Những câu chuyện về giáo dục kỹ năng sống chưa cũ

GS.TS Phạm Tất Dong
09:53 - 24/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tôi nói về những câu chuyện có thật và đơn giản, nhưng bên trong là góc nhìn về kỹ năng sinh tồn (kỹ năng sống - Life skills) của con người được giáo dục chu đáo.

1. Mùa đông năm 1969, lần đầu tiên tôi đến nước Nga - một xứ sở nổi tiếng về giá lạnh của băng tuyết. Một buổi chiều tuyết rơi trên Hồng trường Moskva, tôi thấy một thiếu phụ đẩy một chiếc xe trẻ con, trên xe là một cháu bé mấy tháng tuổi, được quấn kín mít, chỉ ló ra bộ mặt xinh xẻo, trắng hồng.

Tôi tập làm quen và cũng để tập nói tiếng Nga:

- Chào chị, chắc chị cho cháu đi dạo?

- Đúng vậy, cho cháu ra trời tuyết mỗi ngày một lần anh ạ.

- Cháu không lạnh sao?

- Cần cho cháu làm quen với lạnh. Lớn chút nữa, chúng sẽ chơi trên tuyết với các bạn nhỏ, chúng sẽ thành những con người thích ứng với mùa đông tuyết trắng.

Các bà mẹ trẻ ở Việt Nam mà bế con ra ngõ hôm gió mùa Đông - Bắc, chắc chắn là bị la rày bởi chồng hoặc cha mẹ, mặc dù nhiệt độ mới đạt 18-20 độ C, trong khi ở Moskva là -18 độ C, trẻ em vẫn ra chơi trên bãi tuyết, trong các công viên.

Suốt 5 tháng mùa đông đầu tiên ở Moskva, tôi sống trong một khách sạn trên một sườn đồi thoai thoải, xung quanh khách sạn là bãi tuyết trắng tinh khôi. Chiều nào, lũ trẻ lau nhau cũng ra nô đùa trên tuyết. Đứa nhỏ nhất khoảng 5 tuổi, đứa lớn nhất chưa hết tuổi nhi đồng. Chúng đắp những bù nhìn tuyết, vật nhau trên tuyết, bốc tuyết ném nhau...

Những câu chuyện về giáo dục kĩ năng sống chưa cũ - Ảnh 1.

Học sinh Nhật Bản luôn tự đi tới trường từ khi còn học tiểu học. Ảnh: Japanet

2. Năm 1980, tôi đi nghiên cứu giáo dục ở Nhật Bản. Vào một trường tiểu học hôm tuyết rơi như mưa nặng hạt ở Việt Nam, bọn trẻ lớp 1 đi đầu trần, con trai mặc quần ngắn, con gái mặc váy ngắn.

Bà Hiệu trưởng nói với tôi: Ông thấy đấy, bọn trẻ sẽ có kỹ năng sống thích ứng với mùa đông, và chúng sẽ là những người Nhật khỏe mạnh.

3. Trước năm Liên Xô sụp đổ, tôi quá cảnh Moskva rồi bay sang Ulan-Bato dự Hội nghị giáo dục các nước xã hội chủ nghĩa. Vào ngày chủ nhật, các đoàn đại biểu được bố trí đi thăm một vùng thảo nguyên đầy mơ mộng và kỳ thú.

Chủ tịch của một xã mà chúng tôi đến thăm đã tổ chức một cuộc đua ngựa, mà hầu hết người đua là những thiếu niên 15-16 tuổi; đứa lớn nhất thường là những thanh niên 21-22 tuổi. Cả trăm con ngựa phóng như bay trên đồng cỏ để tranh ngôi đầu bảng.

Những câu chuyện về giáo dục kĩ năng sống chưa cũ - Ảnh 2.

Những chú bé Mông Cổ biết cưỡi ngựa rất sớm với vẻ đẹp mạnh mẽ. Ảnh: Công Nghĩa/DongNai

Ông Chủ tịch xã ra tiếp chúng tôi cưỡi trên một con ngựa ô rất đẹp, theo sau là một con ngựa nâu, trên lưng ngựa là "chú nhóc" mới 4 tuổi. Nó là con trai ông Chủ tịch. Bọn tôi xúm lại chỗ chú bé tí nhau đó.

Bố nó nói với chúng tôi:

- Chỉ mười năm nữa thôi, nó sẽ là đứa trẻ cưỡi ngựa đi khắp thảo nguyên mênh mông này.

Tôi hiểu, niềm tự hào của cha đứa bé, hiểu lịch sử của dân tộc Mông Cổ cả nghìn năm qua là lịch sử của những con người lao động và chiến đấu trên lưng ngựa - kỹ năng cưỡi ngựa không cần yên ngựa với dân tộc họ phải có khi trẻ con mới biết chạy nhanh trên mặt cỏ.

4. Ở các nước như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển, Phần Lan..., người ta luôn cho rằng, dạy cho trẻ em những kỹ năng sinh tồn trước hết là trách nhiệm của gia đình, càng sớm càng tốt, sau đó mới nói đến trường học. Đứa trẻ càng tự làm được việc có ích cho sự sống của nó thì lớn lên, nó càng tháo vát, thông minh, lanh lợi, đứng trước mọi khó khăn, nó dễ dàng tìm ra cách ứng phó.

Ở nhiều quốc gia, trẻ em được học tập, vui chơi qua đó biết dựng lều cắm trại, biết tìm phương hướng trong rừng rậm, biết phân biệt nước sạch, nước uống được khi đi lạc vào vùng hoang vắng, biết những loại hoa quả có thể ăn khi đói bụng, biết các hình thức bắt cá, làm bẫy bắt chim, sóc, thỏ..., cách đánh lửa khi không có bật lửa hay diêm, cách mổ chim, thỏ, cá khi không có dao v.v...

Với trẻ nhỏ hay phải ở nhà một mình, cha mẹ thường dạy cho chúng cách ứng phó khi có kẻ xấu định bắt cóc hoặc lấy đồ đạc, biết dùng điện thoại gọi đến những nơi có sự hỗ trợ.

Với trẻ lớn hơn chút nữa, việc sử dụng dụng cụ điện sinh hoạt an toàn, cách dùng tủ lạnh, quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt, nấu cơm, làm thức ăn... đều là kỹ năng sống cần thiết mà đám trẻ không thể thiếu được.

Với thiếu niên, những kỹ năng cần để tránh bị bắt nạt, bị tấn công từ người xấu, những cách ứng phó với các tình huống thiên tai, hỏa hoạn..., cách trợ giúp người bị tai nạn hoặc bị các sự cố nguy hiểm... đều là cần thiết trong sự dạy dỗ hàng ngày với chúng.

Nhiều người đàn ông ngày nay không biết đi chợ, không biết làm cá, chế biến thịt, không biết nấu cơm. Họ ăn nhiều món ăn do người khác làm mà không hiểu công thức chế biến ra món đó. Khi vợ vắng nhà, ông ta không biết nấu cho mình một bát cơm bằng cách nào, không biết làm món trứng ốp la ra sao, mặc dù rất thích món này, trong khi đây chỉ là món ăn với kỹ thuật đơn giản nhất.

Cũng không ít người ở khách sạn khi áo bị đứt chiếc cúc, khi quần bị sứt chỉ mà chịu bó tay, mặc dù người ta đã để sẵn trong tủ một hộp kim và chỉ nhiều màu với vài ba cúc áo có cỡ khác nhau.

5. Ngày 01/5/2023, một chiếc máy bay nhỏ bị rơi xuống rừng Amazon (Colombia). Những người lớn trên máy bay chết hết, chỉ còn 4 em nhỏ sống sót. Chúng là chị em ruột, đứa lớn nhất là Lesly Jacobombairo Mucuty (13 tuổi, con gái) và các em của nó là Soleing Jacobombairo Mucuty (9 tuổi), Tien Ranoque Mucutuy (4 tuổi), Cristin Romoque Mucutuy (11 tháng tuổi).

Mẹ lũ trẻ là bà Magdalena Mucutuy bị thương, sau mấy ngày thì chết. Bà dặn con gái lớn đưa các em ra xa nơi máy bay rơi, tìm cách sống để chờ người đến cứu.

Sau khi mẹ mất, Lesly tìm kiếm trong máy bay, thu gom được một chiếc lều vải, 3kg bột sắn, 2 điện thoại di động, chiếc đèn pin, 2 cái túi đựng khăn tắm, áo quần và tã lót trẻ em... Tai nạn xảy ra vào mùa cây cối trong rừng Amazon đơm hoa, kết trái. Đó là điều may mắn nhất cho lũ trẻ.

Xuất thân từ cộng đồng thổ dân Huitoto, Lesly được bà ngoại dạy cho các kỹ năng câu cá, săn bắt và tìm thức ăn, xác định phương hướng qua các tia nắng xuyên qua các tán lá, nhận biết các loại nấm có thể ăn được, các loại quả trong rừng có thể làm thức ăn, các lối đi trong rừng có những nguy hiểm không được đi.

Lũ trẻ thuộc bộ lạc Huitoto được người lớn dạy trèo cây, có đưa ba, bốn tuổi đã trèo cây khá thạo.

Lesly cõng em nhỏ Cristin, cùng Soleiny mang theo đồ đạc ra gần bờ sông, cách nơi xảy ra tai nạn mấy km. Sau khi dùng hết bột sắn Farina, bọn trẻ bắt đầu hái các trái cây và tìm kiếm các loại hạt để ăn. Ban ngày chúng kiếm ăn và Lesly làm nhiệm vụ nuôi em nhỏ, quản lý 2 đứa lớn. Ban đêm, chúng biết dựa vào cây để tránh thú dữ.

Sau 40 ngày sống giữa đại ngàn Amazon, lũ trẻ được chú chó nghiệp vụ của Đội cứu hộ phát hiện. Đó là chú chó có tên gọi là Wilson, thuộc giống Berger Bỉ (Malinois). Đội cứu hộ đã đưa 4 đứa trẻ này về Bệnh viện Quân đội tại thủ đô Bagota của Columbia. Hôm ấy là ngày 9/6, đúng 40 ngày bốn đứa trẻ tự lực nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ nhau tại rừng Amazon đầy rắn độc, báo đốm, muỗi mòng và rắn rết.

Chỉ có những kỹ năng sinh tồn tuyệt vời mà lũ trẻ đã sống sót sau một thảm họa.

Qua câu chuyện 4 em nhỏ ở Columbia sống sót trong một tai nạn, chúng ta càng thấy cần quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống cho con em mình ngay khi chúng còn trứng nước. Cuộc sống vốn bất thường, khó lường, cho nên kỹ năng sống sẽ như lá bùa hộ mệnh cho con người. Trước những rủi ro, bất trắc, đừng có bao giờ trông chờ ở sự may mắn, nhưng cũng đừng đổ lỗi tại số phận.

Trẻ thơ phải biết ổ điện là vật mà lấy que sắt chọc ngoáy sẽ chết vì điện giật, không được chơi với cái bình gas nhỏ mà bố mẹ mua về để dùng cho bếp gas đặt trên bàn. Trẻ cũng cần được dạy dỗ rằng, ra đường thấy người lớn cho kẹo rồi rủ đi chơi phải từ chối, dù thèm kẹo đến mấy. Ở nhà một mình, trẻ phải biết cách khi trong nhà có sự cố như hỏa hoạn, khi có kẻ xấu đang tìm cách xâm nhập v.v...

6. Ngày tôi còn nhỏ, cậu tôi là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đang ở tuổi thanh niên. Ông tham gia tổ chức Hướng đạo sinh (Scout), ông bảo mẹ tôi cho tôi tham gia vào nhóm Sói con. Ông cho biết, những Hướng đạo sinh thường tổ chức cắm trại, những chuyến đi dã ngoại, huấn luyện cách nấu ăn ngoài trời, bơi lội, chèo thuyền, cách tìm phương hướng khi đi đường, cách cứu người bị thương v.v... Hướng đạo sinh còn tổ chức liên hoan lửa trại, diễn kịch, ca hát thật sôi động.

Cách mạng tháng Tám thành công. Các hoạt động của Scout dừng lại. Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đội thiếu nhi tháng Tám đã lôi cuốn bọn trẻ chúng tôi vào những hoạt động xã hội. Tôi trưởng thành khi đã là đoàn viên Thanh niên Cứu quốc. Tuy nhiên, tôi có một cảm nhận rằng, nếu Đoàn thanh niên của chúng ta thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị - xã hội mà kết hợp với nội dung để rèn luyện những năng lực sinh tồn thì sự phát triển sẽ toàn diện hơn.

Hiện nay, nhiều trường mầm non, mẫu giáo của chúng ta đã xây dựng Chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ dưới 6 tuổi. Đó là hướng đi đúng của giáo dục trẻ 3-5 tuổi.

Tiếc rằng, khi theo học bậc tiểu học, trẻ em bị gò vào một chương trình giáo dục khép kín với chuỗi móc xích "Học trên lớp - học thêm - học ở nhà". Nhiều khi, trẻ học thêm là hết thời gian, không còn đâu giờ làm bài tập ở nhà. Học và học thêm đang làm mất tuổi thơ của tụi nhỏ.

Lớn hơn chút nữa, bắt đầu từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông, chuỗi móc xích trên có thêm khâu "Thi", cụ thể là:

"Học trên lớp - Học thêm - Luyện thi - Học ở nhà". Cuộc đời của học sinh toàn thấy học, học đến mất ăn, mất ngủ, hao tổn sức khỏe, mệt nhọc tinh thần; đáng sợ hơn, học như vậy cũng chưa chắc đã được tuyển vào đại học. Không ít học sinh Trung học phổ thông đạt trên 28 điểm hoặc trên 29 tuổi cho 3 môn thi vẫn đứng ở cổng trường đại học. Ấy là chưa kể có những học sinh học xong đại học lại về chạy xe ôm công nghệ hoặc làm shipper cho các cơ sở cung ứng hàng hóa.

7. Tôi hay cắt tóc tại một tiệm nhỏ ngay đầu ngõ, gọi là "Tiệm cắt tóc" cho sang, thực ra, nó chỉ là một gian nhỏ với 4 bề ghép gỗ, đủ để kê cái bàn đựng đồ lề thợ cạo, và cái ghế cho khách ngồi. Một hai cái ghế kê ngoài vỉa hè cho khách ngồi chờ đến lượt.

Ông thợ cắt tóc là người đứng tuổi, có gần hai chục năm ở quân ngũ. Nay, ông về, kiếm tiền đi chợ cho bà vợ. Ông chuyên cắt bằng kéo, ít khi dùng tông-đơ.

Hôm qua, khi ông cắt tóc cho tôi, thỉnh thoảng có cậu xe ôm áo xanh lá cây in chữ Grab đi qua, chào vọng ông thợ cắt tóc:

- Cháu chào bác!

Ông bảo tôi: Tụi trẻ này sống trong xóm tôi, chúng tốt nghiệp đại học rồi đó, học hết hơi rồi về chạy xe ôm kiếm tiền.

Chẳng hiểu mấy cậu này đã có kỹ năng sống cần cho nghề xe ôm này chưa?