Chèn môn "tự nguyện" vào chính khóa: Hiệu trưởng vi phạm nghiêm trọng quy chế chuyên môn

Minh Anh – Ly Hương
08:30 - 25/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 bậc tiểu học học 2 buổi/ngày, tối đa 7 tiết. Thế nhưng, nhiều trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ngang nhiên tổ chức dạy "xen kẽ" các môn học tăng cường, tự nguyện và bắt phụ huynh đóng tiền.

Chèn môn "tự nguyện" vào chính khóa: Hiệu trưởng vi phạm nghiêm trọng quy chế chuyên môn - Ảnh 1.

Bên cạnh các môn bắt buộc, hiện nhiều trường đưa thêm STEM, kỹ năng sống, tiếng Anh với người bản ngữ vào thời khóa biểu chính khóa. Ảnh do phụ huynh cung cấp

Học sinh lớp 1 đã học môn Kĩ năng sống, STEM

Anh N.V.Đ. là nhà giáo bậc phổ thông, cũng là một phụ huynh ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, bức xúc phản ánh về thời khóa biểu của con mình, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học K.Đ. đóng trên địa bàn này.

Theo thời khóa biểu, một số môn "tự nguyện" mà nhà trường đang tổ chức dạy học có thu phí là STEM, Kỹ năng sống, Tiếng Anh với người bản ngữ (?)… đan xen cùng các môn bắt buộc trong giờ chính học khóa.

Học phí các môn "tự nguyện" như sau: STEM là 90.000 đồng/học sinh/tháng; Kỹ năng sống: 92.000 đồng/học sinh/tháng; học ngoại ngữ với người bản ngữ (?) 205.000 đồng/học sinh/tháng…

Là nhà giáo rất am hiểu về Chương trình mới, anh N.V.Đ. khẳng định, đối với học sinh tiểu học thì các môn STEM, Kỹ năng sống,… có thể lồng ghép vào nhiều môn học như Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm...

Theo anh N.V.Đ., điều kì lạ là, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có môn Hoạt động trải nghiệm nhưng không hiểu vì sao nhà trường lại "đẻ" ra môn Kỹ năng sống, mà học sinh phải đóng tiền mới được học.

Chia sẻ thêm về cách dạy chèn môn "tự nguyện" vào thời gian chính khóa, anh N.V.Đ. nêu hệ lụy: "Thử hình dung trong giờ hành chính buổi sáng, giả sử một lớp học có 40 học sinh, trong đó có 39 em đăng ký môn "tự nguyện" thì được xuống phòng học. Còn một em vì gia đình không có điều kiện, không thể đăng ký cho con em học, thì em học sinh lủi thủi một mình thế nào?

Các em chưa đủ lớn để hiểu đây là môn "tự nguyện" ai có tiền thì học, mà các em sẽ nghĩ bản thân mình bị cô lập, tách ra khỏi tập thể. Dần dần học sinh sẽ bị khủng hoảng tâm lí, dẫn đến lầm lì và có nguy cơ bị tự kỉ. Học sinh bị cô lập còn nguy hiểm hơn cả bạo lực học đường chứ không phải chuyện đùa".

Anh N.V.Đ. bày tỏ, hãy trả các môn ngoại khóa đúng về vị trí của nó. Sau khi học sinh kết thúc giờ học chính khóa, phụ huynh nào có nhu cầu thì đăng kí cho con theo học, còn ai không thích thì thôi. Nhà trường phải công khai nội dung giảng dạy (chương trình do ai biên soạn, thẩm định).

"Nhà trường không được dạy "xen kẽ" môn "tự nguyện" vào thời gian chính khóa của học sinh và thu tiền, vì như thế là ăn cắp thời gian học của học sinh và làm trái quy định của Chương trình mới", N.V.Đ. nói gay gắt.

Thu tiền kĩ năng sống: một vốn bốn lời

Chèn môn "tự nguyện" vào chính khóa: Hiệu trưởng vi phạm nghiêm trọng quy chế chuyên môn - Ảnh 3.

Môn tự nguyện xuất hiện trong thời khoá biểu chính khoá. Ảnh phụ huynh cung cấp

Liên quan đến việc các nhà trường phổ thông chèn môn học "tự nguyện" vào các môn học chính khóa, một giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc này các nhà trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đã làm từ nhiều năm qua. Ở các địa phương trên cả nước cũng xảy ra tình trạng này nhưng không mấy phụ huynh dám phản ánh.

"Nhiều trường nói với phụ huynh là học sinh được học tiếng Anh với người bản ngữ kiểu "lập lờ đánh lận con đen". Bởi vì, có nhiều trường thuê giáo viên người Malaixia, Philippines,… thậm chí cả người Nga vào dạy tiếng Anh chứ làm gì có thầy cô bản ngữ là người Anh, người Mĩ.

Lạ đời nhất là môn Kĩ năng sống, các nhà trường thu tiền học sinh vô tội vạ, nhiều trường thu 100.000 đồng/học sinh/tháng. Tính trung bình, một lớp đóng 4 triệu đồng tiền học cho môn này. Một tháng học sinh học 8 tiết, giáo viên dạy được trả thù lao cao nhất là 100.000 đồng tiết. Như thế, còn hơn 3 triệu/tháng không biết hiệu trưởng chi vào việc gì.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có 40 lớp. Một tháng nhà trường thu tiền kĩ năng sống khoảng 120 triệu, một năm sẽ ra con số khoảng hơn 1 tỉ đồng - đã trừ các khoản chi phí, nhưng gần như chẳng hiệu trưởng nào công khai tài chính minh bạch.

Lãnh đạo Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh có biết không? Các cơ quan quản lí giáo dục này biết cả nhưng bao năm qua họ vẫn không có động thái nào chấn chỉnh. Ngược lại, khi được truyền thông chất vấn thì họ tìm mọi cách nói cho qua.

Mới đây, một tờ báo dẫn lời lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo một quận ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Tin học quốc tế, tiếng Anh với người bản ngữ (?) là các môn tự nguyện, được quy định mức thu trong Nghị quyết 04/2023 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi được phóng viên hỏi tại sao phải "đan xen" các môn "tự nguyện" vào với các môn chính khóa trong thời khóa biểu, mà không xếp ở sau giờ chính khóa, một cán bộ quản lý chia sẻ "vì nếu để các môn tự nguyện sau 15 giờ mới học thì lấy đâu ra đủ giáo viên chỉ dạy mỗi kĩ năng sống, hay mỗi tiếng Anh cho cả trường... Nên các trường chọn phương án sắp xếp xen kẽ, để học sinh được học, hoàn thành các đề án".

Kể cả đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng than thở: "Ngoài các tiết chính khóa, nhà trường bổ sung một số hoạt động liên quan đến kỹ năng, liên quan đến các đề án như Tin học hoặc ngoại ngữ. Tuy nhiên, việc sắp xếp rất là căng, giữa cái chung và cái ngoài, có những cái không thể tách biệt, độc lập được, tùy thực tế từng trường".

Khi phóng viên nêu câu hỏi, có quy định nào về việc sắp xếp các tiết chính khóa bắt buộc và các tiết "tự nguyện" trong thời khóa biểu không, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo nói: "Bây giờ giao tự chủ của nhà trường. Nhà trường sẽ trên tinh thần sắp xếp, bởi không phải chỉ là số tiết, không phải chỉ nhấn vào số tiết là được. Mà còn là việc phân công giáo viên phù hợp, làm việc với các bên hỗ trợ, đủ thứ chuyện hết, nên từng đơn vị nhà trường sẽ có cách xử lý khác nhau. Nếu mà mình cứng quá, bắt buộc chỗ này phải buổi chiều hay như thế nào đó, vân vân… thì sẽ rất là khó".

Tuy vậy, nhiều phụ huynh am hiểu về giáo dục hoàn toàn không đồng tình với cách trả lời của đại diện các cơ quan quản lí giáo dục. "Phải chăng, việc các nhà trường tổ chức dạy xen kẽ các môn học tăng cường, tự nguyện và bắt phụ huynh đóng tiền là "sân sau" của hiệu trưởng và nhiều người có liên quan? Nếu lãnh đạo các địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo không mổ xẻ việc này đến nơi đến chốn thì sẽ tạo cơ hội cho "Việt Á" trong giáo dục lên ngôi", một phụ huynh thẳng thắn nói.