.500-2.000 MW.

Về Chương trình phát triển điện nông thôn, miền núi và hải đảo, cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo khoảng 911.400 hộ dân (trong đó, khoảng 160.000 hộ dân chưa có điện, 751.400 hộ dân cần cải tạo) tại các địa phương khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.

Cấp điện 2.478 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ (13 tỉnh) khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại: Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); Đảo Thổ Châu, An Sơn - Nam Du (Kiên Giang); huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Bình luận của bạn

Bình luận