Thanh niên dân tộc thiểu số - ngọn đuốc của bản làng
Trào lưu gây dựng ảnh hưởng tích cực của bản thân để thay đổi cộng đồng được chính những thanh niên dân tộc thiểu số khởi xướng và theo đuổi. Họ không chỉ là những cá nhân xuất sắc trong cộng đồng của mình, còn là nguồn dẫn hướng - ngọn đuốc của bản làng.
Cuộc sống của bản thân là ngọn đuốc sáng
Tráng A Tòng, sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa, Đại học Khoa học Thái Nguyên quê ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. A Tòng giỏi tiếng Mông, thạo tiếng Anh, và nói tốt tiếng phổ thông. Vì thế, anh có thể tiếp cận các tài liệu nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế, lại có nền tảng sẵn có là sống trong một gia đình, bản làng, cộng đồng đậm đà bản sắc văn hóa ở Mộc Châu.
Tráng A Tòng tự chụp ảnh, quay các video ngắn để giới thiệu về ngày tết Mông, trang phục của người Mông, tập quán, tín ngưỡng nơi anh sinh ra và lớn lên sau đó đăng lên mạng xã hội.
Đặc biệt là A Tòng không chỉ nói về bản thân mình, gia đình mình, anh giới thiệu những con người xung quanh bản làng và nhịp sống bên trong cộng đồng người Mông đang đổi thay từng ngày.
Hơn thế nữa, trong các video và bài diễn thuyết về văn hóa địa phương, anh nói bằng 3 thứ tiếng Mông, tiếng Anh và tiếng phổ thông. Tráng A Tòng lập tức gây được sự chú ý vì bản lĩnh cứng cỏi, tự tin, tài ăn nói lưu loát và phong thái đĩnh đạc của một chàng trai trẻ người dân tộc thiểu số có tư duy tiến bộ.
Rất nhiều các tổ chức hoạt động vì cộng đồng đã mời anh tham gia vào các chiến dịch truyền thông tích cực nhằm mục đích bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa hay là xây dựng đời sống văn hóa mới tại các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi hiện nay.
Tráng A Tòng chia sẻ nơi anh sống trước đây là một khu vực vẫn còn nhiều diện tích rừng tự nhiên. Bản thân anh đã chứng kiến bố mẹ mình và những người khác mỗi khi làm nhà ở thì lại vào rừng chặt gỗ. Tập quán này trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ cũng góp một phần vào việc làm rừng nghèo kiệt, mất cân bằng sinh thái, khiến con người xung đột với tự nhiên.
Anh nói việc phá rừng giống như càng uống càng khát. Con người càng đốt nương rẫy, cây rừng mất đi, nguồn nước và màu xanh sinh thái cạn kiệt, người ta càng phải tiến sâu vào rừng và muông thú không còn chỗ ở.
Tráng A Tòng đã hơn một lần chia sẻ câu chuyện của gia đình anh và cộng đồng nơi anh sống để chống lại việc phá rừng. Anh hiểu và mong muốn một sự hòa hợp giữa con người và tự nhiên qua chính câu chuyện chia sẻ chân thành của mình.
Bài ca ngược chiều hạnh phúc - Chảo Yến
Không chỉ Tráng A Tòng, dân tộc Mông ở Mộc Châu, Sơn La, còn có Chảo Yến, dân tộc Dao ở Bát Xát, Lào Cai; Lò Thị Mai, dân tộc Thái ở Điện Biên Đông, Điện Biên… còn nhiều các thanh niên khác lựa chọn theo đuổi hành động tích cực - từ đó gây dựng tầm ảnh hưởng và nâng cấp nơi họ sống.
Chảo Yến, cô gái Dao xuất thân ở Bát Xát, Lào Cai - ở một xã biên giới nghèo tên là Nậm Chạc cách ngã 3 sông Hồng chảy vào đất Việt không xa. Bản làng nghèo, cây trồng kém năng suất, hủ tục còn nhiều, nhưng bản thân Chảo Yến lại là cô gái nổi trội, xuất sắc trong học vấn cùng tư chất tiến bộ.
Chảo Yến và ý tưởng biến toa thuốc lá rừng của người Dao thành hàng hoá, xoá nghèo cho quê hương. Ảnh: NVCC
Chảo Yến nói có người không tin tôi giành được học bổng du học, thành thạo tiếng Anh và đã đi nhiều nước trên thế giới. Vậy thì tôi sẵn sàng nói tiếng Anh cho họ nghe, và kể chuyện tôi đã đi qua các nước trên thế giới như thế nào cho họ thấy. Tôi vui mừng thấy các em nhỏ tuổi hơn mình trò chuyện với tôi và có động lực hơn trong học tập và tự tin lựa chọn các chuyên ngành khoa học mới, khó để theo đuổi, học tập.
Được hỏi vì sao đã đi du học, đã biết xã hội phương Tây có cuộc sống tiện nghi như thế nào mà lại còn về quê hương, Chảo Yến tiết lộ nhiều dự định, các dự án của bản thân cô để thay đổi cộng đồng. Trước mắt là tạo động lực để mọi người hăng say lao động thoát nghèo và quan trọng nhất là thế hệ trẻ sau cô phải có ý chí học tập.
Cô tận dụng tầm ảnh hưởng của mình, kĩ năng sẵn có trong thời gian tham gia tổ chức các dự án phi chính phủ, làm giàu từ tri thức bản địa để có thể cải tạo lại nơi mình sống. Ít nhất mọi người xung quanh tôi sẽ ấm no, trẻ con có học hành và không còn nghèo đói, tăm tối nữa - Chảo Yến nói.
Cô gái Dao Tuyển Chảo Yến và cuộc sống hạnh phúc ở bản Nậm Chạc, Bát Xát, Lào Cai. Ảnh: NVCC
Trên một diễn đàn trực tuyến về giao lưu văn hóa giữa học sinh, sinh viên các trường đại học, một số sinh viên bày tỏ muốn lên Hà Giang một lần cho biết đến mảnh đất vùng cao xa xôi thượng cùng của Tổ quốc, muốn lên Cột cờ Lũng Cú nhưng nghe nói thanh niên người Mông ra chợ kéo vợ nên sợ.
Thanh niên người Mông tên là Vàng Seo, quê ở Mèo Vạc, Hà Giang đã giải thích rõ ràng nét đẹp của tục kéo vợ. Vì không hiểu nên tập tục rất ý nhị, nhiều ý nghĩa của trai gái người Mông đã bị người ta hiểu sai đi, làm sai đi so với nguyên gốc. Sự giải thích của chàng trai người Mông về phong tục của dân tộc mình đã khiến nhiều người hiểu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc Mông.
Hạnh phúc dưới chân mình
Trào lưu gây ảnh hưởng tích cực được đề cao một phần nhờ truyền thông trực tuyến phát triển. Không cần phải tiếp xúc, gặp gỡ hoặc tổ chức những chương trình ồn ào, náo nhiệt, những sự kiện truyền thông đình đám tốn kém thì thông điệp mới được truyền tải đi.
Chỉ cần mạng xã hội với độ phủ rộng khắp, một thông điệp tích cực sẽ được truyền đi với tốc độ ngang bằng và làm mờ đi các trào lưu, xu hướng tiêu cực khác. Càng nhiều tích cực thì tiêu cực sẽ bị đẩy lùi. Các nam nữ thanh niên có tư duy mới, nắm bắt được công nghệ chỉ cần ở chính nơi mình sống, khai thác chất liệu từ bản thân và cộng đồng đã có thể làm nên những thông điệp tốt, phục vụ lợi ích bản thân và có ảnh hưởng tốt đến cộng đồng.
Một bộ phận không nhỏ giới trẻ thay vì thần tượng các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ Nhật, Hàn… thì lại thần tượng chính những bạn bè đồng trang lứa nhưng có những kỹ năng tốt, có rèn luyện và trau dồi bản thân như Chảo Yến, Tráng A Tòng...
Họ có niềm tự hào vì mình là người dân tộc thiểu số với kho tàng tập quán phong tục đẹp khai thác mãi không hết. Chỉ từ một bình luận tranh cãi về món ăn thường ngày của người dân tộc Thái, một cô gái Thái như Lò Thị Mai có thể mở hẳn một diễn đàn trên mạng để nói rõ về sự tinh tế của món ăn dân tộc mình.
Bằng cách đó, cô gái Thái có thể giới thiệu văn hóa ẩm thực, đồng thời giới thiệu mình qua hình ảnh của chính bản thân một hướng đi tích cực, dẫn đầu xu hướng sinh sống và làm việc trên chính quê hương mình.
Tất thảy nhưng thanh niên này đã sống và cháy hết mình như những ngọn đuốc. Họ đã chứng minh thanh niên dân tộc thiểu số không cần phải thoát ly, ly nông, ly hương thì vẫn có cuộc sống hạnh phúc bên cộng đồng của họ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google