Những định kiến cản trở học sinh chọn ngành, nghề phù hợp

Đắc Quang
16:45 - 14/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Khi có định kiến, học sinh sẽ từ chối lựa chọn ngành, nghề mà bản thân không có thiện cảm, dù nghề đó có thể là nghề phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Định kiến giới

Định kiến giới trong chọn ngành, nghề là quan niệm, niềm tin rằng nghề nào phù hợp với giới tính nam, nghề nào phù hợp với giới tính nữ.

Theo khảo sát 100 sinh viên của Trường Đại học Trà Vinh năm 2022, Thạc sĩ Trần Ngọc Liên – giảng viên của nhà trường nhận thấy, nhóm ngành thuộc khoa học xã hội có tỉ lệ nữ học cao hơn nam, trong khi nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, tỉ lệ nam cao hơn nữ.

Đối tượng được khảo sát có xu hướng lựa chọn những ngành nghề mà nhu cầu tuyển dụng cao, ưu tiên về giới để đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp. Các thông báo tuyển dụng về nhân viên văn phòng thường kèm theo yêu cầu tuyển nhân viên nữ. Trong khi các thông báo tuyển dụng về lĩnh vực điện, điện tử lại cần nhân sự nam.

Lấy ví dụ về định kiến giới trong chọn ngành, chọn nghề, Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, khi nhắc đến giáo viên, không ít người nghĩ ngay đến cô giáo.

Thực tế, ở các trường học ở cấp càng thấp, tỉ lệ nữ giới làm công việc giáo viên càng lớn, các thầy giáo được nhắc tới rất ít. Ở một số ngành nghề khác cũng có định kiến giới, mặc dù đang dần dần thay đổi và nó phụ thuộc nhiều hơn ở bối cảnh của địa phương.

Những định kiến cản trở học sinh chọn ngành, nghề phù hợp - Ảnh 2.

Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

"Hiện nay, ở nhiều lĩnh vực, nữ giới đang thể hiện khả năng của mình và họ cũng không kém gì nam giới. Chẳng hạn như công nghệ thông tin, trước đây được cho rằng là công việc của nam giới. Nhưng bây giờ, càng ngày, nữ giới làm việc trong lĩnh vực này càng nhiều", Tiến sĩ Lê Đông Phương nhận định.

Định kiến giới khi chọn ngành, chọn nghề không chỉ làm hạn chế lựa chọn của thanh niên trong những công việc được cho là phù hợp với giới tính của mình, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhiều mặt của xã hội.

Phân tích dẫn chứng về việc giáo dục mầm non thường chỉ có nữ giới theo đuổi, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: Nếu trong những trường học mà chỉ có một giới tính giảng dạy thì học sinh sẽ bị ảnh hưởng bởi đặc điểm giới của giới tính đó.

Trong khi, chúng ta có hai giới tính và nhiều xu hướng tính dục, sự chênh lệch giới tính trong môi trường giáo dục cũng sẽ khiến các học sinh rất khó để phát triển toàn diện.

Không có bằng chứng nào để khẳng định cho việc chăm sóc trẻ, chăm sóc sắc đẹp, điều dưỡng, giáo viên, nhân viên ngân hàng,… chỉ dành cho nữ. Cũng không có bằng chứng nào chứng minh những ngành như điện – điện tử, xây dựng, phi công, kỹ thuật… chỉ dành cho nam.

Ngoại trừ những công việc ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con, công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước, công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ, người phụ nữ hoàn toàn có thể đảm nhiệm được mọi công việc khác nếu được giáo dục, rèn luyện và tạo điều kiện để thực hiện.

Theo Điều 160 "Bộ luật Lao động năm 2019" quy định về công việc không được sử dụng lao động nữ gồm: công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành; công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước; công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ.

Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ như lái máy kéo nông nghiệp có công suất từ 50 mã lực trở lên; cán kim loại nóng (trừ kim loại màu); trực tiếp luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thiếc, thủy ngân, kẽm, bạc); đốt lò luyện cốc

Tương tự, nam giới cũng có thể làm những công việc vốn được cho là "lãnh địa" của phụ nữ như chăm sóc sắc đẹp, thiết kế thời trang hay nuôi dạy trẻ.

Sự khác biệt về giới tính không phải là nguyên nhân khiến nam giới hay nữ giới bị khu biệt ở một nhóm nghề. Mà chính định kiến giới mới là rào cản cho sự đa dạng lựa chọn của mỗi người.

Định kiến về nghề

Nghề lương cao, nghề lương thấp

Tiến sĩ Lê Đông Phương cho biết, đã có thời gian, nhiều người nói rằng công việc của nhân viên ngân hàng hay tài chính kiếm được mấy chục triệu mỗi tháng, cuối năm được thưởng mấy trăm triệu. 

Khi đó, ở các cơ sở đào tạo có những ngành học liên quan đến ngân hàng, rất đông người đăng ký vào học vì tương lai, thu nhập. Ngược lại, cũng có những ngành được mặc định là lương thấp như sư phạm, cơ khí.

Những người làm giáo dục thường gặp phải câu hỏi của học sinh là thu nhập của ngành này sau này thế nào. Tham gia vào các nhóm trên mạng xã hội, nhiều em cũng có thắc mắc tương tự. 

Những định kiến cản trở học sinh chọn ngành, nghề phù hợp - Ảnh 4.

Nhiều học sinh quan tâm đến nghề có lương cao mà không xem xét đến yếu tố phù hợp với bản thân. Ảnh: Thiên Ân

"Tôi cho rằng đây điểm hạn chế lớn nhất của thanh niên Việt Nam", Tiến sĩ Lê Đông Phương phân tích: "Trong thực tế, có những người không làm những công việc được xã hội cho là lương cao, nhưng thu nhập của họ vẫn rất tốt".

Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, mỗi năm có nhiều công việc bị mất đi do máy móc thay thế, và cũng nhiều công việc mới được hình thành. Mỗi nghề đều có đóng góp và giá trị riêng trong xã hội.

Một công việc tốt không phải chỉ bởi lương cao, mà còn là khả năng thăng tiến, phát triển bản thân, địa vị xã hội, những mối quan hệ chất lượng… Khi đã nỗ lực để trở thành người dẫn đầu trong ngành, nghề nào đó, những giá trị mà cá nhân nhận lại sẽ xứng đáng.

Nghề danh giá, nghề tầm thường

Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, định kiến về nghề danh giá, nghề tầm thường là một trong những định kiến phổ biến tại Việt Nam.

"Người ta nghĩ rằng làm quản lý là nghề rất tốt. Do đó, phải học ngành/chuyên ngành nào để vào vị trí quản lý sau này, như quản trị kinh doanh, quản trị nhân lực hay một số ngành nghề nghe tên có vẻ sẽ làm được quản lý. Những công việc lao động chân tay nặng nhọc thường ít được coi trọng hơn.

Tôi đã gặp trường hợp, học sinh hỏi học cái gì để sau này ra làm giám đốc? Tôi đã hỏi lại là giám đốc gì? Bởi có những chức giám đốc rất to, với công ty, tập đoàn trị giá hàng ngàn tỉ đồng. Nhưng cũng có những giám đốc chỉ trên lái xe, ngoài ra không có ai nữa", Tiến sĩ Lê Đông Phương lấy dẫn chứng.

Trên thực tế, một nghề được cho là danh giá nhưng người làm lại thực hiện với thái độ hời hợt, tắc trách thì người đó sẽ không được coi trọng. Một nghề được cho là không danh giá nhưng được thực hiện với toàn bộ tâm huyết, trách nhiệm thì người đó vẫn sẽ được tôn vinh.

Không có nghề danh giá hay tầm thường. Quan trọng nhất là bản thân phải nỗ lực, cố gắng và giữ vững đạo đức nghề nghiệp. Khi đó, dù ở vị trí công việc nào, cá nhân cũng sẽ đạt kết quả tốt đẹp và được mọi người kính trọng.

Nhìn vào tiêu cực của nghề

Có những câu nói mang định kiến về đặc điểm của nghề, định kiến về người làm nghề, thường được đưa ra để châm biếm, thậm chí hạ bệ người khác trong những cuộc trò chuyện. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh khi chọn nghề, chọn ngành.

Những định kiến cản trở học sinh chọn ngành, nghề phù hợp - Ảnh 5.

Những mặt tối của nghề cũng tác động đến học sinh khi lựa chọn ngành, nghề. Ảnh: Thiên Ân

Với nghề kế toán, có định kiến rằng người kế toán giỏi là người giúp doanh nghiệp trốn thuế tốt. Với ngành công nghệ thông tin, người theo ngành này bị gán mác là khô khan và khó tìm được người yêu. Với nghề giáo viên thì bị cho là "phải nghèo vì đó là nghề cao quý", hay với giáo viên mầm non thì bị so sánh là người trông trẻ.

Có định kiến cho rằng nghề luật sư là nghề xúi bị can, bị cáo đối phó, gây khó khăn trong công tác điều tra, xét xử; muốn làm luật sư thì phải cãi nhau giỏi. Trong ngành báo chí, định kiến được thể hiện qua câu "nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm".

Nghề nào cũng có người làm tốt, người làm không tốt. Sự tiêu cực của ngành nghề phụ thuộc vào năng lực chuyên môn và đạo đức cá nhân của người đó chứ không phải đặc thù của ngành.

Xét ở góc độ tích cực, những câu nói mang định kiến về ngành là lời nhắc nhở cho mỗi người làm nghề cần nghiêm túc, chuyên nghiệp và tử tế, chứ không phải để miệt thị, chỉ trích một công việc. Bởi xét cho cùng, bất cứ nghề nào trong xã hội cũng đều có giá trị của riêng mình.

Định kiến về tính cách

Người hướng nội có học được ngành truyền thông/sư phạm/quan hệ công chúng được không? Đây là câu hỏi thường được đưa ra trong mỗi đợt tư vấn hướng nghiệp của các trường hay trên các diễn đàn.

Những định kiến cản trở học sinh chọn ngành, nghề phù hợp - Ảnh 6.

Các ngành nghề thường được gán là phù hợp với một số tính cách nhất định. Ảnh: Thiên Ân

Nhiều ngành bị gán mác là người làm trong đó cần có một vài tính cách nhất định. Người hướng ngoại được cho là phù hợp với những ngành như báo chí, truyền thông, marketing, chuyên viên nhân sự, bán hàng, kinh doanh. Người hướng nội thì được cho là phù hợp với những ngành như kế toán, công nghệ thông tin, kỹ thuật, luật, chăm sóc sức khỏe, thiết kế.

Học sinh cần phân biệt sự khác nhau giữa ngành và vị trí công việc. Mỗi ngành có nhiều vị trí công việc khác nhau. Mỗi công việc lại có yêu cầu về trình độ, kỹ năng, đặc điểm tính cách khác nhau.

Chẳng hạn với ngành báo chí, truyền thông, cũng có nhiều vị trí công việc phù hợp với người không muốn phải giao tiếp nhiều như biên tập viên, thiết kế đồ họa, quay phim, dựng phim.

Do đó, khi tìm hiểu về ngành, học sinh cần tìm hiểu cả các vị trí công việc có thể đảm nhiệm sau khi học ngành đó, rồi tìm hiểu yêu cầu tính cách mà công việc đặt ra với người thực hiện. Khi đó, học sinh mới không bị bỏ lỡ những công việc mà có thể bản thân phù hợp.

Bên cạnh những định kiến trên, theo Tiến sĩ Lê Phương Đông, có một định kiến nữa vẫn còn khá phổ biến đó là phải vào được nhà nước thì mới ổn định. Bởi vậy học sinh rất hay đặt ra câu hỏi: học xong ngành này, em có thể làm gì trong nhà nước/có thi được vào nhà nước không?

Với cơ chế trước đây, nếu vào được các cơ quan nhà nước thì có thể làm được ở đó suốt đời và không lo lắng gì. Trải qua những biến động xã hội, người ta thấy rằng, dường như người nhà nước là sung sướng nhất bởi thậm chí đôi khi không phải làm gì nhưng vẫn được trả lương đều đặn. Vì sự an toàn nên dù vào nhà nước lương không cao nhưng nhiều thí sinh vẫn theo đuổi.

Xã hội luôn vận động và biến đổi không ngừng. Không có gì là an toàn mãi, chỉ có nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng và sự linh hoạt của bản thân mới giúp cá nhân vượt qua mọi sóng gió.

Trên đây là một số định kiến tác động đến nhận thức của học sinh trong quá trình học tập và lựa chọn nghề, ngành phù hợp với bản thân. Tùy thuộc vào địa lý, môi trường giáo dục, nhận thức cá nhân,… mà các định kiến trên có thể xuất hiện, diễn ra nặng, nhẹ khác nhau.

Nâng cao nhận thức và loại bỏ dần những định kiến là điều cần thiết để học sinh mở rộng cơ hội lựa chọn ngành, nghề cho bản thân. Đồng thời, các em cũng phải hiểu rõ sở thích, năng lực của mình và hiểu nhu cầu thị trường lao động. Khi đó, việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp không còn là điều khó khăn.