Vì sao cần dẹp bỏ môn Kỹ năng sống ra khỏi trường học?

Ly Hương
14:15 - 26/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều trường tiểu học (kể cả trung học cơ sở, trung học phổ thông) "chèn" môn Kỹ năng sống vào giờ học chính khóa khiến học sinh quá tải, mệt mỏi còn giáo viên thì phải làm thêm việc - thậm chí không công - và phụ huynh bị mất tiền oan uổng.

Chia sẻ về việc nhiều nhà trường phổ thông đưa môn Kỹ năng sống trá hình vào giờ học chính khóa, nhà giáo L.T.T. (Thanh Hóa) đề nghị cần dẹp bỏ môn học này ra khỏi chương trình học và cần sự vào cuộc nhanh chóng của ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương.

Cần dẹp bỏ ngay "môn" Kỹ năng sống

Nhà giáo L.T.T. cho biết, môn Kỹ năng sống được phép được đưa vào dạy thêm trong nhà trường (tiểu học) là bắt đầu từ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT (quy định về việc dạy thêm học thêm).

Đến nay đã 11 năm, có rất nhiều hình thức và sự biến tướng đã diễn ra suốt từ 2012 đến nay. Đã đến lúc phải bỏ môn học này trong nhà trường vì nhiều lý do. 

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành đến nay đã 5 năm. Trong chương trình này ngoài các môn học truyền thống như trước đây, thì có những môn học mới như môn Hoạt động trải nghiệmHoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Nội dung của môn này theo chương trình tổng thể quy định: "Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học khác nhau để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hóa những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, kỹ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai".

Riêng đối với bậc tiểu học, môn học này đặt mục tiêu: "Giai đoạn giáo dục cơ bản ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi".

Như vậy, "kỹ năng sống" đã được chương trình hóa chính thức, ít nhất là trong môn Hoạt động trải nghiệm này. Ngành giáo dục đã quá chậm trễ và thiếu trách nhiệm khi một nội dung đã được chính thức đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân suốt 5 năm qua nhưng vẫn không chấm dứt hiệu lực của cái cũ. Trong bối cảnh thực tế, cái cũ đã rất tù mù, mờ nhòe và tùy tiện.

Nhà giáo L.T.T. đặt vấn đề, "kỹ năng sống" là kỹ năng sinh tồn, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp hay nhiều kỹ năng khác? Học và sử dụng tốt tiếng mẹ đẻ hay ngoại ngữ có phải là một thứ kỹ năng sống không? Biết tính toán giỏi, có phải cũng là kỹ năng sống không?

"Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chính thức bỏ môn học Kỹ năng sống này trong quy định về dạy thêm học thêm ở Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT. Đồng thời cũng bỏ luôn "bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao" ra khỏi nội dung học thêm ở cấp tiểu học, vì Chương trình giáo dục phổ thông mới đã chính thức đưa vào như môn học chính rồi.

Theo đó, tất cả mọi hoạt động dạy thêm học thêm nên đưa ra khỏi khuôn viên nhà trường. Phụ huynh học sinh và học sinh muốn học thêm kỹ năng gì thì tự tìm đến các lớp học ngoài giờ phù hợp, theo đúng luật cung - cầu, và theo phát hiện của phụ huynh đối với khả năng của học sinh. Không nên biến các nhà trường thành các trung tâm trá hình, "chính khoá hoá" các môn học không bắt buộc", nhà giáo L.T.T. đề xuất.

Cần rà soát lại việc các nhà trường liên minh với các trung tâm nhằm móc túi phụ huynh cho các môn học kĩ năng sống

Nhà giáo L.T.T. mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng tổng rà soát lại tình trạng liên kết giữa các trung tâm (tiếng Anh, kỹ năng sống, lữ hành...) với hệ thống nhà trường trên cả nước.

Bởi vì, các trung tâm này có chất lượng ra sao, ai kiểm soát, công tác giảng dạy được tiến hành thế nào, ai đánh giá kết quả học tập của học sinh; việc "liên kết" này có làm ảnh hưởng đến chương trình giáo dục quốc dân hay không. Có hay không sự ép buộc học sinh tham gia, việc tuỳ tiện cấp phép xếp xen kẽ các tiết "tăng cường" vào giữa buổi học; mức học phí không dựa trên quy định nào…? Có hay không việc các trung tâm "thế lực" thao túng bao thầu hệ thống trường lớp của cả một địa phương?

"Chúng ta đang có một chương trình giáo dục đổi mới từ sự huy động trí tuệ của cả một đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu, tiến hành soạn thảo, tập huấn, đổ hàng trăm nghìn tỉ đồng ngân sách để thực hiện mà bây giờ lại vẫn phải cần các trung tâm bên ngoài vào làm thay cho nhà trường? Phải chăng hệ thống giáo dục quốc dân đã không thực hiện được sứ mệnh của mình, để đến nỗi phải để các trung tâm giáo dục ngoài luồng kí sinh, trôi nổi đảm trách?

Chương trình giáo dục nước ta với cơ sở vật chất, đội ngũ đang vận hành bằng những khoản tiền thuế khổng lồ của người dân. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hành động chấn chỉnh việc các trung tâm bên ngoài "hiên ngang" đi vào hệ thống giáo dục quốc dân, biến trường lớp thành "sân nhà", chia sẻ lợi ích và thao túng tâm lý phụ huynh, học sinh, ngang nhiên làm tiền trên đầu hàng triệu học sinh và phụ huynh khắp cả nước", nhà giáo L.T.T. nêu ý kiến.