Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 360 tỉ USD để đối phó biến đổi khí hậu
Theo World Bank, để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỉ USD, từ nay đến năm 2040.
Toàn cảnh buổi lễ công bố Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR) của World Bank chiều 14/7.
Dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu
Sau hơn 2 thập kỷ tăng trưởng ổn định, Việt Nam đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, kết quả chuyển đổi kinh tế của đất nước sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả quản lý nguồn vốn tự nhiên – trữ lượng lớn các nguồn tài nguyên nông nghiệp, rừng và khoáng sản, đã từng giúp thúc đẩy quá trình phát triển tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với hơn 3.200km bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.
Theo Sáng kiến Thích ứng Toàn cầu Notre Dame (ND-GAIN), Việt Nam là một trong những quốc gia rất dễ bị tổn thương trên thế giới với xếp hạng 127 trên 182. Việt Nam cũng đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu của Germanwatch trong giai đoạn 2000-2019.
Việt Nam cũng chưa sẵn sàng để đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan, nhiệt độ tăng và mực nước biển dâng cao (xếp hạng 91 trên 192 theo Chỉ số Sẵn sàng của ND-GAIN).
Việt Nam đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: TTXVN, Bộ Giao thông Vận tải, Đảng bộ TP.HCM.
Các tác động của biến đổi khí hậu chủ yếu là nhiệt độ và mực nước biển dâng cao hơn. Cụ thể, như ở miền Bắc, nhiệt độ tăng cao có thể làm giảm năng suất do căng thẳng nhiệt và giảm tuổi thọ sinh trưởng của cây trồng, với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng làm giảm sản lượng hàng năm.
Ở miền Trung, các khu vực và thành phố ven biển sẽ phải hứng chịu ngày càng nhiều lũ lụt do bão nhiệt đới.
Còn tại miền Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, vựa lúa, trái cây và cá của cả nước, sẽ phải chịu nhiều rủi ro do mực nước biển dâng cao. Gần một nửa vùng đồng bằng sẽ bị ngập nếu mực nước biển dâng cao 75-100 cm trên mức trung bình trong giai đoạn 1980–1999, đe dọa thiệt hại kinh tế do độ mặn gia tăng và không thể sản xuất một số loại cây trồng
Phát thải khí nhà kính tăng cao sẽ làm tăng ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân và năng suất lao động.
Các tính toán ban đầu cho thấy Việt Nam mất 10 tỉ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu.
Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% - 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.
Cần 368 tỉ USD để ứng phó biến đổi khí hậu
Để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỉ USD, từ nay đến năm 2040.
Nếu có các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những hoạt động khử carbon của mình để đạt được mục tiêu phát triển sao cho phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP.
Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR) của World Bank đưa ra một số kiến nghị giúp Việt Nam xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Đầu tiên, World Bank kiến nghị Việt Nam cần bảo vệ tài sản, cơ sở hạ tầng và con người của đất nước. Các biện pháp thích ứng cần tập trung vào những lĩnh vực và địa điểm dễ bị tổn thương nhất của đất nước, đặc biệt là nông nghiệp, giao thông, thương mại và công nghiệp, các vùng ven biển và Đồng bằng sông Cửu Long.
Các cải cách chính sách bổ trợ trong lĩnh vực tài khóa và tài chính có thể kích thích đầu tư từ cả khu vực công và khu vực tư nhân. Tổng nhu cầu tài chính ước tính khoảng 254 tỉ USD từ năm 2022 đến năm 2040, bao gồm khoảng 219 tỉ USD để nâng cấp tài sản tư nhân và cơ sở hạ tầng công cộng, cộng với 35 tỉ USD cho các chương trình xã hội.
Thứ hai, theo World Bank, Việt Nam cần đầu tư lớn vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp để tiến tới mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng "0" vào năm 2050.
Các khoản đầu tư ngành sẽ cần được hỗ trợ bởi công cụ định giá carbon. Công cụ này sẽ thay đổi hành vi và giúp huy động vốn cho quá trình chuyển đổi. Ví dụ, việc tăng thuế carbon lên 29 USD trên mỗi tấn carbon dioxide tương đương (tCO2e) vào năm 2030 và 90 USD trên mỗi tCO2e vào năm 2040, sẽ tạo ra nguồn thu bổ sung 80 tỉ USD. Các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà không làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP.
Trong lộ trình khử carbon, tổng nhu cầu vốn cho giai đoạn 2022 - 2040 lên tới 114 tỉ USD, chủ yếu để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng (khoảng 64 tỉ USD), một phần cho công nghiệp, giao thông và nông nghiệp (17 tỉ USD) và các chương trình hỗ trợ xã hội (33 tỉ USD).
Thứ ba, để đáp ứng nhu cầu vốn, Việt Nam cần phân bổ lại tiết kiệm từ khu vực tư nhân trong nước sang các dự án liên quan đến khí hậu, tăng tiết kiệm từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Đầu tư công có thể chiếm khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư và có thể được tài trợ thông qua thuế carbon, hoặc đi vay trên thị trường trong nước.
Nguồn vốn tư nhân tương đương khoảng 3,4% GDP mỗi năm có thể được huy động thông qua tín dụng xanh từ các ngân hàng, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, cũng như áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google