Vì sao hơn 360.000 thí sinh không xét tuyển đại học?
Có 364.000 trên tổng số 1.024.063 thí sinh dự thi tốt nghiệp đã không đăng ký xét tuyển đại học có phải là tín hiệu tích cực cho sự cân bằng thị trường lao động?
Năm 2023 có trên 364.000 thí sinh không xét tuyển đại học
Theo số liệu thống kê, năm 2023 có 364.000 trên tổng số 1.024.063 thí sinh dự thi tốt nghiệp đã không đăng ký xét tuyển đại học, chiếm tỷ lệ 35,5%.
Trong khi năm 2022 có 103.374/1.001.011 thí sinh, chiếm 10,33% không xét tuyển đại học. Năm 2021 tỉ lệ này là 21,79%.
Việc thí sinh không xét tuyển đại học sẽ giúp cho thị trường lao động trong tương lai cân bằng và hài hoà hơn.
Đây thực sự là tín hiệu cho thấy, nhiều học sinh đã có nhiều lựa chọn cho tương lai của mình, không còn xem đại học là cánh cổng duy nhất để bước vào đời. Mặt khác, thị trường phát triển đa dạng, nhiều ngành nghề mới được hình thành; gần như tỉnh, thành nào cũng có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giúp cho học sinh lớp 12 có nhiều lựa chọn khi các em tốt nghiệp trung học phổ thông. Có thể tình trạng cố gắng chen chân vào cánh cửa hẹp của các trường đại học như hàng chục năm về trước rồi tái diễn nạn thất nghiệp sau đại học sẽ bớt căng thẳng.
Việc mỗi mùa thi có hàng trăm nghìn thí sinh dự thi không xét tuyển đại học trong những năm gần đây có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, việc thị trường lao động khát "lao động", cửa tuyển dụng mở rộng cũng khiến thí sinh ngả sang đi làm, thay vì lo học lên đại học. Thị trường lao động cũng không chỉ "cần thầy" mà nhiều ngành nghề luôn rất "cần thợ"- nhất là những "thợ" có tay nghề cao để làm việc trong các khu công nghiệp lớn của các tỉnh, thành.
Những năm trước đây, nhiều học sinh có học lực trung bình cũng cố gắng ôn thi để tìm kiếm cơ hội vào đại học. Nhiều thí sinh ôn đi, ôn lại trong nhiều năm trời mới có thể vào được đại học. Nếu không vào được các trường đại học chính quy thì vào học các hệ tại chức, từ xa, mở… miễn là đại học và được vào "biên chế" nhà nước thì mới… chắc ăn. Các phụ huynh cũng luôn mong muốn, định hướng cho con mình có một công việc gắn với từ "biên chế"; "hợp đồng không xác định thời hạn" thì mới yên lòng.
Song, cũng vì thế mà thị trường lao động ở các tỉnh, thành mất cân đối. Người tốt nghiệp đại học chuyên nghiệp thì nhiều mà nhu cầu công việc ở các cơ quan nhà nước thì có hạn. Từ đây, những tiêu cực trong tuyển dụng nảy sinh, tình trạng chạy việc ở một số nơi bắt đầu xuất hiện, nhiều người cơ hội đứng ra nhận tiền để chạy việc cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học.
Vì thế, có những sinh viên mất tiền mới có việc làm đúng ngành nghề, thậm chí nhiều sinh viên mất tiền oan mà cũng không tìm được việc làm. Cơ hội việc làm cho người có trình độ đại học trở lên ngày càng khó, càng đòi hỏi khắt khe về các tiêu chí tuyển dụng. Nhiều sinh viên các trường đại học lại phải chuyển sang học văn bằng 2 để tìm cơ hội việc làm khác. Thậm chí có những sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học thì quay lại học nghề, hoặc xin vào các khu công nghiệp làm… công nhân.
Trong khi, chi phí học tập cho 4-5 năm đại học những năm gần đây rất lớn. Tiền học phí, tiền trọ, tiền sinh hoạt đều cao khiến cho nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn phải cân đối, tính toán cẩn thận. Tuy nhiên, khi ra trường, nhiều sinh viên khóa trước, những anh chị đi trước luôn vất vả trong tìm kiếm việc làm là những bài học kinh nghiệm quý giá cho những học sinh các khóa sau nhìn vào để định hướng cho việc học hành và tương lai của mình.
Học sinh lớp 12 bây giờ thực tế chứ không còn viển vông nữa
Trước đây, thanh niên học đại học ra thất nghiệp nhiều, cơ hội "starup" ít ỏi, thụ động, nguồn lực lao động nhàn rỗi ẩn trú trong nông thôn, khu dân cư nhiều. Ngày nay, thanh niên có thể tự lựa chọn nhiều cơ hội kinh doanh, kiếm tiền sáng tạo hơn.
Kinh tế thị trường thúc đẩy nhiều ngành nghề phát triển và kéo theo đó là các chính sách đãi ngộ, chế độ bảo hiểm ở các doanh nghiệp tư nhân cũng được thực hiện khá đầy đủ như các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Nếu như trước đây, nhiều sinh viên ra trường vẫn cố gắng tìm kiếm một công việc trong cơ quan nhà nước.
Suy nghĩ vào "biên chế Nhà nước" đã hoàn toàn thay đổi. Phụ huynh cũng không còn quá nặng nề để thúc ép, định hướng con phải vào bằng được đại học, ra trường phải vào biên chế mà họ đã dần "chuyển vai" để con em mình lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Thực tế, cơ chế chính sách về công chức, viên chức thay đổi khiến lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên cũng không còn như xưa.
Công việc bây giờ nhiều chứ không khan hiếm như trước đây nữa. Ngày trước, lao động các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Tây đổ xô đến các tỉnh Đông Nam Bộ để tìm việc làm thì bây giờ người lao động dễ dàng học nghề hoặc tìm một công việc phổ thông tại địa bàn mình sinh sống.
Thu nhập của lao động phổ thông hoặc thợ lành nghề bây giờ cũng không hề thấp hơn những người có trình độ đại học, thậm chí còn cao hơn nên học sinh lớp 12 có nhiều lựa chọn thiết thực. Các em có thể học xong lớp 12 là đi làm công nhân, có thể học trường nghề từ 1,5 đến 2 năm rồi đi làm, hoặc nhiều em đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài một vài năm lấy chút vốn rồi về quê mở cửa hàng kinh doanh riêng.
Những em học trường nghề thường không lo chuyện thất nghiệp vì các trường nghề ở các địa phương bây giờ phần nhiều liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo đơn đặt hàng. Thời gian đào tạo ngắn, ra trường có việc ngay, các chế độ lương bổng, bảo hiểm cũng giống như các ngành nghề khác mà người lao động không quá lệ thuộc vào một công việc, một công ty cố định.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google