Việt Nam 2024: 10 sự kiện chính trị - xã hội nổi bật
Kiện toàn vị trí lãnh đạo chủ chốt, cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước, tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư công nghệ... là những điểm nhấn ấn tượng trong bức tranh kinh tế - xã hội toàn cảnh của Việt Nam năm 2024.
Ngày 19/7/2024, nhân dân và đất nước bàng hoàng, tiếc thương trước thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 80 tuổi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hơn 57 năm cống hiến cho đất nước, và đã ghi lại những dấu ấn lịch sử với những quyết sách quan trọng, đặc biệt là chiến dịch phòng, chống tham nhũng.
Nổi bật nhất trong di sản chính trị của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" chiến dịch này đã làm trong sạch bộ máy chính trị và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Suốt ba nhiệm kỳ Tổng Bí thư, với chính sách "ngoại giao cây tre", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng Việt Nam lên một vị thế mới trên trường quốc tế, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh châu Âu, mở ra cơ hội hợp tác chưa từng có.
Ông để lại dấu ấn sâu đậm qua tầm nhìn chiến lược, phong cách lãnh đạo mẫu mực và tinh thần cống hiến vì lợi ích chung. Sự ra đi của ông không chỉ là mất mát lớn đối với Đảng, Nhà nước mà còn để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân.
Tang lễ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể, thể hiện lòng kính trọng đối với một nhà lãnh đạo tài ba. Từ các vị lãnh đạo quốc tế đến tất cả người dân, đều bày tỏ lòng tri ân và tiếc thương đối với ông.
Năm 2024 đã ghi nhận sự thay đổi quan trọng về bộ máy lãnh đạo của Việt Nam khi ba vị trí chủ chốt được kiện toàn và có những lãnh đạo mới.
Ngày 3/8, Đại tướng Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Tô Lâm cam kết tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy công cuộc chống tham nhũng và cải cách thể chế.
Ngày 21/10, Đại tướng Lương Cường được bầu làm Chủ tịch nước. Với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực quân sự và kinh tế, Chủ tịch nước Lương Cường cam kết đảm bảo an ninh, phát triển bền vững và khuyến khích hợp tác quốc tế.
Trước đó, vào tháng 5/2024, ông Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Ông Trần Thanh Mẫn cam kết xây dựng chính sách dựa trên tinh thần lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân.
Trong bối cảnh nhiệm kỳ 2021-2026 đã đi được 2/3 chặng đường, năm 2024 là dấu mốc quan trọng, hứa hẹn những bước phát triển vững chắc trong tương lai.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã khởi động cuộc "cách mạng" sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị, tiếp nối Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2017 vào cuối tháng 11/2024.
Quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ tuân theo các nguyên tắc: hợp nhất các cơ quan chức năng tương đồng, giải thể các đơn vị trung gian không cần thiết, chuyển giao chức năng về cơ quan phù hợp. Dự kiến, với cuộc "cách mạng" này, sẽ có 100.000 cán bộ công chức bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, dự kiến sau sắp xếp, số đơn vị trực thuộc Trung ương sẽ giảm ít nhất 4 đơn vị, 25 ban cán sự và 16 đảng đoàn. Bộ máy Chính phủ sẽ thu gọn từ 30 xuống 21 đầu mối, bao gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 9 đầu mối). Số đơn vị của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giảm gần 36%; các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội giảm trên 40%.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh mục tiêu không chỉ là giảm biên chế mà còn tái cấu trúc toàn bộ hệ thống để tinh gọn tổ chức, nâng cao chất lượng cán bộ và phát triển bộ máy hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu mới. Việc tinh gọn bộ máy khó khăn và liên quan đến lợi ích cá nhân, nhưng cần thiết để "cơ thể khỏe mạnh". Việc này giống như "uống thuốc đắng", "chịu đau để phẫu thuật khối u".
Trong quá trình sắp xếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giữ lại cán bộ tinh hoa và ngăn chặn tình trạng "chạy chọt" để đảm bảo sự trong sạch và hiệu quả của bộ máy.
Chỉ tiêu tăng trưởng GDP dự kiến của Việt Nam năm 2024 là 6-6,5%. Nhiều mô hình dự báo rằng con số này là thách thức cho Việt Nam do tình hình kinh tế thế giới khó khăn và nhiều rủi ro nội địa khó lường.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 với mức GDP tăng 5,66% trong quý I - mức cao nhất trong 4 năm qua và tăng 7,4% trong quý III.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến vượt 7%. Việt Nam đã khôi phục đà phát triển như trước đại dịch, cho thấy khả năng thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.
15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra, nhờ vào sự gia tăng trong quý IV từ các đầu tàu kinh tế như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương và Đồng Nai.
Xuất khẩu dự kiến tăng 14,4%, đạt 384,4 tỷ USD. Trong đó nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò trụ cột với kim ngạch xuất khẩu lập mức kỷ lục, hơn 60 tỷ USD, gấp đôi so với 10 năm trước. Đây được xem là bước tiến lớn, khẳng định vị thế quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế.
Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng mạnh với 31,4 tỷ USD vốn đăng ký, cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh Việt Nam.
Bão Yagi là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào nước ta trong 70 năm qua. Cơn bão này gây ra những thảm họa chưa từng có ở nhiều tỉnh miền Bắc và cần đến sự tái thiết lâu dài.
Bão Yagi làm 345 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế hơn 83.700 tỷ đồng, tương đương thu ngân sách nhà nước của toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc năm 2024 (89.200 tỷ đồng) và bằng 0,62% GDP năm 2023, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc gia và sinh kế của hàng triệu người.
Nhà cửa, đường sá, bến bãi, kho tàng ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị phá hủy hàng loạt. Những cánh rừng đang xanh tốt bị bão quật trọc lốc.
Mưa lớn kích hoạt sạt lở đất ở Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hòa Bình. Tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, hơn 1,6 triệu m3 đất đá đổ xuống khu dân cư, phá hủy toàn bộ 33 hộ dân và làm 60 người thiệt mạng, 7 người mất tích.
Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên... nhiều khu dân cư bị nhấn chìm trong nước. Các cầu trên sông Hồng, sông Đuống phải dừng hoạt động do lũ uy hiếp.
Mưa lũ đã kéo sập hai nhịp cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng tại Phú Thọ khiến 8 người mất tích, gây gián đoạn giao thông.
Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với hạ tầng và năng lượng của Việt Nam khi tái khởi động 2 siêu dự án: Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, với tổng vốn đầu tư 1,7 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD), đã được Quốc hội phê duyệt sau 17 năm gián đoạn.
- Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ kéo dài trên 1.500km và kết nối 20 tỉnh thành, dự kiến hoàn thành vào năm 2035. Dự án này kỳ vọng sẽ kích hoạt hạ tầng giao thông tiên tiến, quy mô, giảm tải cho hệ thống đường bộ và hàng không, thúc đẩy phát triển kinh tế và liên kết vùng.
- Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng được Quốc hội cho phép tái khởi động, với kỳ vọng trở thành giải pháp chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Dự án điện hạt nhân sẽ duy trì nguồn điện nền ổn định, góp phần quan trọng vào chuyển đổi năng lượng sạch.
Việt Nam thiết lập nhiều Đối tác Chiến lược Toàn diện và nâng cấp quan hệ với nhiều quốc gia vào năm 2024.
Cụ thể, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Australia, Pháp, Malaysia. Điều này đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác đa lĩnh vực từ thương mại, đầu tư đến an ninh quốc phòng.
Việt Nam cũng nâng tầm quan hệ lên Đối tác Toàn diện với Mông Cổ và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Cùng với đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược với Brazil, mang đến cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng và giáo dục.
Các lãnh đạo cấp cao cũng thực hiện nhiều chuyến công du và nhiều chuyến thăm quan trọng trong năm 2024. Điều này thể hiện sự chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại, thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai.
Việt Nam đứng ở vị trí 44/133 trên bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của WIPO, tăng hai bậc so với năm 2023. Đặc biệt, Việt Nam dẫn đầu thế giới ở ba chỉ số: nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Điều này khẳng định hiệu quả chiến lược phát triển khoa học công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ.
WIPP liên tục ghi nhận Việt Nam là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình có tiến bộ nhanh nhất về đổi mới sáng tạo trong suốt 10 năm qua. Chính phủ cũng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) thường niên, công cụ đo lường năng lực sáng tạo của từng tỉnh thành với mục tiêu lan tỏa tinh thần sáng tạo và thúc đẩy phát triển bền vững phù hợp cùng phát triển kinh tế.
Tại Techfest Việt Nam 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ là "quốc sách hàng đầu" giúp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, yêu cầu sự hợp tác hơn nữa giữa các bộ, ngành và địa phương để hiện thực hóa tiềm năng quốc gia trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng bền vững và chuyển đổi số.
Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực sớm hơn kế hoạch 5 tháng, tính từ 1/8/2024 với mục tiêu tháo gỡ nút thắt pháp lý, thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Luật Kinh doanh Bất động sản cũng có thay đổi nhằm triệt tiêu giao dịch hai giá, tăng tính minh bạch khi yêu cầu bắt buộc thanh toán qua ngân hàng.
Những người có thu nhập trung bình và thấp được hưởng lợi từ Luật Nhà ở mới với cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội, bãi bỏ hộ khẩu và nâng tiêu chí thu nhập.
Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Dược cũng đã được sửa đổi nhằm tăng cường lưới an sinh và bảo vệ quyền lợi người dân. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội giảm từ 20 xuống 15 năm, mở rộng diện tham gia và bổ sung trợ cấp hưu trí.
Luật Bảo hiểm y tế xóa bỏ rào cản địa giới, cho phép người mắc bệnh hiểm nghèo được điều trị toàn quốc.
Luật Dược điều chỉnh quy trình cung ứng thuốc, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người dân.
Việt Nam đã ghi dấu ấn lớn trong việc thu hút đầu tư công nghệ cao với các đối tác đầu tư vào năm 2024. Nỗ lực thu hút đầu tư công nghệ đã thúc đẩy đất nước chuyển mình từ một quốc gia gia công sang trung tâm thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tập đoàn lớn như Apple, Nvidia và Samsung.
Apple cam kết mở rộng hợp tác, tăng cường mua linh kiện từ Việt Nam, hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
NVIDIA khởi động nhà máy AI đầu tiên, góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ trí tuệ nhân tạo thế giới. Samsung mở rộng trung tâm R&D tại Hà Nội với kỳ vọng thành "trái tim công nghệ" Đông Nam Á, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu.
Với các thành tích thu hút đầu tư công nghệ kể trên, Việt Nam không chỉ có thêm hàng ngàn cơ hội việc làm chất lượng cao mà còn có cơ hội trở thành khu vực triển vọng của trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và công nghệ cao.
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đang có kế hoạch dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu tự chủ công nghệ và phát triển các nhà máy chế tạo chip với doanh thu kỳ vọng đạt 100 tỷ USD vào năm 2050.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google