Việt Nam cần có Luật Biến đổi khí hậu

N.Cường
10:16 - 09/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tại Hội thảo "Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam giai đoạn 2016-2021 và giải pháp trong thời gian tới", nhiều đại biểu cho rằng, cần thiết xây dựng luật biến đổi khí hậu trong thời gian tới để "bao trùm" tất cả các lĩnh vực.

Ứng phó với biến đổi khí hậu - nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo "Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam giai đoạn 2016-2021 và giải pháp trong thời gian tới" diễn ra tại Cần Thơ ngày 8/12, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng: Biến đổi khí hậu đang có xu hướng diễn biến rất phức tạp, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi thế giới, đòi hỏi sự chung tay của nhiều quốc gia trong việc đề ra các hành động tăng khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Việt Nam sẽ sớm có Luật Biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo thế giới dự Hội nghị COP26. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa phát thải carbon vào năm 2050. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng đối với vấn đề này.

Việt Nam xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc thực hiện kịp thời các cam kết về biến đổi khí hậu cũng sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nhiều luật liên quan đến biến đổi khí hậu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy: Thời gian qua, Quốc hội Việt Nam luôn chú trọng việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, phát luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan của Quốc hội được phân công phụ trách và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc chủ trì, phối hợp thẩm tra, giám sát, kiến nghị thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, nhiều Luật, Chiến lược, chính sách về biến đổi khí hậu đã được ban hành, các chương trình hành động quốc gia, cấp ngành, địa phương cũng từng bước được xây dựng và triển khai thực hiện.

Cụ thể, Quốc hội đã thông qua nhiều Luật có liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu như Luật Bảo vệ môi trường năm 2022, Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Chăn nuôi năm 2018, Luật Đa dạng Sinh học năm 2018, Luật Thủy sản năm 2017…

Chẳng hạn như Luật Bảo vệ môi trường đã có một chương quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các quyết tâm, cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết, quy hoạch liên quan đến biến đổi khí hậu, nổi bật là Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hay Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…

Cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó có Luật Biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng; Phát triển nguồn nhân lực KH&CN; Huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) Phạm Văn Tấn

Cần thiết xây dựng luật biến đổi khí hậu

Tại Hội thảo "Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam giai đoạn 2016-2021 và giải pháp trong thời gian tới", nhiều đại biểu cho rằng, cần thiết xây dựng luật biến đổi khí hậu trong thời gian tới để "bao trùm" tất cả các lĩnh vực.

Việt Nam sẽ sớm có Luật Biến đổi khí hậu - Ảnh 5.

Giáo sư Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam đề xuất xây dựng Luật về Biến đổi khí hậu. Ảnh: TTXVN

Giáo sư Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam cho rằng: Luật biến đổi khí hậu có thể chưa thể ra đời ngay, nhưng phải bắt đầu từ bây giờ để đến năm 2024-2025, luật đã hình thành. Tuy nhiên, không nên quá cầu toàn về luật biến đổi khí hậu, bởi luật sẽ là bộ khung để cho các hành động tiếp theo sau có tính pháp lý trong quá trình thực hiện. Luật có thể quy định các điều khoản chung, còn những vấn đề chi tiết, giao cho Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư để cụ thể hóa, giúp quá trình thực thi đạt hiệu quả.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, khi xây dựng văn bản luật riêng về biến đổi khí hậu cho Việt Nam, cần xem xét và kết hợp đồng thời 4 vấn đề: Nội luật hóa các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà nước ta đã tham gia; gắn với quan điểm và chiến lược của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu; rà soát, tổng kết việc thực thi pháp luật về biến đổi khí hậu; nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Việt Nam là quốc gia xếp thứ sáu trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, các diễn biết thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước được gây ra tỉ lệ tử vong và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng rất cao, chẳng hạn như trường học và trung tâm y tế, và tác động xấu đến sinh kế của nhóm dân số thiệt thòi ở thành thị và nông thôn.

Những xu hướng này được dự báo sẽ tăng cường theo thời gian. Đến năm 2050, nhiệt độ trung bình dự kiến tăng thêm 1-2 độ C có thể dẫn đến tỉ lệ hạn hán cao hơn với cường độ lớn hơn và tăng lượng mưa dẫn đến mực nước biển dâng cao 1 mét dọc theo các vùng ven biển.

Nguồn: unicef.org

Nguồn: Quốc hội, Unicef, TTXVN