Đề xuất chính sách đặc thù cho giảng viên các trường Y, Dược

Lam Linh
19:15 - 16/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội ngoài giảng dạy còn làm công tác kiêm nhiệm ở bệnh viện. Thời gian làm việc ở bệnh viện ít nhất bằng thời gian làm việc ở trường, thậm chí là nhiều hơn. Tuy nhiên, giảng viên chỉ được hưởng một loại lương, phụ cấp.

Đề xuất chính sách đặc thù cho giảng viên các trường Y, Dược - Ảnh 1.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh - Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học, Phó Giáo, Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh - Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Y Hà Nội đã có những chia sẻ về chế độ chính sách đặc thù đối với giảng viên trường Y và Dược.

Gánh trên vai 2 "chữ thầy" nhưng giảng viên trường Y chỉ được nhận một loại lương

Phó Giáo sư Phạm Ngọc Minh cho hay, việc đào tạo ở trường y tương đối dài và có lẽ dài nhất trong các trường đại học. Chẳng hạn như, bác sĩ đa khoa có thời gian đào tạo là 6 năm. Nếu muốn trở thành giảng viên của trường thì cần phải có thêm ít nhất 3 năm đào tạo bác sĩ nội trú. Như vậy, để trở thành giảng viên sẽ trải qua ít nhất là 9 năm đào tạo, còn thường thì phải học lên tiến sĩ và học cao hơn nữa.

"Chúng tôi đào tạo ra đội ngũ cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe người dân. Giảng viên trường Y vừa là thầy giáo, vừa đồng thời là thầy thuốc. Trên vai vác 2 chữ thầy nên chắc chắn trách nhiệm vẻ vang nhưng cũng nặng nề hơn rất nhiều", Phó Giáo sư Phạm Ngọc Minh bày tỏ.

Theo Phó Giáo sư Phạm Ngọc Minh, giảng viên trường Y có tính đặc thù cao khi vừa làm việc tại trường vừa làm công tác kiêm nhiệm ở bệnh viện. Thời gian các giảng viên trường Y làm việc ở bệnh viện ít nhất bằng thời gian làm việc ở trường, thậm chí nhiều hơn. Nếu không làm như vậy thì không thể nào đào tạo ra những bác sĩ giỏi. 

Tuy nhiên, trách nhiệm nặng nề, khối lượng công việc lớn và nặng nhọc là vậy nhưng chế độ chính sách của Nhà nước hiện tại chỉ cho họ nhận một loại lương và phụ cấp cho cả hai việc. 

Phó Giáo sư Phạm Ngọc Minh trăn trở trước thực trạng ấy, một đội ngũ giảng viên y khoa xin ra khỏi cơ sở công lập để chuyển sang giảng dạy tại cơ sở tư nhân. Song, trường không có cách nào để giữ chân giảng viên.

Vậy nên Phó Giáo sư Phạm Ngọc Minh đề xuất cần có cơ chế chính sách phù hợp với khối đặc thù để đào tạo được đội ngũ giảng viên xứng tầm, vừa có tài, vừa có đức và tâm huyết.

"Không có gì giữ chân giảng viên được nếu họ muốn ra đi. Nếu muốn giữ người ta ở lại phải giữ cả tâm huyết chứ không thể giữ bằng các chính sách ràng buộc. Bởi người ta ở lại nhưng không có tâm huyết thì cũng không giải quyết được vấn đề gì cả. Chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có chế độ chính sách phù hợp với tính đặc thù của khối ngành Y, Dược để giúp đào tạo ra đội ngũ cán bộ, giảng viên xứng tầm, giúp cho xã hội đào tạo ra những cán bộ y tế ưu tú nhất", Phó Giáo sư Phạm Ngọc Minh bày tỏ.

Phó Giáo sư Phạm Ngọc Minh, Trường Đại học Y Hà Nội
Ngành Y của Việt Nam so với thế giới cũng như khu vực không hề thua kém. Thậm chí, nhiều giảng viên của Trường Đại học Y Hà Nội còn đi giảng dạy cho các chuyên gia nước ngoài hay chia sẻ kinh nghiệm cho Tổ chức Y tế Thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể phấn đấu ngang tầm khu vực và không thua kém các nước phát triển nếu có chính sách phù hợp.

Kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện trở thành giảng viên trường Y 

Phó Giáo sư Phạm Ngọc Minh cũng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi quy định về điều kiện có thể trở thành giảng viên trường Y theo hướng mở hơn. Thay vì quy định phải có bằng thạc sĩ, nên chăng sửa thành giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội phải có bằng thạc sĩ hoặc tương đương trở lên như bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II. Bởi trong ngành Y, bác sĩ nội trú có trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp cao hơn thạc sĩ. Ngoài ra, cần sửa đổi Nghị định 99/2019 về tự chủ đại học để phù hợp với thực tiễn.

Trước kiến nghị về việc sửa đổi quy định về điều kiện trở thành giảng viên trường Y, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, về mặt đào tạo chuyên môn như bác sĩ nội trú, bác sĩ nội trú chuyên khoa I, chuyên khoa II... đúng là đều không có tương thích đã được xác định trong các văn bản quy phạm pháp luật. 

"Mặc dù thực tế bác sĩ nội trú là những người rất giỏi nhưng đã tương đương trình độ thạc sĩ hay chưa thì Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế cần bàn thảo thêm để làm sao những người giỏi, người tài không bị phiền lụy về những vấn đề về hành chính", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hồi đáp.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: "Chúng ta đi thẳng vào thực chất của trình độ và năng lực của họ. Tuy nhiên, những gì mà hiện nay quy định chưa sửa được thì chúng ta tiếp tục đã. Mong thầy cô cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo có kiến nghị cho thuyết phục trong thời gian sắp tới với sự phối hợp của 2 Bộ".