Về quê lập nghiệp - Cơ hội người trẻ làm giàu trên mảnh đất quê hương
Thời gian gần đây, trào lưu bỏ phố về quê để làm giàu cho quê hương đã và đang được những bạn trẻ vùng nông thôn khởi xướng và theo đuổi. Với họ, trở về quê không phải để tìm một cuộc sống an yên, sống vui qua ngày mà để sống một đời "nổi loạn".
Trong nhiều năm qua, việc học tập và lập nghiệp nơi phố thị phồn hoa là đích đến cuối cùng của nhiều bạn trẻ. Thế nhưng, thực tế kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, số lượng người trẻ có trình độ học vấn đã chọn con đường ngược lại – rời thành phố về quê với "giấc mộng làm giàu" ngày càng gia tăng.
Bỏ việc văn phòng ở thành phố, về quê lập nghiệp
Lê Minh Trường, sinh năm 1990, quê ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) tốt nghiệp ngành Điện tử - Điện lạnh trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ cụ thể.
Đang làm công nhân kỹ thuật cho Tập đoàn Samsung với mức lương nhiều người mơ ước, Trường đã quyết định nghỉ việc, về quê lập nghiệp, mặc cho sự cấm cản, khuyên ngăn từ gia đình và bạn bè.
Với quyết tâm và lòng đam mê, niềm tin và nghị lực, chàng kỹ sư ấy đã lựa chọn cho mình một sự nghiệp riêng ở tuổi 28. Đó là xây dựng nhà xưởng để thực hiện mô hình nuôi đông trùng hạ thảo.
Mô hình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) của Lê Minh Trường. Ảnh: NVCC
Để bắt đầu cho hành trình này, Trường đã xin vào làm việc cho một cơ sở nuôi trồng đông trùng hạ thảo ở tỉnh Lai Châu. Tại đây, anh có thể vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm.
Sau một thời gian học hỏi, cùng với số tiền tích cóp được khi còn làm việc trên thành phố, Trường quyết định trở về quê nhà, vay mượn thêm 500 triệu đồng để làm vốn đầu tư cho mô hình kinh doanh của mình.
Những ngày đầu mới bắt tay vào nuôi đông trùng hạ thảo, Trường đã gặp không ít khó khăn. Do khí hậu miền Bắc nóng lạnh khá thất thường nên đông trùng hạ thảo phát triển chậm. Những mẻ nấm đầu tiên Trường làm ra đều bị hỏng. Các mẫu bị chết gây mùi hôi thối, khó chịu. Làm rồi đổ đi – việc đó kéo dài đến gần một năm làm nhiều lúc Trường tưởng như phải dừng lại hành trình khởi nghiệp của mình.
Với niềm đam mê mãnh liệt và quyết tâm chinh phục bằng được vị thuốc "thần dược" này, Trường tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân làm nấm chưa thành công; tiếp tục học hỏi kỹ thuật cấy giống, đầu tư thêm một số thiết bị. Cuối cùng, mô hình nuôi đông trùng hạ thảo khép kín đã ra đời tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Sản phẩm đông trùng hạ thảo của Trường đã "thâm nhập thị trường" và được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Hiện nay, công việc kinh doanh này đã giúp Trường đạt được lợi nhuận vài trăm triệu đồng mỗi năm và tạo được công ăn việc làm cho nhiều người lao động tại địa phương.
Trường cho rằng nuôi đông trùng hạ thảo là một nghề đòi hỏi tính kiên trì, cẩn thận và tỉ mỉ cao.
Chia sẻ về quyết định nghỉ việc văn phòng về quê khởi nghiệp, Trường cho biết: Nếu có niềm đam mê, khao khát mãnh liệt thì việc bắt đầu xây dựng sự nghiệp chưa bao giờ là muộn và ở đâu cũng không quan trọng. Anh cảm thấy hạnh phúc khi lựa chọn đi "đúng đường" mà bản thân mong muốn.
Về quê, tập trung học, tập trung làm, tập trung tạo ra giá trị
Học xong, có một công việc ổn định tại các thành phố lớn được xem là ước mơ của nhiều bạn trẻ thời nay. Tuy nhiên, đi ngược với "dòng chảy" đó, Nguyễn Thị Thu Hà, sinh năm 1994, hay được giới trẻ biết đến với tên gọi Hana Ban Mê lại cho rằng, tuổi trẻ có năng lực, hoài bão thì phải làm được điều gì đó ý nghĩa cho quê hương.
Hà sinh ra trong một gia đình thuần nông ở mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, bôn ba làm việc ở Sài Gòn hơn 10 năm, Hà đã quyết định chọn về quê lập thân, lập nghiệp.
Chia sẻ về quyết định "về vườn" lập nghiệp, Hà cho biết: Bản thân đã rất áp lực, tiêu cực khi nghĩ đến tương lai mông lung, bố mẹ chẳng an lòng, hàng xóm lại "lời ra tiếng vào" - cho rằng có trình độ, được học hành tử tế mà lại quay về quê... Song, trong cái giây phút rối ren, chênh vênh đó, Hà vẫn mong được gắn bó với quê hương để đồng hành cùng nông sản, kết nối thương mại điện tử với nông nghiệp Việt Nam.
Lớn lên cùng vườn tược, nương rẫy cà phê ngút ngàn, Hà mang trong mình lòng biết ơn sâu thẳm bởi cà phê đã nuôi anh em cô khôn lớn, giúp gia đình cô vượt qua được những thử thách ở thời điểm khó khăn, vực dậy kinh tế của buôn làng nơi cô sinh sống. Đó cũng là lý do Hà chọn nghiên cứu cà phê là sản phẩm đầu tay để kinh doanh và dự án cà phê sạch đã ra đời sau một thời gian dài ấp ủ.
Hà chia sẻ: Kinh doanh cà phê là một thử thách đầy chông gai với một "nông dân" như mình khi ngành này đã có rất nhiều đối thủ lớn. Cơ duyên đến khi Hà được gặp gỡ các cô chú từ nông trại, những anh/chị nghiên cứu sản phẩm từ nông sản quê. Đôi lần khác, Hà may mắn được thăm quan các công ty lớn đang "thầm lặng" xuất khẩu nông sản...
Mỗi lần như vậy, Hà lại được tiếp cận, học hỏi và kết nối với những con người có tâm, có tầm. Để rồi sau hai năm nỗ lực không ngừng nghỉ, thương hiệu cà phê "Hana Ban Mê" đã ra đời. Hiện nay, công việc chính của Hà là kinh doanh cà phê và mật ong rừng nguyên chất.
Rời Sài Gòn hoa lệ về quê, Hà không ngờ có một ngày cô nông dân chênh vênh, mất định hướng, loay hoay với cơm áo gạo tiền như mình lại được mọi người biết đến, ưu ái ủng hộ và công nhận.
Đối với Hà, tập trung học, tập trung làm, tập trung tạo ra giá trị thì dù làm việc ở bất cứ nơi đâu - nông thôn hay thành phố cũng như nhau cả. Hành trình về quê đối với Hà là hành trình cô chẳng biết chính xác điều gì đang chờ đón mình, chỉ biết đó là điều mà bản thân lựa chọn, muốn được sống hết mình với tuổi trẻ.
Nhắc đến định hướng trong tương lai, Hà mong muốn được đồng hành, lan tỏa, nâng giá trị của sản phẩm cà phê, đưa sản phẩm cà phê đi xa hơn, đến gần hơn với bạn bè phương xa.
Địa phương đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp
Bắt nhịp xu hướng này của những người trẻ tuổi, nhiều địa phương đã lên kế hoạch, triển khai các chính sách mở rộng cơ hội việc làm để thu hút nguồn nhân lực trẻ trở về với quê hương.
Điển hình như vừa qua, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch "Hỗ trợ thanh niên tỉnh Thanh Hóa khởi nghiệp, giai đoạn 2023 – 2030" với mục đích thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng, mô hình sản xuất, kinh doanh; Tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên; Thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức kinh tế, xã hội đối với các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên.
Trong đó, cơ quan các cấp chính quyền có các nhiệm vụ như: Tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp; Thành lập các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, xây dựng mô hình điểm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư...
Tại Nghệ An, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với thanh niên năm 2023 về chủ đề "Thanh niên Nghệ An sáng tạo khởi nghiệp, lập nghiệp".
Nghệ An đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với thanh niên năm 2023 về chủ đề "Thanh niên Nghệ An sáng tạo khởi nghiệp, lập nghiệp". Ảnh: Cổng TTĐT Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đề nghị Tỉnh đoàn Nghệ An cần tiếp tục đổi mới, linh hoạt, năng động trong công tác tập hợp, vận động, định hướng cho thanh niên phát triển bản thân, đóng góp trách nhiệm vào xã hội. Đặc biệt cần phát huy vai trò trong khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần giúp Nghệ An sớm đạt mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước. Quan tâm công tác giáo dục, bồi dưỡng truyền thống của quê hương cho đoàn viên, thanh niên. Từ đó, khơi dậy khát vọng vươn lên, hình thành ý chí mạnh mẽ, có nghị lực, kiến thức, tự tin, năng động, sáng tạo, có lý tưởng, khát khao phát triển bản thân và đóng góp cho địa phương…
Có thể thấy, bức tranh về quê lập nghiệp, khởi nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ. Bên cạnh sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của các bạn thì địa phương đóng vai trò rất quan trọng để tạo nên một "startup" thành công.
Nếu xem như khởi nghiệp là một hệ sinh thái thì chính quyền, các nhà đầu tư, đội ngũ ngân hàng, các doanh nghiệp lớn... là những "nhân tố" quan trọng xoay quanh trục hệ sinh thái đó. Tất cả sẽ tạo ra sự kết nối, là "bàn đạp", tập hợp sức mạnh để người trẻ có thể phát huy được khả năng của mình, góp phần xây dựng cuộc sống làng quê ngày càng khởi sắc, phát triển kinh tế quê hương.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google