Liên Hợp Quốc tiếp tục đánh giá cao Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu

Bảo Châu
06:20 - 27/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Liên Hợp Quốc đánh giá cao các cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, huy động nguồn lực, chuyển giao công nghệ để thực hiện các cam kết tại COP 26.

Theo TTXVN, ngày 25/8, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã có cuộc gặp làm việc với Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Selwin Hart - Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Hiên Hợp Quốc về hành động vì khí hậu.

Trợ lý Tổng Thư ký ký Liên Hợp Quốc Selwin Hart đánh giá cao kết quả của chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội đầu tháng Tám vừa qua, trong đó ông đã tận mắt chứng kiến sự nghiêm túc và nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cũng như các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt.

Trợ lý Tổng Thư ký Selwin Hart nhấn mạnh mong muốn Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong việc đàm phán thành lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng và tiếp tục đưa ra những cam kết mạnh mẽ tại COP27 vào tháng 11 tới đây.

Ông Selwin Hart cũng khẳng định Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, huy động nguồn lực và chuyển giao công nghệ để thực hiện các cam kết của mình.

Việt Nam tiếp tục được Liên Hợp Quốc đánh giá cao trong việc thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Selwin Hart. Ảnh: sdgs.un.org

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu

Ngày 3/8, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã gặp và làm việc với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhân dịp tham dự Hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) tại New York.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đánh giá cao những đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của Liên Hợp Quốc, nhất là các cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Đây không phải lần đầu tiên người đứng đầu Liên Hợp Quốc đánh giá cao những cam kết và hành động của Việt Nam trong ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu. Trước đó, trong buổi gặp với Trưởng Phái đoàn các nước Cộng đồng Pháp ngữ diễn ra vào ngày 7/7 để trao đổi về các vấn đề toàn cầu trong chương trình nghị sự của cơ quan đa phương lớn nhất hành tinh này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã đánh giá cao cam kết mạnh mẽ và hành động khẩn trương của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu. Ông cũng bày tỏ đồng tình cao với các đề xuất của Việt Nam, cho rằng hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam tiếp tục được Liên Hợp Quốc đánh giá cao trong việc thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: minurso.unmissions.org

Việt Nam tiếp tục nỗ lực để triển khai thực hiện các cam kết tại COP 26

Cũng trong cuộc gặp và làm việc với Trợ lý Tổng Thư ký Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Selwin Hart, Đại sứ Đặng Hoàng Giang chia sẻ các cơ quan của Việt Nam có phản hồi rất tích cực về chuyến thăm vừa qua của ông Selwin Hart, khẳng định Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực để triển khai kế hoạch thực hiện các cam kết tại COP 26 và sẽ huy động mọi nguồn lực tài chính cần thiết trong nước và quốc tế.

Ngân hàng Thế giới ước tính, từ nay đến năm 2040, nhu cầu đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam có thể lên đến khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương 368 tỉ USD.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định, Việt Nam mong muốn có cách tiếp cận toàn diện trong ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có các yếu tố về việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cho các nhóm dễ bị tổn thương, bên cạnh việc thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Đại sứ cũng cho rằng bên cạnh hỗ trợ về tài chính, Việt Nam mong muốn Liên Hợp Quốc thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tri thức từ các nước phát triển về lưu trữ, sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng thị trường carbon để giúp hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26.

Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới phát triển xanh và bền vững.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tháng 11/2021 ở Glasgow, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đà thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Việt Nam tiếp tục được Liên Hợp Quốc đánh giá cao trong việc thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP 26. Ảnh: dcc.gov.vn

Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã rất tích cực, trách nhiệm, khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế.

Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Chương trình khoa học công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020.

Thông qua chương trình, các đơn vị đã xây dựng, phát triển hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; giải quyết các vấn đề liên quan đến mặn xâm nhập (các loại đất, cây trồng, rừng...).

Ngoài ra, chương trình cũng xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với các hiện tượng thiên tai cực đoan và các mô hình kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn.

Việt Nam là quốc gia xếp thứ sáu trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, các diễn biết thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước được gây ra tỉ lệ tử vong và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng rất cao, chẳng hạn như trường học và trung tâm y tế, và tác động xấu đến sinh kế của nhóm dân số thiệt thòi ở thành thị và nông thôn.

Những xu hướng này được dự báo sẽ tăng cường theo thời gian. Đến năm 2050, nhiệt độ trung bình dự kiến tăng thêm 1-2 độ C có thể dẫn đến tỉ lệ hạn hán cao hơn với cường độ lớn hơn và tăng lượng mưa dẫn đến mực nước biển dâng cao 1 mét dọc theo các vùng ven biển.

Nguồn: unicef.org


Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận