Giáo dục khởi nghiệp - cốt lõi phát triển quốc gia

GS.TS.Phạm Tất Dong
17:06 - 02/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Khởi nghiệp là chương trình đào tạo ở nhiều trường đại học trên thế giới, giúp cho sinh viên có tri thức và năng lực tạo lập doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Các quốc gia ngày càng quan tâm đến giáo dục khởi nghiệp (khởi tạo doanh nghiệp) vì lĩnh vực đào tạo này có vai trò khá quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Khởi nghiệp, GS.TS. Phạm Tất Dong

CHIA SẺ

Ở Việt Nam, giáo dục khởi nghiệp đang là vấn đề mới, bởi nhiều trường đại học vẫn chưa có chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực này. Trong khi đó, vấn đề đã trở thành công việc đương nhiên của nhiều trường đại học trên thế giới.

Tại các tư liệu giáo dục cho thấy trường đại học Harvard (Mỹ) đã xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp từ năm 1947. Đến năm 1989, UNESCO chính thức đưa ra khái niệm "Chương trình khởi nghiệp". Sau đó, nhiều quốc gia đã đào tạo và cấp văn bằng khởi nghiệp cho 3 cấp cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Đến năm 2006, nước Mỹ đã có trên 500 trường đại học mở chuyên ngành khởi nghiệp. Tại nước Anh, trước năm 2010 đã có 45% trường đại học mở ra một hoặc nhiều chương trình khởi nghiệp. Các trường Oxford, Cambridge... là những trường đi đầu trong lĩnh vực này.

Trong thập niên 1990 – 1999, Australia bắt đầu tổ chức giáo dục khởi nghiệp ở bậc đại học và sau đại học.

Ở Trung Quốc, người ta luôn chú ý giáo dục ý thức khởi nghiệp và tố chất khởi nghiệp, đặt mục tiêu bồi dưỡng lòng hăng say trong phát triển sự nghiệp, năng lực tự học và tinh thần doanh nhân cho sinh viên.

Israel nổi tiếng là "đất nước khởi nghiệp", là cường quốc đổi mới và khởi nghiệp. Họ gắn chương trình giáo dục khởi nghiệp với chương trình đào tạo tinh anh, gọi là chương trình Talpiot. Chương trình đã đào tạo được rất nhiều tài năng trẻ cho đất nước.

Giáo dục khởi nghiệp - cốt lõi phát triển quốc gia - Ảnh 2.

Đai học Cambridge (Anh quốc) là một trong số những trường đại học đào tạo khởi nghiệp sớm nhất. Ảnh: Cambridge

Giáo dục khởi nghiệp đi từ giáo dục nền tảng con người 

Dù chương trình đào tạo khởi nghiệp của các quốc gia có khác nhau như thế nào chăng nữa thì người ta đều tập trung giúp cá nhân đứng ra khởi nghiệp có được những phẩm chất sau đây:

1. Người khởi tạo doanh nghiệp phải nỗ lực học hỏi, tự học để tìm kiếm và kiến tạo tri thức mới, đam mê với những trải nghiệm trong quá trình xây dựng Startup mà mình đã hướng tới.

Học hỏi, tích lũy hiểu biết, hình thành những kỹ năng cần thiết là yếu tố quan trọng hàng đầu để quyết định khởi nghiệp.

2. Người khởi nghiệp phải quyết đoán và dám mạo hiểm. Sự do dự sẽ làm mất những cơ hội tạo ra doanh nghiệp mới của mình. Mặt khác, tinh thần mạo hiểm là cần thiết, bởi mạo hiểm có thể thất bại, nhưng sẵn sàng làm lại để tránh những va vấp trước đó.

3. Xây dựng doanh nghiệp, dù là nhỏ hay siêu nhỏ thì cũng cần sự tự tin. Trong cuộc cạnh tranh để có chỗ đứng trên thị trường, tự tin sẽ là yếu tố chèo lái để doanh nghiệp đi tới thành công.

4. Phẩm chất khôn ngoan cũng rất cần thiết. Sự khôn ngoan sẽ giúp người ta điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với hoàn cảnh bên ngoài đã thay đổi. Khôn ngoan bao hàm trí thông minh và óc sáng tạo, hoàn toàn trái ngược với sự láu cá, gian lận, thủ đoạn trong làm ăn.

5. Trong kinh doanh, người chủ doanh nghiệp phải giữ được uy tín với khách hàng bằng thái độ liêm chính của mình, giữ được lòng tin của các cộng sự.

6. Cuối cùng là tinh thần hợp tác trong làm ăn, liên kết với nhiều người trong làm ăn để cùng nhau phát triển. Mặt khác, phải xây dựng sự gắn kết của các cộng sự ngay trong doanh nghiệp của mình.

Đa số thanh niên và sinh viên hiện nay đều là con em các gia đình có mức sống thấp, thường không có vốn lớn để mở các doanh nghiệp đòi hỏi mức đầu tư ban đầu từ 500 triệu đến tiền tỉ. Vì thế, khi giáo dục khởi nghiệp cho họ, cần phải phối hợp với những người làm hướng nghiệp để giúp cho họ định hướng vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang có xu hướng mở rộng mà vốn ban đầu có thể dăm ba chục triệu.

Giáo dục khởi nghiệp - cốt lõi phát triển quốc gia - Ảnh 3.

Một buổi hội thảo kết nối thị trường quy tụ nhiều doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: TTH

Hiện nay, trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, những lĩnh vực có thể mở ra các doanh nghiệp là:

1. Nuôi côn trùng làm thực phẩm cho người và cho vật nuôi, như châu chấu, dế, bọ cạp, cà cuống...

2. Nuôi rắn mối, tắc kè, rắn ri voi, rắn ri cá, ba ba, nuôi chuột thương phẩm: chuột đồng, chuột nước (dúi), chuột lang.

3. Nuôi cá cảnh, cá thủy sinh, cá rô phi đơn tính, cá trắm, cá mè (chỉ cần có ao rộng).

4. Mở các cửa hàng tạp hóa, mỹ phẩm, đồ chơi thông minh, thuốc thú y, gia súc, gia cầm, tân dược và đông dược, thuốc bảo vệ thực vật, trừ sâu...

5. Mở các cửa hiệu giặt chăn gối, quần áo; sửa chữa đồ dùng điện gia dụng, điện sinh hoạt, rửa xe máy, chữa xe đạp, các xe chở nông sản, dịch vụ internet...

6. Mở các công ty dịch vụ nông thôn như dịch vụ tổ chức cưới xin, ma chay, giỗ chạp, bán hàng tại chỗ kết hợp với giao hàng tại nhà.

7. Mở các công ty du lịch nông thôn như du lịch cộng đồng, du lịch canh nông, du lịch sinh thái.

Giáo dục khởi nghiệp -  - Ảnh 1.

Thanh niên bản Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La làm du lịch cộng đồng ngay tại nhà mình, trình diễn văn hóa truyền thống dân tộc cho khách du lịch thưởng thức. Ảnh: TTH

Trên địa bàn thành phố, những công ty khởi nghiệp nhỏ, cần đến sự liên kết của một nhóm nhỏ cùng sở thích, cùng ý tưởng, ví dụ như:

1. Mở ra những cửa hàng nhỏ như quán cà phê, bánh kẹo, bánh mì, giải khát.v.v... với hình thức phục vụ và sản phẩm độc đáo, không giống với bất kỳ những cửa hàng cùng loại trong thành phố.

2. Mở ra các dịch vụ học tập như các khóa học tiếng Anh, tiếng Hàn, các khóa học chơi đàn guitar, organ, mandoline.v.v...

3. Mở ra các dịch vụ logistics với các phương tiện đơn giản có tính chất logistics sinh tồn, phục vụ tận nơi cho người tiêu dùng.

4. Mở các cửa hiệu cắt tóc, thời trang, sơn vẽ móng tay... 

Tạo dựng nền giáo dục khởi nghiệp  

Có thể nói, trong giáo dục khởi nghiệp, vấn đề cơ bản là giúp thanh niên tìm kiếm những lĩnh vực lao động một cách linh hoạt, sáng tạo và tìm được nguồn lực.

Để làm tốt giáo dục khởi nghiệp, nhất thiết phải có các điều kiện sau:

- Trước hết, cần tiến hành tốt công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông và trường đại học. Cho đến nay, trong lĩnh vực hướng nghiệp, nhà trường của chúng ta chưa chuyên nghiệp, do đó, làm hạn chế giáo dục khởi nghiệp.

- Trên cơ sở hướng nghiệp ở trường phổ thông, nhà trường giúp học sinh định hướng chọn trường chuyên nghiệp để học được một nghề. Với những học sinh sau phổ thông muốn kiếm việc làm ngay thì phải giúp các em định hướng khởi nghiệp.

- Tốt nghiệp trường dạy nghề hay trường đại học, thanh niên phải có tinh thần tìm kiếm, tự tạo việc làm và khởi sự doanh nghiệp. Không ít thanh niên tốt nghiệp đại học đã không tìm được việc làm lại chờ đợi cơ hội xin việc, thiếu sự năng động khởi nghiệp.

- Nhà trường cần quan tâm tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên. Khởi nghiệp và lập nghiệp là công việc sống còn của tuổi trẻ vào đời, nếu thanh niên bị bế tắc trong việc này, họ sẽ coi mình là kẻ thất bại sau đào tạo.

- Các doanh nghiệp, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... nên kết hợp với nhau để tạo ra cho tuổi trẻ hướng khởi nghiệp sau khi họ được đào tạo trong hệ thống giáo dục chính quy. Khi họ khởi nghiệp thì cũng là thời điểm họ phải học tập suốt đời dưới các hình thức giáo dục không chính quy là chủ yếu. Chỉ có như vậy, sự nghiệp của họ mới phát triển bền vững.